Với việc Công ty TNHH GMIE (Bắc Ninh) ngừng hoạt động, hàng trăm lao động bỗng dưng mất việc làm. Ảnh: Tất Thảo

Với việc Công ty TNHH GMIE (Bắc Ninh) ngừng hoạt động, hàng trăm lao động bỗng dưng mất việc làm. Ảnh: Tất Thảo

Truy lùng tung tích chủ dự án FDI bỏ trốn

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư, triển khai một thời gian rồi bỗng dưng ngừng hoạt động, chủ đầu tư biến mất và các cơ quan chức năng lúng túng trong xử lý.     

Trát tìm người liên tiếp được cơ quan quản lý đầu tư tại các địa phương phát đi trong thời gian gần đây. Mới nhất, đầu tháng 8/2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên đã có thông báo tìm nhà đầu tư Dos-Tex Việt Nam (Tây Ban Nha) để làm thủ tục chấm dứt dự án.

Dos-Tex Việt Nam được cấp chứng nhận đầu tư từ đầu năm 2009, sau đó đã thuê lại cơ sở hạ tầng trong khuôn viên đất thuộc nhà máy dệt kim của Công ty cổ phần Dệt kim Vinatex (Khu công nghiệp Dệt may Phố Nối) để sản xuất. Tuy nhiên, tới tháng 5/2011, Dự án ngừng triển khai vì hoạt động kinh doanh không hiệu quả và cũng không còn khả năng trả nợ.

Vấn đề nằm ở chỗ, đã 5 năm trôi qua, tung tích của chủ đầu tư chẳng thấy, mà họ cũng không tới cơ quan quản lý địa phương để làm thủ tục chấm dứt Dự án.

Tương tự, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hải Phòng, cách đây hơn 2 tuần, cũng phát đi thông báo về việc tìm kiếm nhà đầu tư GNS Technology Co., Ltd. (Hàn Quốc) vì đã bỏ đi không dấu vết. GNS đã đăng ký đầu tư xây dựng một khu chung cư cao tầng để bán và cho thuê, cũng như một tòa nhà văn phòng cho thuê tại khu vực Dự án Phát triển khu đô thị mới 2A (phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng). Được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2008 và cũng đã dừng hoạt động từ tháng 6/2013, song cho tới nay, các thủ tục chấm dứt hoạt động dự án vẫn chưa được thực hiện.

Thực tế, đó chỉ là 2 trong số rất nhiều các văn bản “truy tìm tung tích” các doanh nghiệp nước ngoài bỗng dưng ngừng hoạt động rồi biến mất. Chẳng hạn, Sơn La đang tìm Công ty TNHH Khoa học và Kỹ thuật sinh vật Phú An Lệ (chấm dứt hoạt động từ tháng 3/2015, khi chủ đầu tư tự rút cơ sở vật chất không tiếp tục đầu tư tại Việt Nam); Sóc Trăng tìm kiếm chủ đầu tư Khải Sỹ Uy; Hà Tĩnh kiếm tìm Công ty cổ phần Sao Á (chủ đầu tư định thực hiện Dự án Viễn thông Sao Á - Hà Tĩnh. Sao Á đã ngừng hoạt động từ tháng 11/2014, mà cho đến nay, cơ quan đăng ký đầu tư vẫn không liên lạc được với nhà đầu tư)…

Rất nhiều thông tin như vậy. Điều đó cho thấy, tình trạng doanh nghiệp nước ngoài vắng chủ, bỏ trốn vẫn còn khá phức tạp.

Thực tế, tình trạng này đang gây nhiều bức xúc, khi ngày càng nhiều doanh nghiệp bỏ trốn, để lại nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, nợ thuế…, khiến các cơ quan quản lý nhà nước khốn khổ trong xử lý.

Năm ngoái, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã rất vất vả để xử lý việc Công ty TNHH GMIE bất ngờ ngừng hoạt động sản xuất - kinh doanh, “để lại” 439 lao động bỗng dưng mất việc làm. Cũng may, khi lãnh đạo Công ty tuyên bố cho công nhân nghỉ việc không thời hạn, dù không nêu lý do ngừng sản xuất, nhưng cũng đã kịp trả lương cho công nhân đến hết tháng 5/2015 và cũng đã đóng bảo hiểm cho 404 lao động đến hết tháng 4/2015. Tuy hậu quả không quá lớn, nợ không nhiều, song để xử lý cũng không phải là chuyện đơn giản, từ chuyện giải quyết việc làm cho hơn 400 công nhân, đến việc rà soát, thống kê số liệu công ty còn nợ các cơ quan nhà nước, người lao động và các đối tượng khác để kịp thời có phương án giải quyết…

Khoảng 2 - 4 năm trước, hàng loạt vụ việc như vậy đã rộ lên. Chẳng hạn, chuyện có tới 3 - 4 cơ quan cùng truy lùng tung tích Công ty Kwang Sung (Đồng Nai); chuyện Bình Dương khốn khổ vì xử lý trường hợp của Công ty TNHH Woolim Vina; hay chuyện Công ty TNHH Tsoca Vina (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) đã ngừng sản xuất, chủ đầu tư bỏ về nước không liên lạc được, nợ bảo hiểm xã hội hơn 523 triệu đồng; Công ty TNHH Kỹ nghệ J&V (Khu công nghiệp Dệt may Nhơn Trạch) nợ bảo hiểm hơn 688 triệu đồng...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã từng phải ra tay cùng các địa phương thống kê, truy tìm và xử lý các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vắng chủ. Con số được công bố tính đến ngày 31/5/2013 là cả nước có 518 doanh nghiệp FDI vắng chủ, với tổng vốn đăng ký hơn 900 triệu USD.

Rõ ràng, vấn đề làm thế nào để giảm thiểu tình trạng chủ dự án FDI bỏ trốn và xử lý được các trường hợp bỏ trốn vẫn đang khiến các cơ quan quản lý nhà nước đau đầu.

Tin bài liên quan