10 điểm nhấn kinh tế nổi bật năm 2015

10 điểm nhấn kinh tế nổi bật năm 2015

Vượt lên nhiều khó khăn thách thức, kinh tế Việt Nam năm 2015 được các tổ chức quốc tế đánh giá là “một trong những điểm sáng hiếm hoi của kinh tế châu Á”. Báo Đầu tư xin điểm lại 10 điểm nhấn kinh tế nổi bật trong năm qua, có tác động mạnh mẽ đến hoạt động đầu tư - kinh doanh trong năm mới.

1. Lạm phát thấp kỷ lục

Năm 2015, lạm phát 0,6% - mức thấp nhất trong 14  năm gần đây. Đây là kết quả của chính sách ổn định kinh tế vĩ mô cùng với việc giảm giá nhiên liệu.

Lạm phát thấp sẽ tạo điều kiện để giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay, qua đó giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp. 

2. GDP tăng trưởng ấn tượng

Tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,68% - mức cao nhất trong 8 năm qua. Kết quả này nhờ sự phục hồi khả quan của ngành sản xuất công nghiệp, lòng tin của người tiêu dùng được lấy lại do lạm phát được kiểm soát, xuất khẩu và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng đáng kể.

3. FDI khởi sắc

Tổng vốn FDI đăng ký ước đạt 22,76 tỷ USD, vốn thực hiện ước đạt 14,5 tỷ USD, tăng 17,4% so với năm trước và tăng gấp đôi so với năm 2009. Điều này cho thấy xu hướng phục hồi mạnh mẽ của dòng vốn FDI, thể hiện lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam.

Tuy nhiên, thực tế đang đòi hỏi phải sàng lọc, nâng cao chất lượng và tác động lan tỏa của FDI, đồng thời có chính sách khuyến khích khu vực kinh tế trong nước phát triển nhanh hơn nhằm đảm bảo phát triển bền vững. 

4. Giá dầu giảm kỷ lục

Tiếp tục đà suy giảm trong cả năm, giá dầu thô những phiên cuối năm 2015 “dò đáy” ở mức dưới 40 USD/thùng - mức thấp nhất trong 7 năm qua. Giá dầu giảm một mặt làm giảm nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô, mặt khác tác động tích cực đến sản xuất trong nước nhờ giảm chi phí sản xuất.

5. Hàng loạt FTA được ký kết

Năm 2015 đánh dấu sự hội nhập sâu rộng của Việt Nam với khu vực và thế giới. Sau 8 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước và khu vực, như FTA với Hàn Quốc, EU, Liên minh Kinh tế Á - Âu, tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.

Tiến trình hội nhập sâu rộng với thế giới đang đòi hỏi Việt Nam phải nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh, cả ở cấp độ quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm để có thể tận dụng được các cơ hội mới, đồng thời đứng vững trên “sân nhà”. 

6. Đổi mới mạnh mẽ thể chế kinh tế

Có thể nói, năm 2015 là năm ghi đậm dấu ấn về đổi mới thể chế kinh tế. Nhiều đạo luật mới được Quốc hội thông qua và bắt đầu có hiệu lực trong năm 2015, như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế một cách sâu rộng và tạo khung khổ pháp lý đầy đủ, thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Điều hết sức có ý nghĩa là, các đạo luật mới cũng như các nghị định hướng dẫn thi hành của Chính phủ đã thể hiện rõ quan điểm đổi mới và cải cách, tiếp cận thông lệ quốc tế, đồng thời phù hợp với đặc thù của Việt Nam. 

7. Rốt ráo cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Trong suốt cả năm, chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã trở thành chủ đề sôi động, nóng bỏng trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương, tạo áp lực lớn đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Tuy nhiên, tiến trình cổ phần hóa DNNN đang phải đối mặt với nhiều lực cản, thách thức và chưa đạt kết quả như mong muốn của Chính phủ cả về tiến độ và chất lượng. Năm 2015, cả nước mới cổ phần hóa được 200/289 doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các DNNN đã được cổ phần hóa chưa tạo được sự chuyển biến cơ bản về nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động. 

8. Lãi suất, tỷ giá diễn biến theo chiều hướng tích cực

Cùng với những kết quả tích cực trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại, năm 2015 ghi nhận những chuyển biến tích cực trong điều hành chính sách tiền tệ.

Lạm phát thấp đã cho phép điều chỉnh giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay, tạo điều kiện giảm giá vốn. Mặt khác, trong bối cảnh Trung Quốc thả nổi đồng nhân dân tệ, Việt Nam cũng đã có sự điều chỉnh tỷ giá hợp lý, để vừa khuyến khích gia tăng xuất khẩu, vừa giữ ổn định giá trị VND. 

9. Thị trường bất động sản phục hồi

Năm 2015 ghi nhận sự phục hồi và phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam qua những con số về sự tăng giá liên tục của nhiều dự án cũng như việc giải quyết hàng tồn kho và thanh khoản tăng cao.

Tuy nhiên,việc đầu tư quá thái, kém hiệu quả của một số tập đoàn bất động sản dựa vào nguồn vốn ngân hàng đang đặt ra cảnh báo về nguy cơ tái gia tăng nợ xấu. 

10. Kết cấu hạ tầng giao thông được cải thiện

Tiếp sau việc đưa vào hoạt động tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai và nâng cấp Quốc lộ 1A, Quốc lộ 14, khánh thành cầu Nhật Tân và đường cao tốc Hà nội - Nội Bài vào đầu năm, việc khánh thành tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dài 105 km vào đầu tháng 12/2015 là dấu mốc quan trọng trong quá trình đầu tư nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông - vận tải.

Việc khánh thành và đưa vào hoạt động nhiều công trình giao thông - vận tải trong năm 2015 đã góp phần quan trọng tạo bước đột phá mới về kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế trong những năm tới.

Tin bài liên quan