Hà Nội muốn công trình được khởi công vào tháng 8/2017 và hoàn thành vào tháng 12/2020. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hà Nội muốn công trình được khởi công vào tháng 8/2017 và hoàn thành vào tháng 12/2020. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trồi sụt chi phí tuyến metro Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo

Tổng mức đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 2, đoạn Nam Thăng Long - Hà Nội dài 11,5 km, tăng thêm khoảng 16.000 tỷ đồng, dù công trình thậm chí chưa triển khai ra thực địa.     

Vỡ tiến độ sâu

Sau 4 tháng chỉnh sửa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP. Hà Nội vừa hoàn tất hồ sơ điều chỉnh thiết kế cơ sở và tổng mức đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (Metro Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) để xin ý kiến các bộ, ngành liên quan.

So với các nội dung được phê duyệt tại Quyết định số 2054/QĐ - UBND ngày 23/11/2008 của UBND TP. Hà Nội về việc phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, hầu hết các chỉ tiêu quan trọng tại tuyến metro đi qua 6 quận nội thành là Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng này đã bị phá vỡ rất sâu.

Điều chỉnh đầu tiên liên quan đến thiết kế cơ sở của Dự án. Cụ thể, mặc dù vẫn giữ nguyên chiều dài tuyến đường (11,5 km) nhưng tổng chiều dài các đoạn đi ngầm đã tăng từ 8,5 km lên 8,9 km, trong khi đoạn đi trên cao giảm tương ứng từ 3 km xuống còn 2,6 km. Bên cạnh đó, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, tổng số đoàn tàu (mỗi đoàn tàu có 4 toa xe) trên tuyến cũng giảm từ 14 xuống còn 10 đoàn xe, tương ứng với thời gian giãn cách 5 phút/chuyến.

Do bị “ngâm tôm” quá lâu, nên Dự án cũng phải nới đai tiến độ với thời gian hoàn thành công trình được đẩy lên tới tận năm 2023.

Dự án có mục tiêu xây dựng tuyến đường sắt đô thị chạy trên đường dành riêng, với tổng chiều dài tuyến chính 11,5 km, trong đó 8,5 km đường đi ngầm, 3 km đi cao. Khổ đường sắt đôi 1.435 mm. Hệ thống nhà ga: 3 ga trên cao (ga C1- ga C3), 7 ga ngầm (ga C4 - C10). Phương tiện vận tải: giai đoạn đến năm 2020 dự kiến đoàn xe có 4 toa (Tc-M-M-Tc), sau năm 2020 đoàn xe có 6 toa (Tc-M-M-T-M-Tc). 1 Depot đặt tại xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm.    

Cần phải nói thêm rằng, ngay tại thời điểm này, nhiều điểm găng tiến độ dự kiến điều chỉnh đã bị phá vỡ, bởi việc thẩm định thiết kế cơ sở và tổng mức đầu tư Dự án hiện vẫn chưa thể kết thúc, trong khi lẽ ra công đoạn này phải hoàn thành trước tháng 7/2016.

Vì lẽ đó, sau 9 năm, tuyến metro số 2 từng được ấn định thời gian khai thác vào cuối năm 2015, hiện mới chỉ hoàn thành công tác sơ tuyển 5/5 gói thầu xây lắp, cung cấp thiết bị, nên chưa triển khai bất kỳ hoạt động nào trên hiện trường.

Trước đó, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6/2016 về việc đẩy nhanh tiến độ Dự án, Hà Nội muốn công trình được khởi công vào tháng 8/2017 và hoàn thành vào tháng 12/2020.

Chi phí nhảy múa

Cho đến thời điểm này, tổng mức đầu tư điều chỉnh Dự án được Hà Nội xác định là 35.678 tỷ đồng (tương đương 195,36 tỷ yên), tăng 16.123 tỷ đồng so với Quyết định số 2054. Ngoại trừ chi phí đền bù giải phóng mặt bằng giảm (- 154 tỷ đồng), các chi phí còn lại đều bị đội giá; trong đó chi phí xây dựng tăng thêm 6.571 tỷ đồng, thiết bị tăng thêm 4.310 tỷ đồng, tư vấn tăng lên 1.550 tỷ đồng và dự phòng tăng lên 3.354 tỷ đồng.

Hà Nội cho biết là, đối với nguồn vốn vay ODA, hiện chủ đầu tư đã ký hiệp định vay đợt 1 với  Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) với giá trị khoản vay là 14.688 triệu yên (xây lắp 11.573 triệu yên; dịch vụ tư vấn 2.223 triệu yên) với thời hạn hiệu lực tháng 7/2009 đến tháng 6/2019. JICA đã có văn bản cam kết tiếp tục bố trí vốn bổ sung cho dự án sau khi dự án điều chỉnh được phê duyệt.

Như vậy, so với kiến nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư được Hà Nội đề xuất vào tháng 10/2016, chi phí hậu rà soát theo kiến nghị của các bộ, ngành chỉ giảm được khoảng 1.000 tỷ đồng (35.678/36.587 tỷ đồng).

Trong Văn bản số 5926/UBND-KH&ĐT gửi Thủ tướng Chính phủ cách đây 6 tháng, UBND TP. Hà Nội bảo lưu quan điểm bằng việc chốt tổng mức đầu tư Dự án ở con số 36.587 tỷ đồng (tương đương 200,415 tỷ yên).

Văn bản nêu, việc cơ quan thẩm định đưa tổng mức đầu tư Dự án ở mức 30.069 tỷ đồng là chưa phù hợp, không an toàn để thực hiện Dự án, đặc biệt, khi công trình có thời gian xây dựng kéo dài, có tính chất phức tạp và yêu cầu cao về mặt kỹ thuật.

Theo lãnh đạo Hà Nội, tư vấn chung thực hiện Dự án đã tính toán, phân tích suất đầu tư/km của tuyến metro số 2 vào khoảng 147 triệu USD (suất đầu tư phần xây dựng hạ tầng cho phần đi trên cao là 24 triệu USD/km; cho đoạn đi ngầm là 65 triệu USD/km) ở mức tương đương và thấp hơn so với các tuyến đường sắt đô thị đã, đang thực hiện ở các nước trong khu vực, trên thế giới và Việt Nam.

Cần phải nói thêm rằng, tuyến metro số 2 là công trình có tổng mức đầu tư liên tục “nhảy múa” với biên độ rất rộng, nên việc cơ quan thẩm tra chốt chi phí xây dựng xuống mức 30.069 tỷ đồng không phải không có cơ sở.

Điều đáng nói, đây vẫn chưa phải là con số cuối cùng, bởi tổng mức đầu tư chính xác chỉ có thể được xác định theo tỷ giá tại thời điểm phê duyệt dự án điều chỉnh.                    

Tin bài liên quan