Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI

(ĐTCK) Trong cuộc trao đổi với bà Nicola Connolly, Chủ tịch EuroCham, thông tin xuyên suốt đó là sự phát triển và sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài là không thể phủ nhận bởi Việt Nam đang không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh, tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại cần nhanh chóng giải quyết… 
bà Nicola Connolly

bà Nicola Connolly

Theo bà, Sách Trắng 2016 mà EuroCham công bố có những điểm gì mới so với các ấn bản trước đây?

EuroCham và các nhóm công tác ngành nghề, được gọi là các Tiểu ban Ngành nghề đang ngày càng phát triển với 14 Tiểu ban tính đến thời điểm hiện tại. Khi thực hiện Sách Trắng 2016, chúng tôi đã nhìn lại 7 năm trước và cùng với việc các Tiểu ban mới được thành lập, các vấn đề được đề cập trong Sách Trắng năm nay cũng tăng lên tương ứng. Theo đó, báo cáo lần này bổ sung thêm mục nâng cao đời sống người dân, phát triển nguồn nhân lực; tập trung vào các vấn đề như giấy phép lao động; các vấn đề về thuế như việc cải cách thủ tục hành chính thuế hay câu chuyện của ngành dược.

Tôi còn muốn nhấn mạnh rằng, nếu chúng ta nhìn lại 2 hay 3 năm vừa qua sẽ thấy những chuyển biến tích cực của Sách Trắng năm nay, đó là các thông tin quảng cáo đã bị gỡ bỏ, dành chỗ cho các khuyến nghị và đề xuất thiết thực ở nhiều lĩnh vực của các DN châu Âu với Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng, những ấn bản tiếp theo sẽ tiếp tục là cơ sở để Chính phủ Việt Nam cải thiện tốt hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh. 

Trong vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, Sách Trắng 2016 có nhắc đến câu chuyện của thủ tục hành chính thuế, đầu tư cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ giao thông vận tải. Bà có thể chia sẻ rõ hơn câu chuyện này?

Thực tế, Việt Nam đã giảm được khoảng 400 giờ thực hiện các thủ tục về thuế như khai hóa đơn, hoàn thuế. Hơn nữa, các thủ tục về thuế đã được thực hiện online và đều này rất có lợi không chỉ cho các DN châu Âu, mà còn cho các DN Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn muốn thấy những định nghĩa rõ ràng hơn, đồng thời mong đợi việc xử lý các thủ tục được thực hiện nhanh và tốt hơn. Các công ty trong cộng đồng DN châu Âu tại Việt Nam đã gặp phải rất nhiều vấn đề do họ không có được những định nghĩa rõ ràng về các thủ tục cần phải thực hiện. Các thủ tục nhiều khi được hiểu theo nhiều cách, nhiều nghĩa khác nhau tùy vào từng địa phương. Bên cạnh đó, chúng tôi cho rằng, hệ quả phù hợp nhất đối với việc vi phạm các quy định về thuế là xử phạt hành chính.

Ông Bruno Angelet, 
Đại sứ - Trưởng phái đoàn EU 
tại Việt Nam

Việt Nam là một trong những nền kinh tế dựa vào xuất khẩu nhiều nhất trong ASEAN, chỉ sau Singapore, với tỷ lệ xuất khẩu trên GDP là 83%. Tuy nhiên, hơn 70% hàng xuất khẩu đến từ các công ty FDI. Mới đây, Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức giới thiệu “Báo cáo Việt Nam 2035”, trong đó có đề cập rằng, một lượng đáng kể đầu tư trong nước không hiệu quả, trong khi năng suất lao động đang giảm…
Đây là cơ hội lớn, song thách thức cũng không nhỏ trong quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam-EU. Quan hệ này không chỉ là thương mại, bởi Việt Nam sẽ phải đương đầu với các thách thức trong tương lai và lớn hơn, không chỉ với nền kinh tế mà còn cho các xã hội và an ninh khu vực.
Khi Việt Nam “tốt nghiệp” và sớm bỏ lại viện trợ, Việt Nam sẽ phải xây dựng một mô hình phát triển kinh tế bền vững mới. Khi xã hội phát triển, Việt Nam sẽ phải cải thiện mô hình quản trị, đảm bảo tiếp cận bình đẳng của mọi công dân đối với y tế, giáo dục và công lý. Khi các thách thức khu vực xuất hiện, Việt Nam sẽ phải đảm bảo độc lập chiến lược, trong khi vẫn phải xây dựng các mối quan hệ đối tác với bên ngoài mạnh mẽ, đặc biệt là thông qua hội nhập khu vực trong ASEAN.    

Về cơ sở hạ tầng, vấn đề chính là cho phép các công ty của châu Âu dự thầu và tham gia vào các dự án hạ tầng tại Việt Nam. Với quy trình dự thầu, các DN châu Âu còn gặp phải khá nhiều khó khăn, ví dụ: quy trình dự thầu theo tiêu chuẩn châu Âu là khá chặt chẽ, trong khi tại Việt Nam vẫn chưa có một quy trình minh bạch và đó là vấn đề.

Cuối cùng là về giao thông vận tải. Hoạt động kinh doanh đa quốc gia yêu cầu rất lớn về hạ tầng và giao thông. Hầu hết các công ty và chuỗi cung ứng tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP. HCM, nhưng 70% các giao dịch lại được thực hiện cách những đô thị này 1.700 km. Vì vậy, để Việt Nam trở thành một điểm đến của dòng vốn đầu tư, các bạn cần cải thiện môi trường kinh doanh thông qua những điểm đó. 

Bà có thể cho biết kỳ vọng của cộng đồng DN châu Âu trong bối cảnh FTA Việt Nam-EU đang đi vào thực hiện là như thế nào?

Theo tôi, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU là một cơ hội rất lớn. Khi Hiệp định này chính thức có hiệu lực, không chỉ là các DN châu Âu được hưởng lợi, mà cả các DN Việt Nam cũng sẽ có lợi khi thực hiện hoạt động kinh doanh của mình tại châu Âu. Châu Âu có thị trường 500 triệu người, một thị trường tiêu dùng khổng lồ để các DN Việt Nam khai thác.

Do đó, chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) để thông qua các khóa đào tạo, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm cho các DN Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, các công ty của châu Âu rất vui mừng khi có thể tiếp tục được đầu tư kinh doanh thuận lợi ở Việt Nam và nhìn nhận, Việt Nam tiếp tục là một điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI.

Tin bài liên quan