Tin vui đầu năm
Theo thông tin đăng tải trên Báo Nikkei (Nhật Bản) cách đây ít ngày, Chính phủ Nhật Bản và khoảng 20 công ty nước này sẽ hợp tác với Việt Nam để xây dựng một đô thị thông minh ở Hà Nội, từ nay tới năm 2023.
Tuy quy mô và vốn đầu tư của dự án này chưa chính thức được công bố, song những thông tin ban đầu đã khiến nhiều người “choáng ngợp”. Đó là Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, cùng nhiều tên tuổi như Sumitomo, Mitsubishi Heavy Industries, Tokyo Metro… sẽ cùng tham gia đại dự án này, với tổng vốn đầu tư lên tới gần 4.000 tỷ yên, tương đương 37,3 tỷ USD này.
Với dự án được xây dựng trên diện tích 310 ha này, các nhà đầu tư Nhật Bản dự kiến biến vùng đất ở khu vực Nhật Tân - Nội Bài thành một đô thị thông minh, với hàng loạt tòa nhà thông minh, thiết bị công nghệ cao, công nghệ tiết kiệm năng lượng, tàu điện ngầm, xe buýt tự lái…
Nếu dự án này thành công, đây sẽ là khoản đầu tư lớn nhất của Nhật Bản từ trước tới nay ở Việt Nam. Không chỉ là kêu gọi vốn FDI từ các doanh nghiệp Nhật Bản, mà Chính phủ Nhật cũng sẽ hỗ trợ vốn ODA để phát triển dự án này.
Thực ra, trước khi đại dự án này được nhắc tới, Sumitomo đã ký thỏa thuận với Tập đoàn BRG của Việt Nam về việc triển khai một dự án đô thị thông minh ở khu vực Nhật Tân - Nội Bài. Quy mô không lớn bằng đại dự án vừa được nhắc đến, song con số 4 tỷ USD cũng là một khoản đầu tư đáng kể. Theo kế hoạch, dự án này sẽ bắt đầu được triển khai trong năm 2018 và như vậy, đây là một viên gạch đầu tiên cho đại kế hoạch 4.000 tỷ yên của các công ty Nhật Bản tại khu vực Nhật Tân - Nội Bài.
Trong khi đó, thông tin gần đây về việc Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất và Tập đoàn Danieli (Italy) đã cùng khởi động dự án nghiên cứu sản xuất thép không gỉ tại Việt Nam cũng đã giành được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Lý do là, lâu nay, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một số lượng lớn thép không gỉ để gia công sản xuất.
Theo kế hoạch, dự án trên sẽ có công suất 600.000 tấn/năm và có thể nâng lên 1 triệu tấn/năm, dự kiến được triển khai tại Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất (Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi). Quy mô này đủ bù đắp cho khoảng 560.000 tấn thép không gỉ mà Việt Nam phải nhập khẩu trong năm qua.
Còn Mitsubushi trong những ngày đầu năm mới cũng đã không giấu giếm kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất ô tô thứ hai tại Việt Nam, với vốn đầu tư 250 triệu USD. Nhà máy dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2020, với công suất 30.000 - 50.000 sản phẩm/năm, bao gồm cả xuất khẩu.
Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) cũng tương tự. Ông Cho Hyun Joon, Chủ tịch Tập đoàn Hyosung khi tiếp kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chia sẻ kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nan, sau khi đã đầu tư hàng tỷ USD tại Việt Nam. Hyosung đang quan tâm tới dự án điện ở Việt Nam, nhất là việc cung cấp các loại máy biến áp mà thị trường Việt Nam đang có nhu cầu lớn.
“Săn” nhà đầu tư đẳng cấp
Việc nhiều nhà đầu tư đẳng cấp tới Việt Nam vào những ngày tháng đầu năm 2018 tiếp tục khẳng định tiềm năng to lớn của Việt Nam trong thu hút FDI. Điều này càng có ý nghĩa hơn, khi năm 2018 là thời điểm Việt Nam bước sang năm thứ 31 thực hiện chiến lược thu hút FDI.
Theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đây cũng chính là thời điểm, Việt Nam cần chuyển hướng chiến lược thu hút FDI theo hướng “săn” các nhà đầu tư đẳng cấp, thay vì thu hút một cách ồ ạt, đại trà.
Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên, câu chuyện này được nhắc tới. 5 năm trước, khi tổng kết 25 năm thu hút FDI, trước làn sóng đầu tư của các tập đoàn lớn như Samsung, LG, Intel… vào Việt Nam, ông Trần Đình Thiên cũng đã nhấn mạnh rằng, nên coi các tập đoàn đó như những “đối tác chiến lược đầu tư quốc gia” để đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thậm chí nên dành cho họ những chính sách ưu đãi vượt trội, bởi sự xuất hiện của các tập đoàn này sẽ kéo theo các khoản đầu tư của các doanh nghiệp khác. Thực tế đang diễn ra như vậy.
Tuy nhiên, sau 3 thập kỷ thu hút FDI, chuyện “săn” các nhà đầu tư đẳng cấp càng cần được đặt ra một cách rốt ráo hơn.
“Điều này là vô cùng quan trọng, nhất là khi thế giới đang không ngừng chuyển biến và thay đổi trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI đã nhiều lần khẳng định.
Theo GS-TSKH Nguyễn Mại, trong thu hút FDI giai đoạn tới, cần coi trọng hơn dòng vốn FDI từ các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực công nghệ cao để tạo ra sản phẩm mới, có giá trị gia tăng lớn, chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
“Cũng cần ưu tiên thu hút vốn FDI vào các ngành công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn như công nghệ thông tin, điện tử, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, cơ khí chế tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học, vật liệu mới, nghiên cứu và phát triển…”, GS-TSKH Nguyễn Mại nói và cho rằng, đây là những xu hướng mới mà Việt Nam phải bắt kịp, nếu không sẽ khó có thể tối ưu hóa được lợi ích của dòng vốn FDI.
Thông tin cho biết, cùng với việc tổng kết 30 năm thu hút FDI, định hướng chiến lược mới trong thu hút FDI giai đoạn tiếp theo cũng sẽ được xây dựng. Đây sẽ là “kim chỉ nam” cho các kế hoạch thu hút FDI trong những năm tới.