2016, năm bản lề của kinh tế Việt Nam

2016, năm bản lề của kinh tế Việt Nam

(ĐTCK) Năm 2016 sẽ chứng kiến những sự kiện chính trị quan trọng như Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII, bầu cử Quốc hội khóa XIV. 

Nhiều chủ trương, chính sách mới cùng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội sẽ được thực hiện trong năm 2016, năm đầu của kế hoạch 5 năm 2016 - 2020. Năm 2016 sẽ thực sự là một năm bản lề của nền kinh tế Việt Nam.

Triển vọng lạc quan

Năm 2015 khép lại với những kết quả đáng khích lệ của nền kinh tế Việt Nam như tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định…, tạo tiền đề phát triển kinh tế cao hơn trong năm 2016.

Ngay từ cuối tháng 9/2015, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng như nhiều đối tác phát triển khác đã đưa ra những dự báo lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam, ước đạt mức tăng trưởng 6,5% trong năm 2015 (dự báo năm 2016 tăng 6,6%), mức tăng cao nhất trong 5 năm qua. Có được kết quả khả quan này là do những nỗ lực của Chính phủ trong điều hành kinh tế, đặc biệt là chính sách tiền tệ và tài khóa, nhằm duy trì tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

2016, năm bản lề của kinh tế Việt Nam ảnh 1

Ông Eric Sidgwick. Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam 

Trong năm 2015, chính sách tiền tệ và tài khóa theo hướng hỗ trợ tăng trưởng đã giúp ổn định vĩ mô. Song hành cùng với việc điều hành linh hoạt các chính sách tiền tệ là những cải cách chính sách nhằm nới lỏng quy định hạn chế đầu tư nước ngoài vào TTCK và bất động sản của Việt Nam, cũng như việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do đã củng cố niềm tin của DN, cũng như mở ra triển vọng thương mại và đầu tư khả quan hơn.

Những tiến bộ đã đạt được trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, các cơ hội từ việc tham gia các hiệp định thương mại tự do và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã củng cố niềm tin để Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,7% trong năm 2016.

… nhưng một số thách thức đang nổi lên

Mặc dù nhận định lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2016, nhưng ADB cho rằng, có một số thách thức đang nổi lên.

Thứ nhất, Việt Nam đã thành công hơn về thu hút đầu tư nước ngoài và xuất khẩu hàng hóa chế tác thì cũng trở nên phụ thuộc hơn vào các thị trường nước ngoài - nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Đáng chú ý, sự tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc hiện nay cũng như những điểm yếu kém đang tiếp diễn trong nền kinh tế của Nhật Bản có thể có tác động tiêu cực tới Việt Nam trong năm 2016.

Thứ hai, sự kỳ vọng vào những cơ hội mà TPP đem lại trong thời gian tới là rất lớn, song cũng phải nhìn nhận sẽ có những thách thức không nhỏ. Cụ thể, cơ hội tiếp cận với các thị trường nước ngoài, hạn chế các rào cản thương mại cho xuất khẩu là rất lớn, nhưng TPP yêu cầu Việt Nam phải mở cửa nền kinh tế cho cạnh tranh nước ngoài nhiều hơn và đòi hỏi thực thi nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về lao động và môi trường.

Thực thi TPP sẽ phát sinh những chi phí đáng kể cho việc điều chỉnh trong nước, đặc biệt khi các DN trong nước phải tham gia vào những cuộc cạnh tranh mới. Giải quyết các thách thức này sẽ đòi hỏi những cam kết chính trị và yêu cầu nền kinh tế phải thực hiện những điều chỉnh chi phí. Để tận dụng đầy đủ các lợi thế của TPP, Việt Nam cần cải thiện năng lực cạnh tranh toàn cầu và nâng cao năng suất để các công ty trong nước có thể cạnh tranh ở những thị trường mới.

Điều này đòi hỏi một loạt động thái chính sách phối hợp, bao gồm cả cải cách hiệu quả cung cấp dịch vụ công, giảm các tác động yếu kém trong quản lý tại DNNN như hiện nay đến sự đổi mới, nâng cấp các cơ sở hạ tầng thiết yếu của quốc gia. Trở nên cạnh tranh hơn trong các lĩnh vực này, Việt Nam có thể thành công hơn nữa trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài và thị trường xuất khẩu.

Thứ ba, gánh nặng nợ công đang ngày càng tăng. Kể từ năm 2011, Chính phủ đã tăng chi tiêu và đi vay để giúp nền kinh tế hồi phục. Nợ công, bao gồm nợ do Chính phủ bảo lãnh, đã tăng gần 2 lần kể từ năm 2000, hiện ở mức khoảng 60% GDP. Việc tăng nợ công là kết quả của sự quản lý tài chính lỏng lẻo, phản ánh thâm hụt ngân sách lớn.

Bắt đầu từ năm 2016, Chính phủ phải quyết liệt kìm tốc độ tăng chi tiêu để giảm bội chi ngân sách trước những quan ngại về nợ công và trả nợ. ADB và các đối tác phát triển khác hy vọng, Chính phủ sẽ kiểm soát việc thắt chặt chi tiêu này theo một lộ trình được cân nhắc thận trọng để tránh gây sốc cho đà đi lên của nền kinh tế.

Tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam vào đầu tháng 12/2015, vấn đề vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng đã được ADB đưa ra thảo luận. Theo nghiên cứu của ADB, Việt Nam đã đầu tư khoảng 9 - 10% GDP vào các lĩnh vực quan trọng như giao thông, năng lượng, viễn thông, nước và vệ sinh môi trường trong những năm qua, được đánh giá là một mức rất cao theo các tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng và Việt Nam trở nên giàu có hơn thì cũng là lúc Việt Nam bắt đầu phải đối mặt với những thách thức mới và phức tạp hơn về tài trợ cho hạ tầng.

Giải pháp nào?

Nhằm giải quyết những thách thức về nguồn tài chính để phát triển cơ sở hạ tầng, ADB đề xuất 3 khuyến nghị tới Chính phủ. Một là, sử dụng các nguồn vốn ODA đang có một cách hiệu quả hơn. Hai là, sau nhiều năm triển khai rồi dừng lại, cần nâng cao vai trò của mô hình hợp tác công - tư (PPP). Ba là, thúc đẩy nhanh tốc độ phát triển của thị trường vốn.

ADB cam kết sẽ cùng các đối tác phát triển khác tiếp tục hỗ trợ một cách mạnh mẽ nhất cho những nỗ lực của Chính phủ nhằm giải quyết các thách thức, thúc đẩy sự đổi mới và năng suất lao động, đồng thời cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng quốc gia và hỗ trợ Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu.

Bước sang năm 2016, ADB cũng như các đối tác phát triển khác luôn mong muốn kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới của Việt Nam sẽ thể hiện quyết tâm cao hơn của Chính phủ trong việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách kinh tế. ADB đang chuẩn bị cho Chiến lược Đối tác quốc gia mới với Việt Nam. Chúng tôi cam kết điều chỉnh Chiến lược Đối tác quốc gia mới hoàn toàn phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 của Việt Nam. Như vậy, ADB có thể đáp ứng tối đa nhu cầu phát triển ngày càng tăng của Việt Nam.

Trong hơn 20 năm qua, chúng tôi đã thực hiện cam kết lâu dài của ADB tại Việt Nam và chúng tôi hy vọng sẽ luôn là một đối tác tin cậy của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong 20 năm tiếp theo. Thay mặt cho ADB, tôi xin chúc Chính phủ và nhân dân Việt Nam thực hiện thành công những mục tiêu quan trọng trong năm 2016, năm bản lề của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020.

2016, năm bản lề của kinh tế Việt Nam ảnh 2

Ông Jonathan Dunn, Đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam

Tiến hành cải cách nhanh hơn và chất lượng hơn sẽ giúp tăng thêm niềm tin, giảm rủi ro tài khóa phát sinh từ khu vực ngân hàng và các DNNN, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu của các DN trong nước nhằm tạo công ăn việc làm và những cơ hội cho lực lượng lao động đầy nhiệt huyết đang tăng nhanh của Việt Nam.
Cải cách khu vực tài chính cần tiếp tục là ưu tiên hàng đầu. Một hệ thống ngân hàng lành mạnh và được quản lý tốt sẽ hỗ trợ tăng trưởng thông qua làm trung gian chuyển các nguồn lực tới các ngành hoạt động có hiệu quả nhất. Tái cơ cấu ngân hàng dựa trên những đánh giá phân tích, củng cố khu vực ngân hàng và nhận diện các tổn thất do nợ xấu cũng như xử lý nợ xấu, tất cả những việc này cần phải được đẩy mạnh.
Một thành phần quan trọng là cải cách pháp lý để tạo điều kiện chuyển nhượng tài sản thế chấp và hỗ trợ xử lý các ngân hàng không có khả năng tồn tại. Cần tăng cường nỗ lực cổ phần hóa các NHTM nhà nước và tái cấp vốn cho các ngân hàng với nguồn vốn từ các cổ đông mới hoặc hiện tại. Nói rộng hơn, sự phát triển thị trường vốn và cơ chế định giá cho các khoản nợ DN sẽ được hỗ trợ qua việc loại bỏ những giới hạn hiện tại đối với thị trường trái phiếu chính phủ.
Bên cạnh đó, tăng cường cải cách các DNNN. Kế hoạch cải cách các DNNN giai đoạn 2016 - 2020 sắp tới là một cơ hội tốt để đề ra các mục tiêu cụ thể cho việc thực hiện cải cách khối DN này. Ngoài việc đặt ra các mục tiêu cổ phần hóa, nên chú trọng đến tính minh bạch, quản trị, quản lý nhằm tăng năng suất, cải cách hoạt động và phối hợp nỗ lực cải cách DNNN giữa các bộ, ngành.
Các hiệp định thương mại tự do gần đây mang lại nhiều cơ hội thúc đẩy cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh nói chung, đồng thời thiết lập một sân chơi bình đẳng cho các DN vừa và nhỏ, khu vực DNNN, giúp các DN được tiếp cận một cách bình đẳng các thị trường và nguồn lực bao gồm cả đất đai và vốn.
Tin bài liên quan