12 dự án thua lỗ ngành công thương, báo cáo mới nhất vẫn chưa thấy ... sáng

(ĐTCK) Chiều 22/9, Bộ Công Thương đã có buổi họp về giải quyết các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.

Dự án thuộc Tập đoàn Hóa chất, mức thua lỗ... đã giảm

Ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương) cho biết, thông tin cập nhật tình hình 12 dự án đến nay cho thấy, đối với 4 dự án đầu tư sản xuất phân bón của Tập đoàn Hóa chất là Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai và Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng, về cơ bản hoạt động ổn định, thời gian chạy máy đạt từ 19-24 ngày.

Trừ Nhà máy Đạm Ninh Bình đang dừng sản xuất để tiến hành sửa chữa lớn theo kế hoạch từ ngày 25/8/2017 đến ngày 10/10/2017, 3 nhà máy còn lại đang vận hành với phụ tải trên 80%.

Các nhà máy vận hành sản xuất ổn định với phương án sản xuất kinh doanh được xây dựng theo hướng tăng cường quản trị, tiết giảm các chi phí sản xuất để giảm lỗ, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng chất lượng và đa dạng chủng loại sản phẩm.

Tính đến 15//9/2017, kết quả sản xuất kinh doanh của 4 đơn vị đã có những cải thiện đáng kể cả về doanh thu, sản lượng và mức độ thua lỗ.

Chi phí biến đổi của các sản phẩm urê và DAP đã thấp hơn giá bán, góp phần tạo dòng tiền bù đắp một phần chi phí cố định và tạo việc làm cho hàng ngàn người lao động.

Từ tháng 8/2017, Công ty cổ phần DAP - Vinachem đã có lãi trong kỳ khoảng 4 tỷ đồng, tháng 9/ 2017 ước tính lãi 6,766 tỷ đồng, dự kiến cuối năm 2017 có lãi lũy kế.

Tuy nhiên, 3 đơn vị còn lại vẫn còn lỗ do còn gặp rất nhiều khó khăn về giá nguyên liệu cao (giá than), giá sản phẩm thấp (giá urê), nhiều chính sách chưa được áp dụng (sửa Luật thuế 71/2014/QH13).

PVTex chưa thể khởi động lại 

Đối với 4 dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ông Hưng cho biết, theo báo cáo của PVN, Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR); Công ty cổ phần Nhiên Liệu sinh học Dầu khí Miền Trung (BSR-BF) và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil); Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi vẫn chưa vận hành sản xuất lại được do khó khăn về thu xếp chi phí để khắc phục, sửa chữa hệ thống xử lý nước thải để có thể vận hành 100% công suất thiết kế nên Nhà máy chỉ có thể hoạt động ở mức 60% công suất thiết kế.

12 dự án thua lỗ ngành công thương, báo cáo mới nhất vẫn chưa thấy ... sáng ảnh 2

 Nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi)

Bên cạnh đó, giá xăng dầu hiện nay đang ở mức thấp, nên các cổ đông BSR, PVOil lo ngại có thể rủi ro mất vốn do sản xuất kinh doanh thua lỗ.

Vào cuối tháng 6 vừa qua, Bộ Công thương đã làm việc với đại diện PVN, BSR, PVOil, BSR-BF và một số đơn vị liên quan xem xét tình hình thực tế tại Nhà máy và đã có Công văn chỉ đạo PVN khẩn trương xem xét, xây dựng phương án tái khởi Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất và Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước để có thể cung cấp sản phẩm ethanol (E100) ra thị trường từ ngày 1/1/2018.

Đến nay đã có 4 nhà đầu tư đăng ký tham gia và 1 nhà đầu tư đã nộp hồ sơ đề xuất hợp tác kinh doanh.

Theo kế hoạch, thời hạn các nhà đầu tư nộp hồ sơ đề xuất là đến 2/10/2017, sau đó BSR-BF sẽ tổ chức đánh giá lựa chọn nhà đầu tư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Có 2 đối tác mong muốn tham gia hợp tác vận hành lại Nhà máy là Công ty Tùng Lâm và Công ty TNHH Điện hơi công nghiệp Tín Thành (Công ty Tín Thành). PVN đang chỉ đạo các cổ đông (BSR, PVOil) và BSR-BF lập đầu bài mời nhà đầu tư tham gia hợp tác sản xuất kinh doanh.

Đối với Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, theo Bộ Công thương, tình trạng hiện tại của dự án PVTex là hết sức khó khăn và nhà máy vẫn chưa khởi động lại.

12 dự án thua lỗ ngành công thương, báo cáo mới nhất vẫn chưa thấy ... sáng ảnh 3

  Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng đắp chiếu sau 1 năm hoạt động

PVN đã chỉ đạo các đơn vị thành viên cử nhân sự đến hỗ trợ PVTEX rà soát đánh giá thực trạng Nhà máy thực hiện công tác bảo trì bảo dưỡng Nhà máy.

Mặt khác, PVN đã thành lập Tổ hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính, thương mại, pháp lý… từ nhân sự của PVN và các đơn vị thành viên để hỗ trợ PVTex chuẩn bị khởi động lại Nhà máy.

Về tình trạng Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS), theo báo cáo của Bộ Công thương, trong 8 tháng đầu năm 2017, ngoài việc tiếp tục thi công đóng mới 02 tàu dịch vụ (chủ tàu Vietsovpetro), tàu Gas 1.200 m3 (chủ tàu Việt Xuân Mới), hoàn thiện sửa chữa tàu Côn Sơn, Chí Linh (phần thi công súc rửa tại Vũng Tàu), DQS đã nỗ lực tìm kiếm và bổ sung các đơn hàng từ các đơn vị trong và ngoài ngành như tàu Epic 8, Epic 9, Petrolimex 18, Petrolimex 14...

Tuy nhiên, giá các đơn hàng này không lớn (bình quân một đơn hàng chỉ đạt khoản 3 tỷ đồng) nên không thể bù đắp được phần doanh thu bị thiếu so với kế hoạch đã được PVN phê duyệt;

8 tháng đầu năm, mặc dù DQS hạch toán hoàn nhập 45,89 tỷ đồng khoản tiền dự phòng của EIC mà DQS đã trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi ở những năm trước, song khi chưa tính khoản lãi phạt của YMC, VFC, thì số lãi của DQS cũng chỉ đạt 19,63 tỷ đồng.

Do đó, nếu không có khoản hoàn nhập này thì tiếp tục lỗ 26,26 tỷ đồng (chưa bao gồm khoản lãi phạt của YMC, VFC). Bên cạnh đó, DQS cũng đã nộp Ngân sách Nhà nước (NSNN) 12,47 tỷ đồng.

Thép và bột giấy vẫn khó khăn 

Đối với 2 Dự án đầu tư sản xuất thép, cụ thể là Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên (TISCO), Bộ Công thương cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2017, tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên vẫn ổn định với giai đoạn 1 đã hoàn thành trước đó đưa vào sử dụng.

Giá trị sản xuất công nghiệp của TISCO ước đạt 2.061 tỷ đồng với lợi nhuận ước đạt 95,89 tỷ đồng. Thép cán sản xuất đạt 551.572 tấn; phôi thép sản xuất đạt 313.948 tấn; gang sản xuất đạt 136.287 tấn.

Nhằm giải quyết các vướng mắc với Tổng thầu MCC và 14 nhà thầu phụ của Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, hai bên đã thống nhất quan điểm cần tập trung giải quyết các tồn tại vướng mắc liên quan đến Dự án, có kết quả báo cáo với Chính phủ trước ngày 30/9/2017.

MCC bày tỏ mong muốn tiếp tục được thực hiện hoàn thành toàn bộ các công việc còn lại của Gói thầu EPC số 01# theo hình thức hợp đồng EPC trọn gói.

Hiện nay, MCC đang làm việc với TISCO cùng đơn vị tư vấn và các nhà thầu phụ Việt Nam để phấn đấu giải quyết các tồn tại liên quan đến các nhà thầu phụ, hoàn thành theo đúng tiến độ Chính phủ chỉ đạo.

Riêng đối với các tồn tại của 14 nhà thầu phụ Việt Nam, ông Hưng cho biết, các bên đang nỗ lực để cố gắng giải quyết dứt điểm tồn tại của 14 hợp đồng thầu phụ xong trước khi tái khởi động lại Dự án.

Liên quan đến việc rút vốn của SCIC, theo Bộ Công thương, đến nay đã hoàn thành việc rút 1.000 tỷ đồng vốn góp của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để bảo toàn một phần vốn góp của Nhà nước.

Đáng chú ý, ngày 29/6/2017, TISCO đã tổ chức Đại hội cổ đông bất thường năm 2017 thông qua chủ trương phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ sau khi hoàn thành đầy đủ các thủ tục liên quan đến việc rút vốn của SCIC theo quy định của pháp luật và ủy quyền cho HĐQT Công ty xây dựng phương án phát hành tăng vốn điều lệ, phê duyệt và triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật. Các cổ đông hoàn toàn nhất trí và biểu quyết với tỷ lệ 100% tán thành.

Hiện nay, TISCO đang tổ chức tiến hành xây dựng chi tiết phương án và khả năng tăng vốn điều lệ. Phương án tăng vốn điều lệ phải xây dựng theo đúng nguyên tắc không sử dụng thêm ngân sách và vốn đầu tư của Tổng công ty theo chỉ đạo của Bộ Công Thương tại văn bản số 5691/BCT-CNNg ngày 28/06/2017.

Đối với Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và Nhà máy gang thép Lào Cai (Dự án nhà máy thép Việt – Trung (VTM), báo cáo của Bộ Công thương cho thấy từ tháng 3/2017, hoạt động sản xuất kinh doanh của VTM bắt đầu có lãi, ước tính lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm là 163 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm hiện tại, Công ty đã nộp tổng cộng 502 tỷ đồng tiền thuế các loại vào ngân sách nhà nước, trong đó tiền cấp quyền khai thác đã nộp đến ngày 21/9/2017 là 164 tỷ đồng, còn lại 38 tỷ đồng phải nộp tiếp sẽ hoàn thành trong quý IV/2017.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh của VTM vẫn còn nhiều khó khăn do nguyên liệu, nhiên liệu tăng mạnh, chi phí tài chính, khấu hao lớn, cân đối trả nợ, khả năng thanh toán còn thấp...

Đối với Dự án Nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam, Bộ Công thương cho biết, đến nay, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã thực hiện xong khâu định giá, tổ chức phương án và tiến hành tổ chức bán đấu giá toàn bộ tài sản cố định và hàng hóa tồn kho của nhà máy.

Tuy nhiên, qua 2 lần tổ chức bán đấu giá, nhưng đều không thành công.

12 dự án thua lỗ ngành công thương, báo cáo mới nhất vẫn chưa thấy ... sáng ảnh 4 

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ, việc bán đấu giá tiếp tục tập trung triển khai thực hiện theo đúng các qui định của pháp luật.

Chỉ đạo giải quyết các vướng mắc liên quan đến 12 dự án, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm 2017 tập trung cho xong việc xây dựng lộ trình và tập trung các giải pháp giải quyết các nút thắt, khúc xương và hóc lâu nay là các hợp dồng EPC đối với tổng thầu và nhà thầu trong nước và nước ngoài, cơ chế chính sách liên quan tín dụng bao gồm cả tái cơ cấu khoản nợ nguồn tín dụng cũng như thu xếp các nguồn tín dụng vận hành thương mại, khôi phục vận hành dự án trước khi thực hiện các giải pháp triệt để như thoái vốn, bán đấu giá…

Tinh thần là “chúng ta tự cứu chúng ta” trước khi có sự hỗ trợ về cơ chế chính sách từ các bộ ngành khác, cho dù có được phê duyệt các phương án trình Thủ tướng thì vẫn phải chủ động trong thẩm quyền của Bộ, Tập đoàn công ty và trong các cá nhân thì cần phải chủ động triển khai, cần có kế hoạch lộ trình báo cáo Chính phủ thống nhất triển khai”, Bộ trưởng chỉ đạo. 

Tin bài liên quan