Thủ tục bảo hiểm còn rườm ra với doanh nghiệp FDI

Thủ tục bảo hiểm còn rườm ra với doanh nghiệp FDI

Tại Hội nghị Đối thoại về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mới đây, các nội dung chính được đưa ra gồm mức đóng cao và thủ tục rườm rà, gây khó cho doanh nghiệp.

Bà Đào Thị Thu Huyền, Chánh văn phòng cấp cao Công ty TNHH Canon Việt Nam cho biết: “Các công ty FDI là thường xuyên phải sử dụng chuyên gia nước ngoài. Bản thân các lao động này trước khi đến Việt Nam làm việc đã đóng BHXH ở nước bản địa, giờ phải đóng thêm một lần nữa là quá nhiều”.

Liên quan tới Luật Bảo hiểm Xã hội 2014 (có hiệu lực từ 1/1/2016), bà Huyền đại diện cho khối các doanh nghiệp Nhật Bản kiến nghị: bỏ khoản 1, điều 2 Luật Bảo hiểm Xã hội quy định tham gia BHXH bắt buộc với lao động làm việc theo hợp đồng từ 1-3 tháng; bỏ khoản 7, điều 21 về việc niêm yết công khai thông tin đóng BHXH cho người lao động.

Theo bà Huyền, lao động trong doanh nghiệp thường biến động liên quan tới mùa vụ, nhu cầu sản xuất, thế nên có tình trạng người lao động nghỉ việc trước khi có sổ. Việc công khai thông tin đóng BHXH là không hợp lý, vì tại các  doanh nghiệp FDI, mỗi lao động có mức lương khác nhau và không nên công khai thông tin cá nhân.

Hiện Việt Nam vẫn chưa có ký kết tương trợ về thực hiện BHXH với nhiều quốc gia. Vì vậy, lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam vẫn phải tuân thủ quy định này.

 - Ông Trần Đình Liệu, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam

Hầu hết các doanh nghiệp FDI Nhật Bản đều cho rằng, Luật Bảo hiểm Xã hội 2014, tại điều 89 quy định căn cứ đóng BHXH từ 1/1/2016-1/1/2018 là lương và phụ cấp lương, từ 1/1/2018 trở đi là lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Điều này không hợp lý, bởi phụ cấp lương và các khoản bổ sung phụ thuộc chất lượng công việc, năng suất lao động và tình hình kinh doanh, khó tính toán mức đóng. Chưa kể,  Bộ Y tế đang kiến nghị tăng tỷ lệ đóng BHYT, điều này sẽ tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp và khiến Việt Nam giảm tính cạnh tranh so với thị trường lao động các nước trong cùng khu vực.

Ông Trần Đình Liệu, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, hiện Việt Nam vẫn chưa có ký kết tương trợ về thực hiện BHXH với nhiều quốc gia. Vì vậy, lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam vẫn phải tuân thủ quy định này.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định: “Luật Bảo hiểm Xã hội yêu cầu đóng BHXH dựa trên tiền lương, các khoản phụ cấp và các khoản khác. Tuy nhiên, việc đóng BHXH mới dựa trên tiền lương, cấp bậc, chức vụ cùng một số khoản phụ cấp có tính chất tiền lương”.

Cùng với mức đóng được khối doanh nghiệp FDI cho là khá cao, thì thủ tục hành chính liên quan tới BHXH chưa thống nhất cũng khiến cho người lao động không được hưởng đầy đủ chế độ.

Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Công ty TNHH Cedo, doanh nghiệp 100% vốn Anh quốc cho biết: “Theo mẫu C65, người lao động đi khám, bệnh viện ghi theo địa chỉ trên thẻ bảo hiểm, nhưng phía bảo hiểm lại yêu cầu ghi tên công ty. Hay trường hợp lao động nam nghỉ chế độ vợ sinh con,  chúng tôi chỉ có thể sắp xếp cho lao động nghỉ ngắt quãng, còn bảo hiểm chỉ chấp nhận chi trả khi nghỉ liên tục. Vì thế, đã gây khó cho doanh nghiệp và người lao động”.

Bà Hương cũng kiến nghị doanh nghiệp được giữ 2% quỹ lương BHXH để chi trả kịp thời chế độ ốm đau, thai sản cho người lao động, bởi việc chi trả các khoản này tới người lao động từ phía BHXH thời gian qua khá chậm.

Tin bài liên quan