Quảng Trị có vị trí chiến lược quan trọng nằm trên các tuyến giao thông huyết mạch của quốc gia về đường bộ, đường sắt và đường biển. (Ảnh: TTXVN)

Quảng Trị có vị trí chiến lược quan trọng nằm trên các tuyến giao thông huyết mạch của quốc gia về đường bộ, đường sắt và đường biển. (Ảnh: TTXVN)

Quảng Trị: Cần chọn hướng đột phá và trục phát triển kinh tế khác biệt

Nhân dịp công tác miền Trung, chiều 17/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch tỉnh Quảng Trị năm 2016 tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.
Hội nghị do Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị phối hợp với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đồng tổ chức.
Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình và đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; Ủy ban Nhân dân một số tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đây là lần đầu tiên tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch có quy mô lớn với sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư, cơ quan xúc tiến thương mại và doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Hội nghị là cơ hội để lắng nghe, tiếp nhận các tham luận, ý kiến phát biểu của các đại biểu, các chuyên gia, các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm tìm kiếm, khai thác tiềm năng lợi thế thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp, phát triển du lịch trên địa bàn Quảng Trị.
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế dự hội nghị, mặc dù gặp một số bất lợi về tài nguyên thiên nhiên, quy mô nền kinh tế, chất lượng nguồn nhân lực nhưng Quảng Trị cũng có nhiều tiềm năng, cơ hội và lợi thế so sánh đặc biệt so với các địa phương khác để đẩy mạnh thu hút đầu tư trong thời gian tới.

"Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện kinh tế Việt Nam cho biết, để có thể bứt phá, tiến lên và nhập được vào quỹ đạo phát triển hiện đại, Quảng Trị phải thoát khỏi động thái, cách thức phát triển cũ, phải chọn hướng đột phá và trục phát triển mới, khác biệt so với 30 năm đổi mới vừa qua."

Đại biểu Quốc hội, Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, Quảng Trị có vị trí chiến lược quan trọng nằm trên các tuyến giao thông huyết mạch của quốc gia về đường bộ, đường sắt và đường biển; tiếp giáp vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và đặc biệt Quảng Trị là điểm đầu tiếp nối Thái Bình Dương tới Lào, Thái Lan, Myanmar thông qua tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC). Cả hai nhánh của tuyến hành lang này đều hợp với tuyến đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 1A hình thành một đặc điểm khác biệt của Quảng Trị so với các địa phương khác của miền Trung.
Tiến sỹ Trần Du Lịch cho rằng, điều kiện tự nhiên này sẽ giúp Quảng Trị trở thành vai trò cầu nối trong việc tập kết giao thương hai luồng hàng hóa Bắc Nam và Đông Tây cũng như là điểm kết nối, trung chuyển khách các tuyến du lịch lớn cho con đường di sản miền Trung đến với Hành lang Đông Tây và ngược lại. 
Tiến sỹ Trần Du Lịch cũng gợi mở Quảng Trị tiến hành rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội; trong đó tập trung lựa chọn một số lĩnh vực, sản phẩm dựa trên lợi thế để ưu tiên phát triển gắn với quá trình tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, vào vốn như hiện nay sang phát triển dựa vào công nghệ, năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh.
Còn theo đề xuất của phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện kinh tế Việt Nam, để có thể bứt phá, tiến lên và nhập được vào quỹ đạo phát triển hiện đại, Quảng Trị phải thoát khỏi động thái, cách thức phát triển cũ, phải chọn hướng đột phá và trục phát triển mới, khác biệt so với 30 năm đổi mới vừa qua.
Cách đặt vấn đề này về thực chất chính là thực hiện yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế đang được triển khai trên cả nước những năm qua.
Các doanh nghiệp, nhà đầu tư dự hội nghị cũng đã được nghe thông điệp thể hiện quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị với những cam kết hết sức mạnh mẽ trên cơ sở nhận thức doanh nghiệp phát triển thì địa phương sẽ phát triển.
Cụ thể, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị hứa chỉ mất không quá 10 ngày trong việc cấp quyết định chủ trương đầu tư; hỗ trợ tốt công tác giải phóng mặt bằng với những ưu đãi tối đa cho doanh nghiệp trong khung quy định của Chính phủ về miễn, giảm thuế; cấp giấy phép cho lao động nước ngoài trong vòng 4 ngày và những cam kết về đảm bảo hạ tầng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đáng chú ý, lãnh đạo Quảng Trị khẳng định sẽ lập đường dây nóng của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, trực tiếp giải quyết khó khăn của doanh nghiệp, sẵn sàng thảo luận với các nhà đầu tư bất kể thời gian nào.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sáng kiến và nỗ lực của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và BIDV trong việc chủ động tổ chức hội nghị có ý nghĩa thiết thực này, phù hợp với chủ trương của Chính phủ, ưu tiên quan tâm, hỗ trợ các địa phương khó khăn, vùng sâu vùng xa trong phát triển kinh tế-xã hội.
Quảng Trị: Cần chọn hướng đột phá và trục phát triển kinh tế khác biệt ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự và phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) 

Khẳng định với các tổ chức kinh tế, nhà đầu tư tham dự hội nghị, Thủ tướng nêu rõ doanh nghiệp có vai trò quan trọng hàng đầu trong thúc đẩy phát triển nền kinh tế quốc gia và địa phương, trong tăng trưởng GDP, giải quyết lao động, thu ngân sách quốc gia

 Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời tích cực cải thiện cơ sở hạ tầng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư để cùng hợp tác phát triển.

Đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Trị tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp tới đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn, Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số cạnh tranh là một trong những ưu tiên của Chính phủ Việt Nam.
Gửi tới các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước dự hội nghị Thông điệp của Chính phủ sau khi được kiện toàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mục tiêu phát triển của Chính phủ là hướng tới mô hình hoạt động của một Chính phủ kiến tạo, có tinh thần phục vụ và quyết tâm tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Chính phủ nhận thức rõ những tồn tại đang cản trở tăng trưởng và sẽ có những hành động khắc phục, xử lý một cách cụ thể, quyết liệt hơn trong thời gian tới.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị Quảng Trị tăng cường các hoạt động hợp tác liên kết vùng để mở rộng khả năng tiếp cận thị trường; chú trọng liên kết với các tỉnh, nhất là các tỉnh miền Trung để tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch-dịch vụ có giá trị gia tăng và hiệu quả cao; nâng cao hiệu quả khai thác các dịch vụ đa phương thức trên tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây..., từ đó, tạo ra thế mạnh, sức lan tỏa để Quảng Trị phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Thủ tướng cũng yêu cầu Quảng Trị chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có trình độ quản lý và tay nghề cao; khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, đổi mới và chuyển giao công nghệ thân thiện với môi trường để phát triển bền vững.
Tại diễn đàn này, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ về mọi mặt để tạo thêm nguồn lực cho Quảng Trị đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, cải thiện sức hút đầu tư.
Thủ tướng cũng kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục nghiên cứu, tăng cường thúc đẩy đầu tư tại Quảng Trị.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng mong muốn chính quyền và nhân dân Quảng Trị chủ động, sáng tạo, tìm hướng phát triển phù hợp với đặc thù của địa phương; không ngừng nâng cao đời sống nhân dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng, chính quyền, quân và dân Quảng Trị sẽ khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, vươn lên mạnh mẽ trong thời gian tới, xứng đáng với truyền thống kiên cường, bất khuất của miền quê khói lửa Anh hùng.
Cũng tại hội nghị lần này, nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư đã cam kết hỗ trợ và hợp tác đầu tư tại Quảng Trị.
Tin bài liên quan