Xi măng Holcim Việt Nam hiện đã thuộc sở hữu của Tập đoàn SCCC (Thái Lan).

Xi măng Holcim Việt Nam hiện đã thuộc sở hữu của Tập đoàn SCCC (Thái Lan).

Vốn FDI của Thái Lan vào Việt Nam đạt 8,13 tỷ USD

Tính đến hết tháng 3/2017, các nhà đầu tư Thái Lan đã đầu tư vào 458 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 8,13 tỷ USD, đứng thứ 10 trong tổng số 115 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.     

Đây là thông tin được chia sẻ tại “Xúc tiến thương mại, đầu tư Việt Nam-Thái Lan: Thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược” vừa diễn ra tại Hà Nội

Với quyết tâm của Chính phủ hai nước, sự chủ động tích cực của giới doanh nghiệp, hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Thái Lan sẽ phát triển mạnh mẽ và đạt được mục tiêu đạt 20 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương vào năm 2020

Quan hệ thương mại Việt Nam- Thái Lan đã tăng trưởng hơn 40% trong suốt 5 năm qua. Năm 2016, mức tăng trưởng tiếp tục đạt 10%, với tổng kim ngạch lên tới gần 13 tỷ USD.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, mục tiêu 20 tỷ USD thương mại song phương vào năm 2020  hoàn toàn có khả năng đạt được. Trong những năm sắp tới thương mại hai nước sẽ tăng, khi hai nước tiến tới thực hiện hiệp định thương mại tự do chung của ASEAN và những hiệp định chung khác. 

Về phía Việt Nam, tính đến ngày 1/1/2015, Việt Nam đã cắt giảm về 0% đối với hơn 8.600 dòng thuế. Số còn lại gồm 669 dòng thuế sẽ được giảm xuống 0% vào năm 2018. Về phía Thái Lan, hiện nay hơn 9.500 dòng thuế thuộc lộ trình cắt giảm trong biểu cam kết thuế quan ATIGA đã được xóa bỏ toàn bộ từ năm 2012.

“Trong bối cảnh đó, hai bên cần tổ chức nhiều hoạt động, xúc tiến thương mại, đầu tư; tiếp tục khuyến khích thu hút doanh nghiệp Thái Lan đầu tư vào Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam mở rộng kinh doanh sang thị trường Thái Lan, góp phần cân bằng cán cân thương mại”, ông Hải nói.

Ông Winichai Chaemchaeng, Thứ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan cũng khẳng định, Việt Nam là bạn hàng lớn thứ hai của Thái Lan trong ASEAN và Thái Lan là bạn hàng thương mại lớn thứ nhất của Việt Nam. Hai nước đều ở trên lục địa đất liền, kết nối giao thông thuận tiện. Hai nước cũng có những chính sách thông thoáng, thực hiện nhiều biện pháp giảm rào cản, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa lưu thông.

Không chỉ là đối tác lớn về thương mại, Thái Lan còn là một trong những quốc gia có quan hệ hợp tác đầu  tư với Việt Nam từ rất sớm, ngay sau khi Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài.

Những năm qua, các doanh nghiệp Thái Lan đã lên kế hoạch cụ thể cho việc gia tăng nguồn vốn đầu tư trong các lĩnh vực lợi thế tại Việt Nam như bán lẻ, sản xuất vật liệu xây dựng, nhiệt điện, thức ăn chăn nuôi….

Tính đến hết tháng 3/2017, các nhà đầu tư Thái Lan đã đầu tư vào 458 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 8,13 tỷ USD, đứng thứ 10 trong tổng số 115 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Việc thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN động lực lớn để các nhà đầu tư Thái Lan đem vốn tới Việt Nam, mở rộng địa bàn kinh doanh của mình. Không chỉ hướng vào thị trường 90 triệu dân của Việt Nam, DN Thái Lan nhìn xa trông rộng hơn để thâm nhập thị trường AEC với dân số 600 triệu người, tổng GDP lên tới 3.000 tỷ USD.

Tin bài liên quan