Thay vì lo cho tổng cầu, đã đến lúc phải trọng cung để thúc đẩy sản xuất

Kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, song các yếu tố tạo động lực cho tăng trưởng quý sau đã khá hơn. Hiện có hai “cửa” để nền kinh tế có thể trông chờ, đó là khu vực tư nhân và dịch vụ.     

Hai kịch bản cho tăng trưởng kinh tế

Báo cáo “Dự báo kinh tế vĩ mô quý II/2017: Thử thách phía trước” vừa được TS. Đặng Đức Anh (Ban Phân tích và Dự báo, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia) hoàn thành.

TS. Đặng Đức Anh thừa nhận, có rất nhiều thách thức mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt, như công nghiệp khai khoáng tiếp tục suy giảm, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt thấp, sức ép lạm phát, tỷ giá và lãi suất đang gia tăng…, song trong cả 2 kịch bản kinh tế mà Trung tâm xây dựng, yếu tố “tích cực hơn” đã được khẳng định.

Thay vì lo cho tổng cầu, đã đến lúc phải trọng cung để thúc đẩy sản xuất  ảnh 1

Trang trại trồng hoa công nghệ cao tại Đà Lạt. Ảnh: Đức Thanh 

Cụ thể, trong kịch bản thứ nhất (Kịch bản cơ sở), với dự báo rằng, công nghiệp chế biến - chế tạo tiếp tục đà tăng trưởng cao hơn, trong khi mức sụt giảm công nghiệp khai khoáng thấp hơn, tốc độ giải ngân vốn đầu tư cao hơn…, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia tính toán, GDP quý II sẽ tăng 5,6%, cả năm tăng 6,2%.

Trong khi đó, với kịch bản thứ hai (Kịch bản kế hoạch), nếu công nghiệp khai khoáng phục hồi, mức khai thác tương đương năm 2016, giải ngân vốn đầu tư tăng trưởng mạnh, công nghiệp chế biến tăng trưởng cao hơn cùng kỳ, thì tăng trưởng GDP quý II có thể lên tới 6,27%; quý III là 7,03%; quý IV là 7,61% và cả năm là 6,68%.

Với kịch bản thứ hai (Kịch bản kế hoạch),tăng trưởng GDP quý II có thể lên tới 6,27%; quý III là 7,03%; quý IV là 7,61% và cả năm là 6,68%.

Khi công bố số liệu thống kê về tình hình kinh tế quý I/2017, với tăng trưởng GDP chỉ ở mức 5,1%, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% cả năm, thì 9 tháng cuối năm, tăng trưởng kinh tế phải đạt mức 7%.

Tuy nhiên, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo phải thực hiện mọi biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kịch bản tăng trưởng 6,7%, theo Thủ tướng, phải được tính đến.

“Năm nay, điều quan trọng là phải làm sao nâng cao chất lượng tăng trưởng, đổi mới mô hình tăng trưởng và tập trung  xử lý nợ xấu, giảm nợ công”, ông Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia nói.

Hai “cửa” cho tăng trưởng kinh tế

Một thông tin khiến Thủ tướng Chính phủ vui mừng khi nhắc tới tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2017 và cũng đã lại một lần nữa được các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh tại hội thảo khoa học về dự báo kinh tế vĩ mô quý II/2017 là Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam đã lên tới mức 54,7 điểm, cao nhất kể từ tháng 5/2015. Đây là chỉ báo cho thấy, sản xuất sẽ được cải thiện trong thời gian tới.

“Việc nhập khẩu các loại máy móc, nguyên phụ liệu cho sản xuất trong quý đầu năm tăng mạnh cũng là động thái tích cực, phản ánh tiềm năng tăng trưởng quý II, quý III/2017 sẽ tốt hơn”, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nói.

Một cách thẳng thắn, ông Lực cũng đã nhắc tới hai “cửa” mà Việt Nam có thể trông chờ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những quý còn lại của năm. Đó là thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân và dịch vụ.

“Vừa qua, du lịch tăng trưởng tốt. Đây là mũi nhọn cho tăng trưởng của Việt Nam. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh, đặc biệt là thể chế, để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, cũng như thúc đẩy giải ngân và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư để tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế”, ông Lực phân tích.

Phải đặt câu hỏi vì sao doanh nghiệp thành lập nhiều mà đóng góp cho tăng trưởng chưa được như kỳ vọng, hay khu vực tư nhân dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng chưa tạo được đột phá.

Tuy nhiên, dù vẫn có cái nhìn lạc quan về tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm nay, song ông Cấn Văn Lực cũng đã nhấn mạnh những áp lực lớn mà kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt. Đó là áp lực về lạm phát, tỷ giá và lãi suất.

“Giá hàng hóa thế giới, cung tiền tăng, cộng thêm việc tăng giá các dịch vụ công sẽ tạo áp lực lên lạm phát năm nay. Áp lực tăng lãi suất cũng khá lớn, áp lực tỷ giá cũng vậy, do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã và sẽ tiếp tục tăng lãi suất, khiến đồng Việt Nam bị mất giá. Chưa kể, nhân dân tệ mất giá cũng tạo áp lực tỷ giá đối với đồng Việt Nam”, ông Lực phân tích.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ lại nhấn mạnh việc phải quan tâm tới mối quan hệ giữa tăng trưởng và lạm phát, bởi nguy cơ năm nay, rất có thể, tăng trưởng không được như kỳ vọng, song lạm phát vẫn ở mức cao.

“Tôi cho rằng, đã đến lúc phải trọng cung, thay vì lo cho tổng cầu, để thúc đẩy sản xuất mạnh mẽ. Phải đặt câu hỏi vì sao doanh nghiệp thành lập nhiều mà đóng góp cho tăng trưởng chưa được như kỳ vọng, hay khu vực tư nhân dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng chưa tạo được đột phá”, ông Lưu Bích Hồ nói. Theo ông, phải trông vào hai cửa tư nhân và dịch vụ để thúc tăng trưởng kinh tế trong năm nay.

“Đồng thời, cũng phải rất quan tâm giải quyết nợ xấu”, ông Hồ nhấn mạnh.

Tin bài liên quan