Exxon Mobil đang chuẩn bị đầu tư một siêu dự án có quy mô ít nhất khoảng 10 tỷ USD vào Việt Nam để khai thác khí từ mỏ Cá Voi Xanh.

Exxon Mobil đang chuẩn bị đầu tư một siêu dự án có quy mô ít nhất khoảng 10 tỷ USD vào Việt Nam để khai thác khí từ mỏ Cá Voi Xanh.

Vốn FDI tăng kỷ lục, mở cửa để đón "phượng hoàng"

Trong 9 tháng đầu năm nay, đã có trên 25,48 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2016. Một con số kỷ lục và trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ liên tiếp tiếp đón lãnh đạo nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới và gửi tới họ thông điệp, Chính phủ Việt Nam đánh giá cao vai trò của các nhà đầu tư nước ngoài và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất.

Mở cửa đón “phượng hoàng”

Thời gian gần đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc liên tiếp có các cuộc tiếp lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới đến Việt Nam. Đầu tuần này là tỷ phú Philip Falcone, Chủ tịch Harbinger Capital Partners (Hoa Kỳ), quỹ đầu tư đang chi một ngân khoản không nhỏ cho Dự án Hồ Tràm Strip, vốn đầu tư 4,2 tỷ USD ở Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tại buổi tiếp, không chỉ đánh giá cao việc Quỹ Harbinger đầu tư vào Việt Nam, từ đó, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy nhiều công ty của Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam, Thủ tướng cũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Hoa Kỳ và cam kết tiếp tục xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng cho các nhà đầu tư.

Trên thực tế, đây không phải là thông điệp mà người đứng đầu Chính phủ chia sẻ với riêng tỷ phú Philip Falcone, mà đã luôn được khẳng định.

9 tháng đầu năm, Việt Nam đã thu hút được 25,48 tỷ USD, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2016. 
Trong số này, có 14,56 tỷ USD vốn đăng ký mới, tăng 30,4%; 6,75 tỷ USD vốn tăng thêm, tăng 28,3% và có 4,16 tỷ USD vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2016. 
Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Trước khi tiếp tỷ phú Philip Falcone ít ngày, Thủ tướng đã tiếp Chủ tịch Tập đoàn Warburg Pincus và bày tỏ mong muốn rằng, Việt Nam sẽ thu hút được nhiều hơn nữa các nhà đầu tư Hoa Kỳ trong lĩnh vực tài chính, giống như Warburg Pincus.

Warburg Pincus, sau khi dốc 300 triệu USD vào Vincom Retail, thì cuối năm ngoái, cũng đã đạt được thỏa thuận với VinaCapital để thành lập một liên doanh chuyên về đầu tư và quản lý khách sạn tại Việt Nam. Khoản vốn được các nhà đầu tư cam kết cho liên doanh ít nhất là 300 triệu USD.

Và lần này, sang Việt Nam, Warburg Pincus đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Becamex IDC để thành lập một liên doanh có vốn đầu tư ban đầu là 200 triệu USD để phát triển các khu kho vận hậu cần và các nhà máy xây sẵn theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong tầm nhìn phát triển 4-5 năm tới, liên doanh này có thể nâng vốn đầu tư lên tới 1-2 tỷ USD.

Trong khi đó, cuối tháng 8/2017, Thủ tướng đã tiếp ông Jon Gibbs, Phó chủ tịch Tập đoàn Exxon Mobil phụ trách châu Á -Thái Bình Dương và Trung Đông. Exxon Mobil đang chuẩn bị đầu tư một siêu dự án có quy mô ít nhất khoảng 10 tỷ USD vào Việt Nam để khai thác khí từ mỏ Cá Voi Xanh.

Từ dự án này, một trung tâm điện lực ở khu vực miền Trung sẽ được hình thành và cũng sẽ có hàng tỷ USD tiếp tục được đổ vào đây.

Tiếp ông Jon Gibbs, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để Exxon Mobil triển khai thành công các dự án tại Việt Nam.

“Khi Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện những cải cách khó khăn, nhưng cần thiết nhằm đảm bảo một sân chơi bình đẳng cho các công ty nước ngoài, thì tôi tin rằng, nguồn đầu tư từ Hoa Kỳ vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng”, ông Philip Falcone khẳng định và lý giải nguyên nhân khiến ông quyết định đầu tư tại Việt Nam là vì với tư cách một nhà đầu tư lâu năm, ông “học được cách tin tưởng vào các số liệu”.

“Khi tôi bắt đầu tìm hiểu thị trường Việt Nam giữa những năm 2000, tôi đã thực sự thấy ấn tượng về tiềm năng và những cơ hội đầu tư nơi đây. Những lợi thế của một nền kinh tế đang tăng trưởng, sự ổn định chính trị và dân số trẻ đã tạo nên một môi trường đầu tư hấp dẫn”, ông Philip Falcone nói.

Có lẽ, không chỉ tỷ phú Philip Falcone nhìn thấy điều đó ở thị trường Việt Nam. Cộng thêm nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và thông điệp nhất quán từ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc Chính phủ luôn tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư không chỉ từ Hoa Kỳ đã không ngừng bỏ vốn đầu tư vào Việt Nam.

Vốn FDI tăng kỷ lục

Cũng học cách “tin tưởng vào các số liệu” của tỷ phú Philip Falcone để vui mừng khi thấy rằng, vốn FDI đổ vào Việt Nam ngày càng nhiều. Điểm đặc biệt hơn, đó là sau 9 tháng, giải ngân vốn FDI bất ngờ tăng mạnh, ước đạt 12,5 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2016. Như vậy, cả vốn cấp mới, tăng thêm, vốn giải ngân đều tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ, một kết quả không gì trọn vẹn và tốt đẹp hơn.

Để đánh giá một cách công bằng, thì vẫn còn những hạn chế trong thu hút FDI ở Việt Nam. Song rõ ràng, việc vốn FDI đăng ký đổ mạnh vào Việt Nam là một tín hiệu tích cực.

Vốn FDI tăng kỷ lục, mở cửa để đón "phượng hoàng" ảnh 1

Những doanh nghiệp hàng đầu thế giới đã đến đầu tư và làm ăn tại Việt Nam 

Thêm nữa, số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, 9 tháng đầu năm, khu vực FDI ước xuất khẩu 110,8 tỷ USD (có tính dầu thô), tăng 21% so với cùng kỳ và chiếm 71,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Với kết quả này, cán cân thương mại của khu vực FDI đã thặng dư tới 17,63 tỷ USD - nếu tính cả dầu thô và là 15,36 tỷ USD - nếu không tính dầu thô.

Hẳn nhiên, điều này sẽ khiến Thủ tướng vui mừng, bởi những nỗ lực của Chính phủ trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã được đền đáp. 3 năm liên tiếp vừa qua, Thủ tướng đều ban hành Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Nỗ lực cắt giảm các điều kiện kinh doanh cũng đang được Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện, mà gần đây, dư luận thường nhắc tới “cuộc cách mạng” ở Bộ Công thương.

Trong các phiên họp thường kỳ Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã luôn vui mừng nhắc tới con số thu hút FDI và coi đó là một điểm sáng của nền kinh tế.

Tin bài liên quan