Phát triển điện gió: Bánh ngon kén nhà đầu tư

Phát triển điện gió: Bánh ngon kén nhà đầu tư

(ĐTCK) Tiềm năng phát triển điện gió lớn, giá điện gió được ấn định ở mức 7,8 cent/kwh, có chính sách khuyến khích đầu tư phát triển dự án điện gió…, đây là các yếu tố thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào lĩnh vực điện gió tại Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường điện gió được đánh giá là bánh ngon kén nhà đầu tư, bởi một số bài toán khó.

Giá cao hấp dẫn nhà đầu tư

Đánh giá về tiềm năng phát triển năng lượng điện gió, ông Đỗ Đức Quân, Phó cục trưởng, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương cho biết, công nghệ năng lượng tái tạo phát triển giúp chi phí thực hiện dự án năng lượng tái tạo ngày càng cạnh tranh so với các nguồn năng lượng truyền thống.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã khai thác nguồn thủy điện gần như tối đa, kế hoạch phát triển năng lượng nguyên tử tạm dừng nên đã và đang phải nhập khẩu năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện. Do đó, việc phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió sẽ giúp Việt Nam đa dạng hóa và tự chủ nguồn cung điện, bảo vệ môi trường.

Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, Chính phủ đặt mục tiêu đưa tổng công suất nguồn điện gió lên 800 MW vào năm 2020, 2.000 MW vào năm 2025 và 6.000 MW vào năm 2030.

Đánh giá về mục tiêu này, TS. Nguyễn Ngọc Hưng, Phòng Kinh tế, dự báo, Viện Năng lượng Việt Nam cho biết, đây là một mục tiêu tham vọng nhưng vẫn có khả năng thực thi bởi Chính phủ đã đề ra chính sách giá mua điện gió hấp dẫn các nhà đầu tư.

Cụ thể, giá mua điện cố định thực hiện cho các nhà máy đối với điện mặt trời là 9,35 cent/kwh và điện gió là 7,8 cent/kwh. Trong thời gian tới, giá điện gió trong bờ và điện gió gần bờ sẽ tiếp tục theo hướng tăng lần lượt lên 8,8 cent/kwh và 9,8 cent/kwh.

Theo báo cáo từ Bộ Công thương, với điện gió, thời điểm này mới chỉ có 6 dự án đi vào vận hành phát điện với tổng công suất khoảng gần 200 MW. Sở dĩ việc sản xuất điện gió còn khiêm tốn bởi nhiều chủ đầu tư chưa phát triển được dự án khả thi để có thể tiếp cận nguồn vốn thương mại trong nước và quốc tế.

Về vấn đề này, TS. Hưng cho rằng, đi cùng với cam kết của Chính phủ, cần có sự đồng hành của các nhà tài trợ, các ngân hàng trong nước, cùng tìm giải pháp giảm chi phí phát triển điện gió. Chẳng hạn, nhà đầu tư có thể giảm chi phí thiết bị và ngân hàng hạ thấp lãi vay để tạo mặt bằng tài chính thuận lợi cho các nhà phát triển năng lượng điện gió.

Kén nhà đầu tư vì nhiều bài toán khó

Trên thị trường hiện nay, có thể kể tới một số nhà phát triển điện gió như Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2) đang đầu tư làm điện gió tại Hướng Phùng 1 (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị). Hay mới đây nhất, Tổng công ty Tân Hoàn Cầu (THC) vừa ký kết hợp đồng hợp tác với Công ty Vestas (Đan Mạch) nhằm xây dựng trang trại gió ở xã Hướng Linh (Quảng Trị).

Trong khuôn khổ hợp tác, hai bên sẽ cùng nghiên cứu về sức gió ở xã Hướng Linh, phát triển các trang trại điện gió. Đồng thời sẽ phát triển dự án theo giai đoạn thông qua 6 tiểu dự án với công suất tối thiểu 30 MW.

Ông Mai Văn Huế, Chủ tịch THC cho biết, Công ty kỳ vọng dự án sẽ gặt hái được những kết quả tốt nhờ việc triển khai công nghệ và mô hình tua bin gió tiên tiến nhất. Sự đồng hành của Vestas, doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, sẽ giúp THC thu thập thêm kinh nghiệm trong khai thác, điều hành các dự án phát triển điện gió.

Không chỉ doanh nghiệp trong nước hào hứng, một số nhà đầu tư Trung Quốc, Nhật Bản đã đến Việt Nam tìm hiểu về tiềm năng phát triển điện gió. Nhận định về xu hướng này, Chủ tịch Vestas, ông Clive Turton cho biết, trong thời gian tới, không riêng Vestas mà nhiều doanh nghiệp quốc tế khác sẽ cùng tham gia vào thị trường điện gió tại Việt Nam.

Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất của đầu tư điện gió tại Việt Nam đó là mật độ dân số cao, trong khi điện gió cần quy mô đất rất lớn. Trên thế giới, những khu vực điện gió phát triển mạnh như Bắc Mỹ, Alaska, Canada…, mật độ dân số đều rất thấp.

Về khó khăn này, TS. Hưng cho biết: “Đất đai là yếu tố quan trọng trong phát triển năng lượng điện gió. Hiện nay, nhiều tỉnh đã có quy hoạch riêng trong phát triển năng lượng và có điều chỉnh quỹ đất hợp lý. Đây cũng là một lời giải cho câu chuyện phát triển điện gió trong tương lai mà các địa phương cần chú ý”.

Bên cạnh đó, một vấn đề khác là dù giá điện gió đã được điều chỉnh tăng nhằm khuyến khích đầu tư, tuy nhiên, EVN đang là đơn vị mua điện từ thị trường, với giá thấp hơn nhiều so với giá điện gió. Chẳng hạn, năm 2016, giá mua điện trung bình từ thị trường của EVN chỉ khoảng 6,2 cent/kwh. Nếu giá điện gió ở mức cao, thì việc thiếu nguồn thu để bù đắp khoảng trống giá tăng cũng là một bài toán khó.

Tin bài liên quan