TKV đặt mục tiêu tăng sản lượng khai thác khá khiêm tốn so với 2016, đạt từ 5-10%

TKV đặt mục tiêu tăng sản lượng khai thác khá khiêm tốn so với 2016, đạt từ 5-10%

2017: Than, dầu, dệt may tiếp tục “kêu” khó

(ĐTCK) Cùng chung nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh năm 2016, cả 3 tập đoàn lớn thuộc ngành công thương là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã đồng loạt đưa ra những dự báo khá thận trọng về xu hướng thị trường năm 2017.

2016: Đồng loạt gặp khó

Khó khăn mà cả 3 tập đoàn cùng phải đối mặt trong năm 2016 là sự sụt giảm sâu về nhu cầu và giá cả trên thị trường thế giới.

Trên lĩnh vực dầu khí, theo số liệu báo cáo của PVN, trong cả năm 2016, giá dầu thô trung bình chỉ dưới 45 USD/thùng, mức thấp nhất từ trước tới nay và kéo dài từ cuối năm 2015 cho tới hết năm 2016. Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN Nguyễn Quốc Khánh cho biết, mặc dù các chỉ tiêu khai thác đều đạt vượt kế hoạch, song doanh thu và lợi nhuận của PVN đều giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu hợp nhất 2016 của PVN chỉ đạt 234.000 tỷ đồng, giảm 20% so với con số 293.439 tỷ đồng của năm 2015.

Giá than đã phục hồi trở lại từ giữa quý III và dự kiến có thể kéo dài đến hết năm 2017, nhưng cũng chỉ ngang bằng với mức giá quý IV/2016.

- Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV Lê Minh Chuẩn.

Cùng với dầu khí, ngành than cũng đối mặt với rất nhiều thách thức, khi cả giá cả và nhu cầu than khoáng sản trên các thị trường lớn sụt giảm mạnh liên tiếp trong 4 năm trở lại đây.

Theo báo cáo của Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV Lê Minh Chuẩn, doanh thu năm 2016 đã sụt giảm 5% do sản lượng khai thác than nguyên khai giảm 4 triệu tấn so với năm 2015, xuống 34,5 triệu tấn. Trong năm 2016, ngành than đã phải chủ động lên kế hoạch cắt giảm sản lượng khai thác đề giảm lượng tồn kho, tuy nhiên, cũng phải tính toán rất kỹ để không ảnh hưởng tới việc làm và đời sống của gần 100.000 người lao động trong ngành.

Vinatex cũng gặp nhiều khó khăn, trong bối cảnh sụt giảm nhu cầu hàng dệt may của các thị trường lớn. Theo đánh giá của Tổng giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường, 2016 là năm dệt may có tốc độ tăng trưởng thấp nhất kể từ sau khủng hoảng kinh tế thế giới, với kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 28,3 tỷ USD, thấp hơn 1,7 tỷ USD so với kế hoạch.

Thị trường xuất khẩu giảm mạnh, song theo ông Trường, ngành dệt may còn gặp khó khăn kép do thị trường trong nước cũng chững lại. Bởi quy mô thị trường nội địa còn rất nhỏ, nên chưa hoàn thành được vai trò điều tiết khi xuất khẩu gặp khó.

“Năng lực sản xuất của ngành dệt may Việt Nam hiện đạt mức 35 tỷ USD, trong khi thị trường nội địa chỉ là 4,5 tỷ USD. Dù rất quan tâm phát triển đến thị trường nội địa, nhưng rõ ràng, xuất khẩu mới là đầu ra chính. 90% hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành là dồn cho xuất khẩu”, ông Trường nhấn mạnh. 

2017: Triển vọng hồi phục chậm

Dự báo về xu hướng thị trường và khả năng tăng trưởng trong năm 2017, cả 3 ông lớn ngành công thương đều có chung nhận định khá thận trọng.

Theo Chủ tịch TKV Lê Minh Chuẩn, bước vào năm 2017, ngành than khoáng sản bắt đầu có dấu hiệu tích cực trở lại với giá than có xu hướng phục hồi, tuy nhiên, xu hướng giá cả thị trường “chưa sáng hẳn”.

“Giá than đã phục hồi trở lại từ giữa quý III và dự kiến có thể kéo dài đến hết năm 2017, nhưng cũng chỉ ngang bằng với mức giá quý IV/2016”, ông Chuẩn nhận định và cho biết, TKV sẽ cố gắng tập trung tận dụng giai đoạn đầu năm, khi giá than đang phục hồi tốt để đẩy mạnh khai thác và sản xuất. Theo đó, mục tiêu của TKV là tăng sản lượng khai thác từ 5-10% so với 2016.

Cùng chung quan điểm, PVN đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh các quý đầu năm nay nhằm tận dụng đà phục hồi của giá dầu. Theo đó, năm 2017, PVN đặt mục tiêu khai thác 14,2 triệu tấn dầu thô. Trong đó, khai thác trong nước là 12,28 triệu tấn và ngoài nước là 1,92 triệu tấn; sản xuất 9,61 tỷ mét khối khí, 201 tỷ kWh điện và 6,8 tỷ tấn xăng dầu các loại. Với phương án giá dầu trong năm ở mức 50 USD/thùng, PVN phấn đấu doanh thu đạt 437,8 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách 74,6 nghìn tỷ đồng.

Đối với lĩnh vực dệt may, Tổng giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường cho biết, dự liệu khó khăn trong xuất khẩu dệt may còn kéo sang năm 2017, do tính đến thời điểm này vẫn chưa thấy dấu hiệu sáng sủa, khi các thị trường nhập khẩu lớn vẫn trong xu hướng giảm cầu. Trong khi đó, các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết được kỳ vọng vẫn chưa có hiệu lực, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Với bối cảnh này, theo ông Trường, trong năm 2017, ngành dệt may sẽ tập trung cải tiến năng suất, chất lượng, thay vì tập trung cho đầu tư. Ông Trường cũng kiến nghị 3 vấn đề để tăng năng lực phát triển của ngành trong năm 2017, đó là giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính để củng cố năng lực cạnh tranh, cân đối giữa tỷ giá VND và ngoại tệ để có hỗ trợ cân bằng trong xuất khẩu, cân đối chính sách giữa tiền lương và tạo thêm việc làm cho người lao động.

Tin bài liên quan