26/32 hạng mục trong sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản đã được triển khai

(ĐTCK) Sau 16 tháng triển khai sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, từ tháng 8/2016 đến tháng 12/2017, đã có 28 cuộc đối thoại chính sách giữa các cơ quan có liên quan của Việt nam với phía Nhật Bản được tổ chức nhằm trao đổi, thảo luận về nội dung kế hoạch hành động.

Nội dung trên đã được đưa ra tại cuộc họp cấp cao Ủy ban hỗn hợp đánh giá cuối kỳ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn VI do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Ủy ban Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (thuộc Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản - Keidanren) tổ chức vừa diễn ra chiều qua (7/12) tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

26/32 hạng mục trong sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản đã được triển khai ảnh 1

Toàn cảnh cuộc họp 

Trong đó, nhiều khuyến nghị chính sách mang tính xây dựng của phía Nhật Bản đã được các bộ, ngành liên quan tiếp thu hoặc ghi nhận, tiếp tục nghiên cứu để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trong quá trình hoàn thiện luật pháp, chính sách, cũng như việc tổ chức thực thi.

Theo kết quả đánh giá của Ủy ban hỗn hợp Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, trong tổng số 32 hạng mục nêu tại Kế hoạch hành động giai đoạn VI, đã có 26 hạng mục triển khai và chỉ có 6 hạng mục chưa triển khai. Trong số 26 hạng mục nêu trên, 19 hạng mục đã triển khai tốt và đúng tiến độ, 7 hạng mục đang triển khai nhưng chậm tiến độ.

Các hạng mục hoàn thành tốt gồm các vấn đề liên quan đến dịch vụ, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, dịch vụ logistics-vận tải, lao động.

7 hạng mục đang triển khai nhưng chậm tiến độ liên quan đến các nhóm vấn đề về lao động; những quy định đối với nhà nhà đầu tư nước ngoài trong Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai và pháp luật khác liên quan đến đầu tư, kinh doanh; ngành phân phối dược phẩm.

Một trong những nguyên nhân chính của việc chậm tiến độ tiển khai các hạng mục trên là do phía Nhật Bản cần thêm thời gian để cung cấp tài liệu và thu thập đủ thông tin để gửi tới các cơ quan phía Việt Nam. Ngoài ra, một số nội dung liên quan đến việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật (Nghị định, Luật) hoặc những vấn đề mang tính chủ trương đòi hỏi thêm thời gian để xử lý hoặc tiếp tục nghiên cứu.

6 hạng mục chưa triển khai liên quan đến vấn đề tiền lương, những quy định đối với nhà nhà đầu tư nước ngoài trong Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai và pháp luật khác liên quan đến đầu tư, kinh doanh; ngành phân phối dược phẩm. Các hạng mục này sẽ tiếp tục được hai bên thảo luận trong thời gian tới.

Trên cơ sở kết quả đạt được trong thời gian qua, hai Bên thống nhất về nguyên tắc sẽ tiếp tục hợp tác, triển khai giai đoạn VII Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản với phương pháp tiếp cận, cách thức triển khai mới phù hợp với thực tế.

Bên cạnh các nhóm vấn đề doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm, giai đoạn 7 cần đề cập tới những vấn đề vĩ mô gắn với những khuyến nghị chính sách lớn, khả thi, góp phần cải thiện môi trường đầu tư Việt Nam, đẩy mạnh hơn nữa đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam và củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia.

Tin bài liên quan