Các dự báo đều đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm 2017 và năm 2018

Các dự báo đều đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm 2017 và năm 2018

Phác họa bức tranh kinh tế năm 2018

Năm 2017 mới bước qua hơn nửa chặng đường, nhưng bức tranh kinh tế 2018 đã bắt đầu được phác họa, với dự kiến tăng trưởng GDP ở mức 6,4 - 6,8%.

Những phác họa đầu tiên

Theo lộ trình thì phải tới cuối tháng 9/2017, Dự thảo Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2018 mới được hoàn tất để trình Chính phủ cho ý kiến, hoàn chỉnh, trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm. Tuy nhiên, những phác họa đầu tiên về bức tranh kinh tế - xã hội 2018 đã có.

Những phác họa quan trọng là tăng trưởng GDP năm 2018 ở mức 6,4 - 6,8%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 9 - 10%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 33,5 - 35% GDP, lạm phát được kiểm soát ở mức 4%.

Các cân đối lớn của nền kinh tế cũng đã được “hoạch định” bước đầu, như bội chi ngân sách nhà nước dự kiến bằng khoảng 3,5% GDP, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký khoảng 26 - 27 tỷ USD, thực hiện 19 - 19,5 tỷ USD…

Năm 2018, tăng trưởng kinh tế và thương mại của thế giới dự báo cao hơn năm 2017, tạo thuận lợi hơn cho phát triển kinh tế và xuất khẩu   

Chỉ là những phác họa đầu tiên, song có thể thấy, đây là bức tranh kinh tế khá sáng sủa so với khả năng đạt mục tiêu kế hoạch năm 2017. Nhưng điều quan trọng, dường như mục tiêu tăng trưởng kinh tế không còn được đặt ra quá nặng như những năm trước đây, mà thay vào đó là chú trọng chất lượng tăng trưởng.

Bởi thế, trong khi hướng dẫn xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhấn mạnh mục tiêu tổng quát là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế một cách đồng bộ, toàn diện, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với chú trọng cải thiện nền tảng cho tăng trưởng chất lượng, hiệu quả và sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và  năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế…

Theo các chuyên gia kinh tế, việc không đặt nặng mục tiêu tăng trưởng sẽ khiến Chính phủ tập trung hơn vào các giải pháp dài hạn, tái cơ cấu nền kinh tế, nhằm hướng tới tăng trưởng cao và bền vững hơn trong tương lai, thay vì tập trung hơn cho các giải pháp ngắn hạn để thúc đẩy tăng trưởng.

Tăng trưởng bao nhiêu là hợp lý?

Dù không đặt nặng mục tiêu tăng trưởng, song trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay, vẫn cần một mức tăng trưởng hợp lý để đảm bảo việc tạo nguồn lực đầu tư phát triển phục vụ tăng trưởng của giai đoạn sau, duy trì ổn định các cân đối lớn, nhất là cân đối nợ công, tạo việc làm cho xã hội…

Bởi thế, trong bối cảnh tăng trưởng GDP năm 2017 được dự báo là 6,7%, thì việc xây dựng kịch bản tăng trưởng GDP năm 2018 ở mức 6,4 - 6,8% được cho là hợp lý. Lý giải việc đưa ra con số này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, tăng trưởng kinh tế năm 2018 tiếp tục xu hướng cải thiện tích cực của năm 2017, nhờ sự gia tăng hoạt động trong các lĩnh vực chế tạo, xây dựng, thương mại, ngân hàng và du lịch…

“Năm 2018, tăng trưởng kinh tế và thương mại của thế giới dự báo cao hơn năm 2017, tạo thuận lợi hơn cho phát triển kinh tế và xuất khẩu. Ngoài ra, môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng cải thiện, hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư tư nhân, giúp thúc đẩy sản xuất trong nước và thương mại”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Chưa kể, những nỗ lực từ phía Chính phủ trong tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy tăng trưởng được thực hiện triệt để và quyết liệt trong năm 2017 cũng sẽ phát huy hiệu quả trong năm 2018. Kinh tế Việt Nam 2018 vì thế sẽ chuyển biến tích cực hơn.

Ngày 23/7, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã công bố dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2017 - 2018, với nhận định, kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi chắc chắn trong năm 2018. Đặc biệt, IMF dự báo khá lạc quan về kinh tế Trung Quốc, châu Âu và Nhật Bản. Đây là những yếu tố sẽ tác động tích cực tới kinh tế Việt Nam.

Trong khi đó, trong Báo cáo Cập nhật triển vọng phát triển châu Á 2017, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã nâng dự báo tăng trưởng của khu vực từ 5,7% lên 5,9% cho năm 2017 và từ 5,7% lên 5,8% năm 2018.

Theo dự báo của ADB, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm 2017 và 6,7% trong năm 2018, nhờ sự gia tăng hoạt động trong các lĩnh vực chế tạo, xây dựng, thương mại bán buôn và bán lẻ, ngân hàng và du lịch.

Còn Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây tiếp tục nhận định, kinh tế Việt Nam đang chuyển biến tích cực với triển vọng ổn định.

“Đà tăng trưởng vẫn được duy trì là yếu tố thuận lợi để Việt Nam xử lý những trở ngại có tính chất cơ cấu cho tăng trưởng trong trung hạn, đồng thời tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và tạo lập những khoảng đệm chính sách”, ông Sebastian Eckardt, quyền Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam nói.

Như vậy, các dự báo đều đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm 2017 và năm 2018. Đó là lý do để kỳ vọng, tăng trưởng kinh tế năm 2018 sẽ đạt mức 6,4 - 6,8% như phác thảo ban đầu về kinh tế Việt Nam trong năm tới.

Hơn nửa năm trước, khi đề cập triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2017, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã nhấn mạnh rằng, việc tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam là một sự thay đổi về bản chất, chứ không phải chỉ là tháo gỡ.

Theo ông Thiên, khi thay đổi được cấu trúc tăng trưởng, thì bước tăng trưởng sẽ dài hơn. Khi đó, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không phải là 6%, mà rất có thể ở mức 2 con số.

Chưa dám kỳ vọng ở mức tăng trưởng 2 con số, song rõ ràng, khi nền kinh tế thực sự được tái cấu trúc, đổi mới mô hình tăng trưởng, thì hoàn toàn có thể đạt mức tăng trưởng đột phá trong tương lai.

Lộ trình xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2018:

Theo chỉ đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 7/2017, các bộ, ngành, địa phương phải khẩn trương hướng dẫn, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 để gửi báo cáo về Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trong tháng 8/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ làm việc với các bộ, ngành, địa phương để thảo luận về các kế hoạch này, sau đó tổng hợp để xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của cả nước.

Cuối tháng 9/2017, Dự thảo Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2018 phải được hoàn tất để trình Chính phủ cho ý kiến, hoàn chỉnh, trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm.

Tin bài liên quan