Những bước đi âm thầm giúp Hà Nội hút vốn đầu tư

Những bước đi âm thầm giúp Hà Nội hút vốn đầu tư

Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp là yếu tố cốt lõi giúp Hà Nội có những bước tiến mạnh mẽ trong thu hút đầu tư những năm gần đây.

Những bước đi âm thầm

Số liệu mới nhất từ Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội cho biết, ước tính 6 tháng đầu năm 2017, thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 13.355 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 101.476 tỷ đồng, tăng mạnh 16% về số lượng và tăng 2% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Con số này không gây bất ngờ, bởi đây là “trái ngọt” từ sự nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của Hà Nội trong suốt thời gian qua.

Ngay sau Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016, Hà Nội đã trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức Hội nghị "Hà Nội 2016 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển" - hội nghị lớn về doanh nghiệp với sự tham dự đầy đủ của Chính phủ, các bộ, ngành, các hiệp hội, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Chúng ta cũng thấy được sự quyết tâm cao độ của chính quyền Hà Nội: Coi phát triển doanh nghiệp là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành

- Thủ tướng Chính phủ
Nguyễn Xuân Phúc

Đồng thời, Thành phố đã nỗ lực thực hiện hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cấp tỉnh, hướng tới xây dựng hình ảnh môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khẳng định mục tiêu cải cách, xây dựng Chính phủ kiến tạo như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đến nay, một số dịch vụ, thủ tục hành chính công đã được cắt giảm, vì thế mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp cũng có những thay đổi tích cực.

Thay vì phải chờ 60 ngày làm việc, hiện chỉ sau 14 ngày, những người dân Hà Nội đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất . Không chỉ cắt giảm tới hơn 2/3 thời gian làm thủ tục, mà hồ sơ, giấy tờ thuộc lĩnh vực đất đai của Hà Nội cũng được đơn giản hơn rất nhiều.

Đối với lĩnh vực thuế, nhờ đề án kê khai và nộp thuế điện tử được triển khai thành công, nên dù cả thành phố có hơn 140.000 doanh nghiệp và hàng triệu cá nhân có liên quan nhưng mỗi tháng hiện chỉ còn 3% tổ chức, cá nhân lựa chọn đến làm thủ tục trực tiếp tại cơ quan thuế.

Những nỗ lực đó đã được các doanh nghiệp thừa nhận, khi Hà Nội có bước thăng hạng vượt bậc trên Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Năm 2016, Hà Nội xếp ở vị trí thứ 14/63, tăng 10 bậc so với năm 2015. Đây là năm Hà Nội tăng hạng và xếp hạng cao nhất kể từ ngày công bố chỉ số PCI và cũng là năm đầu tiên Hà Nội bước vào nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt.

VCCI đã nhận định, trong năm 2016, Hà Nội đã chú trọng tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trên tinh thần 5 rõ “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”, “một việc - một đầu mối xuyên suốt”.

Điều tra PCI năm 2016 cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp cảm nhận về thái độ của chính quyền đối với với khu vực tư nhân là tích cực đã tăng 7,3% so với năm 2015. Cùng với đó, chỉ số đào tạo lao động tăng 29 bậc với 92,04% doanh nghiệp tham gia khảo sát trả lời hài lòng với chất lượng lao động.

Đánh giá cao những nỗ lực và thành tích của Hà Nội, tại Hội nghị "Hà Nội 2016 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, “Chúng ta cũng thấy được sự quyết tâm cao độ của chính quyền Hà Nội: Coi phát triển doanh nghiệp là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành”.

Hướng tới nền hành chính phục vụ

Xác định rõ nhiệm vụ tiếp tục thay đổi để nâng cao ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ của đội ngũ công chức, chuyển từ nền hành chính "xin - cho" sang nền hành chính phục vụ, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, 80% người dân và doanh nghiệp hài lòng với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, đưa Hà Nội vào nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về PCI.

Bằng việc tạo thuận lợi trong tiếp cận đất đai, sử dụng quỹ đất, mặt bằng phục vụ đầu tư, kinh doanh, Thành phố đang tập trung hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ giải quyết khó khăn vướng mắc đối với các dự án khu công nghiệp, khu đô thị, trung tâm thương mại dịch vụ quy mô lớn đã được cấp phép để đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư, tạo ra quỹ đất, mặt bằng thuận lợi để thu hút thêm nhiều dự án và dòng vốn đầu tư từ các nước đang lựa chọn Việt Nam làm điểm đến.

Chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, sản xuất công nghệ cao, hiện đại, Hà Nội định hướng thu hút có chọn lọc các các dự án chất lượng từ các tập đoàn quy mô lớn trong và ngoài nước, hướng tới phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển dịch vụ tài chính, ngân hàng.

Với tinh thần tiên phong trong thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ về tạo lập môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng, minh bạch, phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Thủ đô, Hà Nội đang khẳng định quyết tâm trở thành điểm đến của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án khởi nghiệp mong muốn làm đẹp thêm cho Thủ đô.

Tin bài liên quan