Trật tự mới cho quản lý doanh nghiệp nhà nước: Ông chủ đích thực (kỳ 3)

Trật tự mới cho quản lý doanh nghiệp nhà nước: Ông chủ đích thực (kỳ 3)

Thành lập một cơ quan mới, có thể sẽ đi kèm những phát sinh không nhỏ trong bộ máy, nhưng nếu đó là chìa khóa hữu hiệu vào lúc này để giải bài toán quản lý và sử dụng hiệu quả tài sản công thì vẫn là lựa chọn không thể chần chừ. Đây là điều ông chủ đích thực là Nhà nước đang rất cần.      

Nỗi lo “đỏ chưa phải là chín”

Cho tới thời điểm này, vẫn có lo ngại, mô hình Ủy ban Quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp (DN) mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất vẫn chưa phải là tối ưu.

Lý do là sẽ tồn tại song song 2 mô hình. Một là, Ủy ban ở vai chuyên trách chủ sở hữu với 30 tập đoàn, tổng công ty, trong đó có Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Hai là, SCIC ở vai đại diện chủ sở hữu với các DN có vốn nhà nước còn lại. Ngoài ra, các DNNN hoạt động công ích, các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, DNNN trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh vẫn giữ nguyên hiện trạng.

Một chuyên gia về DNNN, người đã có nhiều năm tham gia đại diện vốn nhà nước tại các DN đã thực hiện cổ phần hóa bình luận, trước mắt và về lý thuyết, mô hình này chỉ giúp xác định một cách tương đối cụ thể và rõ ràng một cơ quan làm đầu mối để chịu trách nhiệm về những thất thoát, lãng phí và kém hiệu quả (nếu có) của DNNN. 

Nói cách khác, theo vị này, mô hình Ủy ban chỉ làm thỏa mãn yêu cầu mang tính nhất thời của công chúng đòi hỏi phải xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có sai phạm, sau những bê bối xảy ra tại Vinashin, Vinalines... Trong khi đó, điều mấu chốt  của chủ sở hữu là làm sao để nâng cao hiệu quả hoạt động và cải thiện tình hình tài chính của các DNNN.

Hơn thế, phân tích sâu thêm mô hình Ủy ban Quản lý và giám sát tài sản nhà nước (SASAC) của Trung Quốc, mô hình tham khảo của Ủy ban đang được đề xuất, cũng không phải không có hạn chế.

SASAC được thành lập từ tháng 3/2003 với tư cách là cơ quan cấp bộ đặc biệt thuộc Chính phủ Trung Quốc. Nhiệm vụ chính của SASAC vừa là đại diện chủ sở hữu của các DNNN, hoặc cổ đông nhà nước của DN có vốn nhà nước, vừa giám sát để giải quyết các vấn đề trong hoạt động hàng ngày tại các DNNN, tập đoàn kinh tế nhà nước trên 3 lĩnh vực là nhân sự chủ chốt, các vấn đề trọng yếu của DN và tài sản nhà nước tại DN.

Tuy nhiên, sau nhiều năm, hạn chế về hiệu quả quản trị DN đã xuất hiện do mô hình vận hành của SASAC chưa thực sự tuân theo cơ chế thị trường, vẫn là cơ quan hành chính. SASAC không có báo cáo tài chính riêng và không công khai minh bạch thông tin hoạt động như mô hình Temasek (Singapore)... nên không có tiêu chí để đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ chức này. Chưa kể, SASAC thiếu tự chủ trong lựa chọn người lãnh đạo đứng đầu các DNNN và chế độ đãi ngộ, dẫn đến hạn chế trong bộ máy nhân sự quản lý. Tình trạng tham nhũng, chủ nghĩa thân hữu cũng là những hệ quả không tránh khỏi.

"Nếu cơ quan chuyên trách này cải thiện được hiệu quả thêm 1 điểm phần trăm của tổng tài sản nhà nước trong các doanh nghiệp là 5,4 triệu tỷ đồng (khoảng 257 tỷ USD), thì giá trị tăng thêm đã là 2,5 tỷ USD, thì việc thành lập thêm một tổ chức mới là không thể chần chừ"

- TS. Nguyễn Đình Cung

Hiện tại, trong tiến trình cải cách SASAC, để thúc đẩy cải cách DNNN của Trung Quốc, một số công ty như Tập đoàn Đầu tư Khai thác Phát triển quốc gia (SDIC) và Công ty Lương thực thực phẩm và dầu ăn (COFCO) được thành lập bên cạnh SASAC để thực hiện các hoạt động đầu tư và kinh doanh vốn và tài sản nhà nước với mục tiêu lợi nhuận.

“Mong muốn cải thiện tình hình tài chính của các DNNN sẽ chưa giải quyết được nếu không chuyển từ mô hình quản lý vốn nhà nước thông qua cơ quan hành chính nhà nước sang mô hình đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước thông qua mô hình hoạt động như DN”, vị này nói và cho rằng, về lâu dài, mô hình SCIC nên là lựa chọn, dù hiện tại, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, SCIC chưa thực sự sẵn sàng để đảm nhận chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước. 

Thời điểm sẵn sàng được nhắc đến là khi SCIC được bổ sung quyền hạn và nâng cấp về tổ chức bộ máy để tiếp tục tiếp nhận và thoái vốn tại các DN khác để thu hẹp và giảm số lượng các DN có vốn đầu tư của nhà nước; đầu tư số tiền bán vốn thu về vào những lĩnh vực, dự án đòi hỏi có sự tham gia của nhà nước. 

“Khi số lượng DNNN còn lại khoảng dưới 100 DN là thời điểm thích hợp để hợp nhất giữa cơ quan chuyên trách và SCIC thành một... SCIC+ với quy mô và vị thế lớn hơn”, vị chuyên gia nói.   

Trên trang chủ của SCIC, phần chức năng của tổng công ty được thành lập năm 2005, đi vào hoạt động đúng 10 năm trước (tháng 8/2006) này được ghi rõ, đó là quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước. Đặc biệt, sự ra đời của SCIC nằm trong tiến trình cải cách kinh tế nói chung và cải cách DNNN nói riêng, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước.

Tuy nhiên, ông Trần Tiến Cường, nguyên Trưởng ban Đổi mới DN (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) cho rằng, SCIC cũng không phải là mô hình phù hợp với Việt Nam, vì SCIC là một công ty quản lý vốn, thuần túy kinh doanh vì lợi nhuận, giống như phiên bản chính của nó là Temasek, tuy chưa thể sánh bằng.

Trong khi đó, quyền chủ sở hữu rộng lớn hơn nhiều tổ chức đầu tư, tổ chức việc phân bố, giám sát và sử dụng vốn nhà nước theo mục tiêu đã định mà Chính phủ quyết định và hướng đến tối đa hóa giá trị vốn và tài sản nhà nước.

“Ông chủ Nhà nước cần cơ quan giám sát, kiểm soát tài sản của mình, xác định được bao nhiêu DNNN là đủ, đầu tư, quản lý thế nào, thoái vốn ra sao… chứ không đơn giản là đầu tư tài chính. Hơn thế, sở hữu công, ở đây là sở hữu toàn dân, khác hoàn toàn với sở hữu tư nhân, các sở hữu nhóm. Vì vậy, cần một cơ quan đủ thẩm quyền và năng lực để làm cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu nhà nước”, ông Cường phân tích.

Góc nhìn nhà hoạch định chính sách

Quan điểm của ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cũng như các chuyên gia soạn thảo Dự thảo Nghị định về thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu rất rõ ràng.

Theo đó, DNNN và đầu tư nhà nước tạo thành tài sản sở hữu công, tồn tại ở tất cả các quốc gia. Tuy mức độ, quy mô tài sản này có khác nhau, nhưng có sự đồng thuận gần như tuyệt đối trên hầu khắp thế giới về một số điểm.

Thứ nhất, nhà nước (trực tiếp là Chính phủ, gồm cả trung ương và địa phương) là người đầu tư lớn, là người nắm trong tay số lượng vốn và tài sản có quy mô lớn nhất, hơn bất cứ một nhà đầu tư nào trong một quốc gia cụ thể. Do đó, quản lý tốt và sử dụng có hiệu quả số tài sản công khổng lồ trong mỗi quốc gia là một động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế và gia tăng phúc lợi quốc gia.

Thứ hai, một trong các giải pháp cơ bản đầu tiên là phải có cơ quan chuyên trách quản lý, giám sát sử dụng tài sản nhà nước, trong đó có vốn đầu tư của nhà nước tại DN.

Nhưng, hai bàn tay phải vỗ lại mới tạo ra cú huých. Vì nếu chỉ kiểm tra, giám sát DNNN mà không thay đổi chức năng cơ quan đại diện chủ sở hữu, không có cơ chế giám sát minh bạch, rõ ràng thì không thể tạo để tạo ra môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản trị của khu vực DN có vốn nhà nước.

Như vậy, quan điểm của nhà soạn thảo là khi thiết kế, xây dựng và hoạt động của cơ quan chuyên trách là cần lưu ý đến vị thế, vai trò và chức năng và từ đó xác định những điểm đặc thù.

“Lãnh đạo và nhân viên của cơ quan này phải là người có kiến thức và kinh nghiệm về đầu tư, kinh doanh; có kỹ năng phân tích, đánh giá về đầu tư tài chính,  quản trị rủi ro.. Chúng tôi đề nghị không coi họ là công chức nhà nước, họ không phải là công chức nhà nước để có cơ chế, cách thức lựa chọn, bổ nhiệm phù hợp”, ông Cung nói.

Cũng tương tự như vậy đối với miễn nhiệm và sa thải các vị trí này, không áp dụng theo các quy định đối với công chức, viên chức. Các nhân viên của Ủy ban có thể bị sa thải vì không hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch, bất kể lý do gì, không cần phải giải trình, báo cáo qua các thủ tục, trình tự nha công chức…..

Đặc biệt, các nhà hoạch định chính sách đang kỳ vọng cách thức quản trị và quản lý cơ quan chuyên trách, cơ cấu tổ chức, công cụ và cách thức đánh giá kết quả công việc; cơ chế và chính sách lương bổng... tương tự như một công ty quản lý tài sản và đầu tư tài chính…

Nhưng, để có được đội ngũ nhân sự đủ sức tạo ra giá trị tăng thêm cho cả triệu tỷ đồng, chế độ lương bổng của cán bộ quản lý của cơ quan chuyên trách cũng phải được trả theo thị trường của những người quản lý đầu tư kinh doanh, không lấy lương của công chức nhà nước làm thước đo để trả lương cho họ.

Tất nhiên, cơ chế giám sát, đánh giá có hiệu quả của cơ quan này cũng phải theo các tiêu chí cụ thể, rõ ràng, định lượng được. Ngoài cơ chế nội bộ, cơ chế giám sát trong bộ máy Nhà nước, cơ quan này cũng sẽ phải công khai, minh bach hóa thông tin cho các cơ quan khác như Quốc hội, các cơ quan của Đảng, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam và dân chúng, nhất là báo chí. Sẽ có nhiều thay đổi, thậm chí là sẽ có đánh đổi quyền lực từ phía các bộ chủ quản.

“Chúng tôi đã thử tính, nếu cơ quan chuyên trách này cải thiện được hiệu quả thêm 1 điểm phần trăm của tổng tài sản nhà nước trong các doanh nghiệp là 5,4 triệu tỷ đồng (khoảng 257 tỷ USD), thì giá trị tăng thêm đã là 2,5 tỷ USD, thì việc thành lập thêm một tổ chức mới là không thể chần chừ”, ông Cung khuyến nghị.

Tin bài liên quan