Gói thầu A3 do nhà thầu Giang Tô thi công bằng vật liệu kém chất lượng bị VEC yêu cầu khắc phục. Ảnh: H.M

Gói thầu A3 do nhà thầu Giang Tô thi công bằng vật liệu kém chất lượng bị VEC yêu cầu khắc phục. Ảnh: H.M

VEC mạnh tay với nhà thầu gian dối tại Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa phát hiện những gian dối trong sử dụng vật liệu nền đường tại gói thầu A3 thuộc Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Ông Hoàng Việt Hưng, Giám đốc Ban Quản lý (BQL) dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (thuộc VEC) cho biết, đơn vị vừa phát hiện những gian dối trong sử dụng vật liệu nền đường tại gói thầu A3 dài 10,6 km, với tổng giá trị khoảng 1.360 tỷ đồng, thực hiện từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới, do nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) phụ trách thi công.

Cụ thể, nhà thầu này đã đổ, san gạt đất đắp nền đường lẫn nhiều rễ cây, đá cục, đá vụn và hàm lượng hữu cơ cao. Với vật liệu này, chỉ bằng mắt thường đã nhận thấy không đạt tiêu chuẩn.

VEC đã thay thế giám đốc dự án của nhà thầu POSCO (Hàn Quốc) tại gói thầu A5 và giám đốc dự án của nhà thầu Lotte (Hàn Quốc) tại gói thầu A4 do không đáp ứng yêu cầu.   

Tư vấn giám sát khẳng định, vật liệu này ảnh hưởng xấu đến chất lượng thi công, xử lý nền đất yếu, nên chủ đầu tư đã buộc nhà thầu Giang Tô phải lập tức dừng thi công tại những vị trí trên, cho đến khi loại bỏ và thay thế vật liệu đạt chuẩn.

Theo VEC, những biện pháp áp dụng trên công trường là công việc thường xuyên, liên tục và thuộc trách nhiệm của Ban quản lý dự án và tư vấn giám sát, áp dụng đối với tất cả các nhà thầu cho tất cả các gói thầu, nhằm đảm bảo chất lượng cao nhất và tiến độ của dự án.

Thời gian qua, đơn vị đã thay thế giám đốc dự án của nhà thầu POSCO (Hàn Quốc) tại gói thầu A5 và giám đốc dự án của nhà thầu Lotte (Hàn Quốc) tại gói thầu A4 do không đáp ứng yêu cầu. Việc cắt giảm, điều chuyển khối lượng thi công của những đơn vị yếu kém cũng được VEC thực hiện tại các gói thầu A2, A1 và gói thầu số 2 (đoạn JICA tài trợ).

Tổng giám đốc VEC, ông Mai Tuấn Anh cho biết, trong quá trình thi công, VEC kiên quyết đưa ra khỏi công trường các nguồn vật liệu không đạt yêu cầu. Các đơn vị tư vấn thí nghiệm có kinh nghiệm ở các dự án lớn được tăng cường kiểm soát chặt chất lượng nhựa đường và thí nghiệm để kiểm định chất lượng bê tông nhựa.

Ghi nhận tại hiện trường, 139 km của Dự án đang bước vào giai đoạn thi công cao điểm, cơ bản thông tuyến nền đường, thảm cấp phối đá dăm đại trà và bê tông nhựa... Theo thống kê của VEC, dự án có khối lượng cấp phối đá dăm khổng lồ, lên đến gần 3 triệu m3, hiện tập kết được 780.000 m3.

Cũng theo ông Mai Tuấn Anh, VEC đã rà soát chấn chỉnh, thay thế một số phòng thí nghiệm không đạt yêu cầu; tổ chức lực lượng độc lập kiểm tra đột xuất chất lượng. “Thay vì tổ chức phòng thí nghiệm theo từng nhà thầu, chúng tôi thành lập các phòng thí nghiệm độc lập để kiểm soát chặt chất lượng”, ông Mai Tuấn Anh cho biết.

Để công tác kiểm soát chất lượng công trình đi vào nền nếp và thực sự phát huy hiệu quả, ông Mai Tuấn Anh yêu cầu Phòng Quản lý thi công và Giải phóng mặt bằng VEC cùng với Ban quản lý dự án, Giám đốc điều hành các gói thầu, Tư vấn giám sát phải kiểm soát chặt chẽ từ vật liệu đầu vào cho đến quá trình thi công trên công trường.

Đặc biệt, do kinh phí đầu tư hạng mục bê tông nhựa của các công trình là rất lớn và có nhiều rủi ro, Tổng giám đốc VEC lưu ý công tác kiểm soát nguồn gốc, chất lượng nhựa phải được đặt lên hàng đầu, tăng cường hơn nữa kiểm soát tất cả các đầu mối quan trọng liên quan đến chất lượng công trình, nhất là nguồn gốc nhựa.

“VEC sẽ đầu tư chi phí để mua thiết bị thực hiện công việc kiểm tra thiết bị nhựa đường ngay tại công trường và báo cáo xin phép Bộ Giao thông - Vận tải. Để có những sản phẩm bảo đảm chất lượng tốt, chúng ta không nên tiếc tiền đầu tư cho khâu kiểm soát”, ông Mai Tuấn Anh chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông Mai Tuấn Anh cũng phản ánh, khó khăn hiện nay là vướng mắc mặt bằng, dân tái cản trở thi công. Toàn tuyến còn gần 8,5 km chưa thể thi công, tập trung tại 13 điểm vướng lớn, trong đó tỉnh Quảng Nam có đến 8 điểm.

Về vấn đề này, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh đã giao gần 98% mặt bằng dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, hiện còn khoảng 150 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tập trung tháo gỡ vướng mắc, vận động các hộ còn lại nhận tiền và ký cam kết bàn giao mặt bằng trong tháng 8/2016.

Tin bài liên quan