Bosch tại Đồng Nai đã nội địa hóa toàn bộ quy trình sản xuất dây truyền lực..

Bosch tại Đồng Nai đã nội địa hóa toàn bộ quy trình sản xuất dây truyền lực..

Tham vọng của Bosch khi rót thêm 47 triệu USD vào Đồng Nai

Sau 2 năm liên tiếp mở rộng đầu tư, Tập đoàn Bosch (Đức) dự kiến rót thêm 47 triệu USD vào Đồng Nai, nhằm đa dạng hóa sản phẩm phục vụ quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa tại Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.

Nhà đầu tư Đức lớn nhất tại Đồng Nai

Tập đoàn Bosch dự kiến đầu tư thêm 47 triệu USD cho nhà máy tại Đồng Nai. Đó là thông tin được ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bosch Việt Nam cho biết tại buổi công bố kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty vừa diễn ra tại  TP.HCM.

Cần nói thêm rằng, trong mấy năm gần đây, Bosch đã liên tục tăng vốn đầu tư cho nhà máy tại Đồng Nai. Cụ thể, trong các năm 2015 và 2016, Bosch tăng thêm vốn đầu tư lần lượt là 23 và 22 triệu USD. Theo chia sẻ của đại diện Bosch, các khoản đầu tư này là để nhập thêm máy móc, dây chuyền sản xuất, đáp ứng nhu cầu về dây đai truyền lực đang tăng của các doanh nghiệp ô tô ở thị trường Đông Nam Á và châu Á.

Liên quan đến việc Bosch dự kiến tăng vốn cho nhà máy tại Đồng Nai, trao đổi với phóng viên, ông Mai Văn Nhơn, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (Diza) cho biết, ông chưa nắm được thông tin này.

“Đến thời điểm hiện tại, Ban chưa có thông tin cũng như chưa nhận được hồ sơ đề nghị tăng vốn đầu tư cho dự án tại Khu công nghiệp Long Thành của Công ty TNHH Bosch Việt Nam”, đại diện của Diza khẳng định.

Theo đó, lần điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư gần nhất của Bosch tại Đồng Nai là tháng 11/2016. Tính đến thời điểm đó, tổng vốn đầu tư đăng ký của dự án này là hơn 365 triệu USD.

Hiện nay, tại Đồng Nai có 4 dự án hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, trong đó dự án của Bosch có vốn đầu tư đăng ký lớn nhất.

“Theo ghi nhận đến thời điểm hiện tại, dự án của Công ty TNHH Bosch Việt Nam có tổng vốn đầu tư đăng ký lớn nhất trong số các dự án của Đức tại Đồng Nai”, đại diện của Diza cho biết.

Vì sao Bosch liên tục tăng vốn?

Thông tin từ Bosch Việt Nam cho biết, Tập đoàn Bosch vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 tại thị trường Việt Nam, với doanh thu bán hàng nội địa (hợp nhất) đạt 98,9 triệu USD (86 triệu euro), tăng hơn 40% so với năm trước đó.

Tổng doanh thu bán hàng nội địa và xuất khẩu (doanh thu ròng, bao gồm doanh thu từ các công ty con chưa hạch toán hợp nhất và các đơn hàng nội bộ với các công ty liên kết) đạt 322 triệu USD (280 triệu euro).

Ông Võ Quang Huệ cho biết, đạt được kết quả kinh doanh cao là nhờ điều kiện kinh doanh thuận lợi trong nước và thành công đó là động lực để Bosch đưa ra dự báo lạc quan trong năm 2017.

“Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa tại Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ và cả nước đang hướng đến một nền kinh tế thông minh. Đó chính là cơ hội tuyệt vời để Bosch đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là trong lĩnh vực giải pháp kết nối cho thành phố thông minh và công nghiệp 4.0”, ông Huệ cho biết.

Có thể thấy, kết quả sản xuất - kinh doanh thuận lợi cùng với những dự báo lạc quan về khả năng tăng trưởng trong năm 2017 và những năm tiếp theo là cơ sở chính cho việc Bosch dự kiến rót thêm vốn đầu tư cho nhà máy tại Đồng Nai.

Cùng với đó, những nghiên cứu tạo ra thiết bị kết nối thông minh, những công nghệ mới nhất trong nhiều lĩnh vực khác nhau của Bosch, đặc biệt là trong lĩnh vực thành phố thông minh và công nghiệp 4.0, là cơ sở để đại gia này quyết định khả năng tăng đầu tư.

Theo tìm hiểu, việc liên tục mở rộng đầu tư trong những năm gần đây đã cho phép nhà máy của Bosch tại Đồng Nai nội địa hóa toàn bộ quy trình sản xuất dây truyền lực. Hiện tại, các sản phẩm làm ra từ nhà máy này đều được xuất khẩu.

Việc Bosch nội địa hóa toàn bộ quy trình sản xuất và liên tục tăng vốn đầu tư đang tạo thêm cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất khác tại Việt Nam trở thành nhà cung cấp trong chuỗi sản xuất toàn cầu của Bosch. Tuy nhiên, việc trở thành nhà cung cấp cho một doanh nghiệp công nghệ cao như Bosch sẽ không hề dễ dàng.

Tin bài liên quan