Hiện FPT là doanh nghiệp Việt Nam đầu tư lớn nhất tại Nhật Bản. Trong ảnh: Văn phòng ở Tokyo - khu đầu não của Tập đoàn FPT tại Nhật Bản.

Hiện FPT là doanh nghiệp Việt Nam đầu tư lớn nhất tại Nhật Bản. Trong ảnh: Văn phòng ở Tokyo - khu đầu não của Tập đoàn FPT tại Nhật Bản.

Nhật Bản hút vốn ngoại, cơ hội với nhà đầu tư Việt

Việc thay đổi chính sách thu hút đầu tư nước ngoài với mục tiêu thu hút 35.000 tỷ yên (hơn 300 tỷ USD) vào năm 2020 đang tạo ra làn sóng đầu tư mới vào Nhật Bản. Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc chơi mà quốc gia này nhắm đến.

Tạo xu hướng đầu tư ngược

Theo truyền thống, xu hướng đầu tư thường từ các nước giàu sang các nước nghèo, các nước công nghệ cao sang các nước công nghệ thấp, nơi chi phí nhân công đắt sang chi phí nhân công rẻ… Nhật Bản cũng là một trong các quốc gia như vậy, khi đã có hàng trăm tỷ USD đầu tư tại các quốc gia khác nhằm khai thác tối đa các ưu đãi về thuế, nhân công.

Tuy nhiên, tại cuộc họp báo giới thiệu Chương trình hỗ trợ đầu tư sang Nhật Bản của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) mới diễn ra, ông Nguyễn Sỹ Hải, đại diện Nhóm chuyên trách Việt Nam thuộc JETRO Hà Nội đánh giá, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang có ảnh hưởng sâu sắc tới mô hình đầu tư truyền thống, giá trị gia tăng từ việc “đem chuông đi đánh xứ người” đang dần bị thu hẹp bởi những mô hình đầu tư, kinh doanh mới.

Nhận thức được điều này, Nhật Bản đang tiến hành hàng loạt cải cách để đưa quốc gia này trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, nhằm xoay chuyển dòng vốn quay trở lại đầu tư tại Nhật Bản, đặc biệt trong một số lĩnh vực mũi nhọn như công nghệ thông tin.

“Chính phủ Nhật Bản đang có những chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư với hàng loạt chính sách hỗ trợ kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao…

Đặc biệt, Nhật Bản đã hình thành các đặc khu kinh tế với hàng loạt cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội về thuế, thủ tục…”, ông Hải cho biết.

Tính đến tháng 11/2017, Nhật Bản có 329 dự án cấp mới tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 7,6 tỷ USD; 186 dự án tăng vốn, với tổng vốn đăng ký tăng thêm 844,2 triệu USD; 418 số lượt góp vốn mua cổ phần với giá trị góp vốn, mua cổ phần đạt 434,38 triệu USD.
Lũy kế các dự án còn hiệu lực đến hết tháng 11/2017, Nhật Bản có 3.577 dự án, với tổng vốn đăng ký 49,12 tỷ USD.
Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Hiện tại, theo số liệu của JETRO, Việt Nam có 1.253 dự án đầu tư nước ngoài tại 74 quốc gia, vùng lãnh thổ, với tổng vốn 21,4 tỷ USD.

Tuy nhiên, tại Nhật Bản, Việt Nam chỉ có 49 dự án với số vốn khiêm tốn 7,5 triệu USD. Vị đại diện JETRO tin tưởng rằng, dư địa để thu hút dòng vốn từ Việt Nam là rất lớn.

Đã có một số doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam chủ động tiếp xúc với JETRO để đặt vấn đề đầu tư sang Nhật Bản như CMC, Vietjet…

Thời cơ cho doanh nghiệp Việt

Khẳng định thị trường Nhật Bản là một trong những thị trường quy mô và khó tính bậc nhất, ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội tin rằng, các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam nếu có chỗ đứng tại Nhật Bản, thì dễ dàng được đón nhận trên toàn cầu.

Đánh giá cơ hội cho các doanh nghiệp Việt, Trưởng đại diện JETRO cho biết, có thể nhìn thấy ngay rằng, Việt Nam có thế mạnh về lĩnh vực công nghệ thông tin.

Bản thân các doanh nghiệp Nhật cũng nhìn nhận, nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Việt Nam rất phát triển, chắc chắn doanh nghiệp Việt sẽ có những thành công khi đầu tư sang Nhật.

Tuy nhiên, ông Kitagawa cho rằng, không nên gói gọn trong một lĩnh vực, mà chỉ nên coi đó là thế mạnh bước đầu. “Việt Nam còn nhiều tiềm năng trong lĩnh vực khác như điều dưỡng, nông nghiệp, sản phẩm thủ công, đặc biệt là tinh thần khởi nghiệp của các bạn trẻ. Vì vậy, cơ hội đang nằm ở tất cả các ngành”, ông Kitagawa nói.

Vị Trưởng đại diện JETRO cũng chia sẻ, lượng người Việt đang học tập và làm việc tại Nhật cao nhất từ trước đến nay.

Họ hiểu văn hóa, ngôn ngữ, lại có thể áp dụng, triển khai công việc theo phong cách của người Nhật. Các doanh nghiệp Việt Nam nếu tận dụng được lực lượng lao động này thì rất dễ thành công tại Nhật Bản.

Về các hỗ trợ cụ thể, phía JETRO cho biết, doanh nghiệp Việt Nam có nguyện vọng đầu tư sang Nhật Bản, sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký với văn phòng JETRO, sẽ được cung cấp hoàn toàn miễn phí một số dịch vụ tại Nhật Bản, như văn phòng tạm thời với đầy đủ trang thiết bị tại Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp (IBSC) được đặt tại 6 thành phố lớn là Tokyo, Yokohama, Nagoya, Osaka, Kobe và Fukuoka. 

JETRO cũng sẽ bố trí chuyên gia tư vấn cho doanh nghiệp theo các lĩnh vực liên quan đến việc đầu tư vào Nhật Bản.

Ông Kitagawa cho biết thêm, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Nhật Bản đều bình đẳng, các địa phương Nhật Bản không ưu đãi về thuế, song có thể có những chương trình hỗ trợ khác trong đầu tư ban đầu như hỗ trợ kinh phí. “Tỉnh Kagawa có thể hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài đến 2 triệu yên để làm các thủ tục, tạo cơ sở kinh doanh bước đầu”, vị Trưởng đại diện JETRO thông tin.

Dựa trên mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, cũng như sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa giữa hai quốc gia từ trước đến nay, ông Hironobu Kitagawa tin tưởng rằng, sẽ có nhiều hơn nữa các doanh nghiệp Việt Nam đến đầu tư và kinh doanh tại Nhật Bản trong tương lai gần.

Tin bài liên quan