Hiện có nhiều công nghệ và vật liệu hiện đại được đưa vào áp dụng trong các công trình trọng điểm. Ảnh: Lê Toàn

Hiện có nhiều công nghệ và vật liệu hiện đại được đưa vào áp dụng trong các công trình trọng điểm. Ảnh: Lê Toàn

Vì sao công trình trọng điểm vắng bóng nhà tư vấn nội?

(ĐTCK) Nhiều công trình trọng điểm quốc gia tại Việt Nam được thi công đúng tiến độ, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật đều có sự góp mặt của các tập đoàn xây dựng hàng đầu thế giới. Nhiều loại công nghệ, vật liệu xây dựng mới được áp dụng cho các công trình trọng điểm này.

Tập đoàn Shimizu Nhật Bản trúng thầu Dự án tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên và tại dự án này, Shimizu đã áp dụng công nghệ khiên đào tự động thi công không cần mặt bằng. Ở độ sâu 44m, Shimizu sử dụng công nghệ đặc biệt Top - Down (thi công từ trên xuống) để hạn chế sự biến dạng nền đất xung quanh, cũng như bảo vệ các hạ tầng phía bên trên của công trình. Nhờ đó, người dân có thể sinh hoạt bình thường trên mặt đất và hầu như không cảm nhận được các hoạt động xây dựng công trình vẫn đang hoạt động tích cực dưới lòng đất.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản về những công nghệ, vật liệu hiện đại được sử dụng tại Dự án metro Bến Thành - Suối Tiên, TS. Phạm Hữu Duy Quốc, Giám đốc Bộ phận Phát triển kinh doanh Ban Quốc tế, Tập đoàn Shimizu cho biết: “Hiện tại, phía Nhật Bản vẫn trực tiếp thi công và dần chuyển giao công nghệ cho phía Việt Nam. Tuy nhiên, nhanh nhất cũng mất khoảng 5 năm để các kỹ sư Việt Nam lĩnh hội được công nghệ, kỹ thuật mà Nhật Bản đang thi công tại dự án để có thể áp dụng cho các công trình tương tự”.

Được biết, làm việc tại công trường dự án hiện có 170 kỹ sư, trong đó có 150 kỹ sư là người Việt Nam và 20 chuyên gia người Nhật Bản có trách nhiệm quản lý, đào tạo, hướng dẫn và chuyển giao công nghệ. Đánh giá về khả năng lĩnh hội công nghệ, cũng như thi công của Việt Nam, đại diện Tập đoàn Shimizu cho biết, Việt Nam học hỏi khá nhanh và làm rất tốt.

Không chỉ dự án trên, tại nhiều dự án trọng điểm khác cũng đều có sự hiện diện của các tư vấn và nhà thầu ngoại. Đánh giá về nguyên nhân khiến tư vấn và nhà thầu Việt Nam bị “đuối” trước tư vấn ngoại, bà Nguyễn Thị Duyên, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam cho rằng, có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân cơ bản là do đơn giá tư vấn quá thấp. Vấn đề này đã được Hiệp hội đề xuất với Bộ Xây dựng và Bộ cũng đã đồng ý nghiên cứu điều chỉnh đơn giá cho phù hợp”.

Đồng quan điểm, ông Từ Đức Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty THIKEKO cho biết, trừ những công trình thi công phức tạp như Metro Bến Thành - Suối Tiên, hầm sông Sài Gòn…, thì đại đa số các công trình khác, tư vấn và nhà thầu Việt Nam đều làm được. Vấn đề vẫn mắc ở đơn giá, định mức, nên thường phải mời thêm tư vấn ngoại. Làm sao giải quyết được bài toán này thì cơ hội phát triển cho tư vấn Việt Nam mới mở ra.

Ngoài yếu tố đơn giá, ông Lê Anh Công, Giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế xây dựng D&C còn cho rằng, hoạt động tư vấn nội còn yếu khi không có tiếng nói góp ý với chính quyền địa phương. Chẳng hạn, tại TP. HCM, hiện Thành phố đang lúng túng về cách thức giải quyết và cách tiếp cận giải pháp chống ngập, do đó cần các nhà tư vấn giúp chính quyền giải quyết vấn đề.

Ngoài ra, để thắng các nhà tư vấn và nhà thầu ngoại như Shimisu tại các công trình trọng điểm là điều rất khó với các nhà tư vấn và nhà thầu Việt Nam, bởi chúng ta đang còn một khoảng cách khá xa so với họ. Đơn cử, Shimisu có riêng một viện nghiên cứu công nghệ tương đương một trường đại học với 120 tiến sỹ đầu ngành, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu đối với những công trình phức tạp nhất thế giới. Năm 2015, tập đoàn này có doanh thu tới 15 tỷ USD.

Dù còn nhiều hạn chế, nhưng cánh cửa cho tư vấn xây dựng Việt Nam vẫn mở, nhất là tại các công trình không quá phức tạp. Các các dự án này, doanh nghiệp Việt có thể tham gia với tư cách là đơn vị tư vấn độc lập chứ không phải đứng “ké” sân như hiện nay.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan