Tàu chậm chạp qua đèo Khe Nét, Quảng Bình - Ảnh: Internet

Tàu chậm chạp qua đèo Khe Nét, Quảng Bình - Ảnh: Internet

Vay 78 triệu USD ODA Hàn Quốc cải tạo, xây hầm Khe Nét trên tuyến đường sắt Bắc Nam

Một trong những nút cổ chai trên tuyến đường sắt Bắc Nam - đèo Khe Nét (Quảng Bình) sẽ được cải tạo để rút ngắn thời gian, nâng cao năng lực chạy tàu.     

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa ký văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt danh mục Dự án Cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét, tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh sử dụng vốn vay ODA Hàn Quốc và cho phép dùng viện trợ không hoàn lại của Hàn Quốc rà soát, cập nhật nghiên cứu khả thi Dự án.

Ông Dũng cũng đề nghị Thủ tướng giao Bộ này thay mặt Chính phủ gửi công hàm đề nghị phía Hàn Quốc cung cấp vốn vay ODA cho Dự án và cung cấp viện trợ không hoàn lại thực hiện hỗ trợ kỹ thuật rà soát, cập nhật nghiên cứu khả thi Dự án. 

Dự án do  Bộ GTVT làm chủ đầu tư này, có mục tiêu đảm bảo an toàn, rút ngắn thời gian và nâng cao năng lực, chất lượng vận tải đường sắt Bắc Nam này sẽ tiến hành cải tạo tuyến và xây dựng 2 hầm để rút ngắn 2km quãng đường, qua đó nâng cao tốc độ và an toàn chạy tàu khu gian Đồng Chuối - Kim Lũ và khu đoạn Vinh - Đồng Hới.

Tổng mức đầu tư Dự án là khoảng  87,5 triệu USD (tương đương 1.953 tỷ đồng), trong đó có 78 triệu USD do Chính phủ Hàn Quốc cho vay thông qua EDCF; vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 9,5 triệu USD.

Theo đề xuất của Bộ GTVT, thời gian thực hiện công trình trọng điểm đường sắt này là 5 năm, tính từ khi hoàn tất các thủ tục để triển khai Dự án.

Được  biết, năm 2012, Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dùng vốn vay ưu đãi Trung Quốc. Tuy nhiên, do phía Trung Quốc không thể cung cấp tín dụng, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý thay thế bằng nhà tài trợ khác. Trong khuôn khổ hợp tác tài chính Việt Nam - Hàn Quốc, qua một số lần trao đổi, làm việc giữa Bộ GTVT cùng các đoàn công tác tìm hiểu, chuẩn bị dự án của KEXIM, Dự án đã nhận được quan tâm tài trợ từ phía Hàn Quốc. Dự án có tác dụng làm giảm chi phí, thời gian chạy tàu, nâng cao an toàn đường sắt, tiết kiệm chi phí duy tu, bảo dưỡng, phù họp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và quy định hiện hành.

“Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng việc vay vốn ODA Hàn Quốc để thực hiện Dự án là cần thiết và khả thi, phù hợp với luật lệ, quy định trong nước và các quyết định truớc đây của Thủ tướng Chính phủ”, Bộ trưởng Dũng đánh giá.

Tin bài liên quan