Chủ đầu tư Dự án Kenmark tại tỉnh Hải Dương đã biến mất, để lại khoản nợ ngân hàng lớn.

Chủ đầu tư Dự án Kenmark tại tỉnh Hải Dương đã biến mất, để lại khoản nợ ngân hàng lớn.

Từ các vụ doanh nghiệp FDI tháo chạy: Ngân hàng thận trọng với dự án FDI vốn mỏng

Sau các vụ nhà đầu tư nước ngoài ôm nợ tháo chạy như Kenmark, Lifepro…, ngân hàng trong nước phải thận trọng hơn với các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vốn mỏng, chủ yếu dựa vào vốn vay trong nước để thực hiện dự án.     

Doanh nghiệp FDI: Miếng bánh ngon của ngân hàng nội

Chưa bao giờ các hợp đồng tín dụng giữa các ngân hàng trong nước với khối doanh nghiệp FDI lại sôi động như thời gian qua. Có thể điểm tên một số thương vụ lớn như VietinBank Bình Dương tài trợ 7,6 triệu USD cho Nhà máy sản xuất thuốc tiêm Cephalosporin của Công ty TNHH Medochemie Viễn Đông (Cộng hòa Síp). Vietcombank tài trợ 120 triệu USD cho Tập đoàn Texhong xây dựng chuỗi dây chuyền công nghiệp dệt may. Trước đó, Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng cấp 420 tỷ đồng cho Texhong xây dựng “nhà máy sản xuất sợi” tại Khu công nghiệp Hải Yên (TP. Móng Cái, Quảng Ninh)...

Trong chiến lược hoạt động vài năm gần đây của các ngân hàng lớn, doanh nghiệp FDI được đặc biệt coi trọng. Nhiều ngân hàng đã lập hẳn bộ phận riêng để chăm sóc khách hàng FDI, như VietinBank, Vietcombank, BIDV, VIB…

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định: “Có doanh nghiệp FDI vào Việt Nam đầu tư đã “ôm nợ” tháo chạy, song con số này không phải là phổ biến. Doanh nghiệp FDI nhìn chung làm ăn bài bản, quản trị tốt. Chính vì vậy, các ngân hàng trong nước rất mặn mà cho vay khối doanh nghiệp này. Đây là miếng bánh ngon được nhiều ngân hàng nhắm tới và cạnh tranh quyết liệt vài năm gần đây”.

Không có gì khó hiểu khi các ngân hàng trong nước săn đón khách hàng là doanh nghiệp FDI. Thứ nhất, khối doanh nghiệp này đang chiếm tỷ trọng lớn về kim ngạch xuất nhập khẩu và giá trị sản xuất công nghiệp của nước ta. Thứ hai, với hàng loạt hiệp định thương mại được ký kết, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục tăng mạnh thời gian tới, đây là dư địa mà các ngân hàng nội nhắm đến để tận dụng cơ hội mở cửa, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp trong nước đang gặp nhiều khó khăn.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), hiện nay, lượng tín dụng cấp cho khối doanh nghiệp FDI là 100.000 tỷ đồng. Con số này khá khiêm tốn so với tổng dư nợ toàn hệ thống (hơn 5 triệu tỷ đồng) và theo các ngân hàng thương mại là “chưa xứng với tiềm năng”. Do đó, hầu như ngân hàng nào cũng có chiến lươc đẩy mạnh phân khúc này.

“Ôm nợ tháo chạy”: Ngân hàng đã biết dè chừng

Mặc dù rất coi trọng đối tượng khách hàng doanh nghiệp FDI, song các ngân hàng trong nước hiện nay cũng rất chặt chẽ trong cấp tín dụng. Lifepro, Kenmark… đã để lại những bài học đau đớn về rủi ro cho vay khối FDI, khiến nhiều ngân hàng chỉ dám cho vay các công ty con của các tập đoàn lớn, không còn dễ dãi cấp tín dụng cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó tổng giám đốc Vietcombank, tình trạng nhà đầu tư FDI “tay không bắt giặc” đến Việt Nam đầu tư dự án bằng vốn vay ngân hàng trong nước chủ yếu xuất hiện trong lĩnh vực gia công.

“Những doanh nghiệp này thường dùng vốn tự có xây dựng nhà xưởng, nhập khẩu máy móc, dây chuyền giá trị không lớn, nhưng nâng khống giá trị, tạo ra mức vốn góp ảo. Do đó, trong quá trình thẩm định, Vietcombank luôn đặc biệt chú trọng đánh giá năng lực tài chính, nguồn gốc tiền vốn góp của chủ đầu tư, đồng thời định giá kỹ dây chuyền máy móc, mức độ đầu tư vào tài sản cố định… để đánh giá đúng mức vốn chủ sở hữu thực sự, từ đó kiểm soát tỷ lệ vốn vay/vốn chủ sở hữu hợp lý”.

TS. Nguyễn Trí Hiếu khẳng định, trong cho vay doanh nghiệp FDI, rủi ro lớn nhất mà các ngân hàng gặp phải là dễ dãi trong xét duyệt tín dụng. Đây chính là lý do nhiều doanh nghiệp FDI nhỏ muốn “chạy” vào ngân hàng Việt Nam, trong khi với nhiều tập đoàn đa quốc gia, dù ngân hàng nội mỏi mồm chào mời, họ vẫn không vay.

Về vấn đề này, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho hay, các ngân hàng không còn tâm lý “sính” FDI như trước nữa, mà luôn thẩm định dự án một cách chặt chẽ. Theo đó, ngân hàng chỉ dám cho vay đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà xưởng với những doanh nghiệp FDI là công ty con của những tập đoàn toàn cầu. Còn đối với tín dụng ngắn hạn, ngân hàng cũng chỉ cấp hạn mức thấp dưới các hình thức có thể hạn chế rủi ro như bao thanh toán, chiết khấu hóa đơn…

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh chia sẻ thêm, nhằm tránh rủi ro khi thẩm định, lựa chọn dự án FDI để tài trợ, trước hết, phải đánh giá lịch sử, kinh nghiệm hoạt động trong ngành của công ty mẹ. Đồng thời, xem xét năng lực tài chính của chủ đầu tư, kinh nghiệm, năng lực quản lý của Ban lãnh đạo, tính khả thi, hiệu quả tài chính trước khi quyết định cho vay. Bên cạnh đó, xem xét quan hệ đối tác, đặc biệt là đầu ra của dự án. Theo đó, đối với các dự án FDI mà chủ đầu tư tự triển khai tại Việt Nam có độ rủi ro cao về thị trường đầu ra thì không nên cấp tín dụng.

“Vietcombank ưu tiên lựa chọn các dự án FDI mà công ty mẹ đã có người mua truyền thống, ngành hàng đang trong giai đoạn phát triển tốt”, bà Nguyễn Thị Kim Oanh nói.

Đại diện nhiều ngân hàng khác cũng cho rằng, việc doanh nghiệp FDI mỏng vốn là thực tế, song không đáng ngại, nếu các ngân hàng thẩm định thận trọng, sàng lọc kỹ dự án. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, ngân hàng tăng cho vay khối doanh nghiệp FDI cũng là xu hướng khó tránh, là cách để ngân hàng tận dụng cơ hội tăng nguồn thu, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị phần.

Tất nhiên, cùng với việc cho vay khối FDI, NHNN cũng cần có cơ chế quản lý vốn vay FDI hiệu quả hơn, kịp thời cảnh báo các ngân hàng. Ngoài ra, vốn bơm cho FDI cũng phải điều tiết ở lưu lượng hợp lý để không chèn lấn dòng tín dụng phục vụ trong nước.

Tin bài liên quan