Ông Phan Đức Hiếu

Ông Phan Đức Hiếu

Lo ngại khả năng “cài cắm” điều kiện kinh doanh mới

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư ngay sau khi nhận được các kiến nghị của doanh nghiệp về điều kiện kinh doanh thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, mọi nghi ngại của doanh nghiệp chỉ có thể giải quyết được khi các bộ, ngành minh bạch việc rà soát, sửa đổi các điều kiện kinh doanh đã được ban hành trái thẩm quyền theo Luật Đầu tư.

Thưa ông, cho tới thời điểm này, khả năng hoàn tất ban hành các nghị định quy định về điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư trước ngày 1/7/2016 dường như khá rõ…

Liên quan đến việc xây dựng và ban hành các nghị định quy định về điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư, có thể nói, lo ngại về thời gian không còn lớn. Phần lớn các bộ, ngành đã hoàn tất các dự thảo nghị định theo yêu cầu. Phần việc hiện tại là thẩm định và trình Chính phủ ký ban hành. 

Là người trực tiếp tham gia quá trình này, tôi thấy rằng, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đã rất tích cực chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành có liên quan trong việc khẩn trương rà soát, sửa đổi những điều kiện kinh doanh đã được ban hành trái thẩm quyền theo Luật Đầu tư. Thông điệp của Chính phủ rất rõ ràng là khẩn trương, kịp thời hạn, nhưng đảm bảo chất lượng. Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng rất tích cực, nỗ lực, có trách nhiệm cao trong việc thẩm tra các dự thảo nghị định có liên quan.

Như vậy, có thể yên tâm rằng, đến ngày 1/7/2016, hơn 3.000 điều kiện kinh doanh đã được ban hành trái thẩm quyền theo quy định của Luật Đầu tư sẽ có cơ sở pháp lý mới?

Đây chính là câu hỏi mà chúng tôi cũng muốn đặt ra vào thời điểm này. Nhưng trước hết phải nhắc lại rằng, tinh thần quy định của Luật Đầu tư về rà soát, sửa đổi các điều kiện kinh doanh đã được ban hành trái thẩm quyền theo quy định của Luật Đầu tư là:

Thứ nhất, nếu điều kiện nào chưa được rà soát và không đưa vào trong các nghị định tương ứng sẽ đương nhiên hết hiệu lực từ ngày 1/7/2016.

Thứ hai, mục tiêu của luật là yêu cầu các bộ, ngành phải rà soát lại một cách nghiêm túc và toàn diện những điều kiện kinh doanh đã được ban hành trái thẩm quyền theo Luật Đầu tư để bãi bỏ những điều kiện không cần thiết, sửa đổi điều kiện chưa hợp lý.

Trong quá trình rà soát, sửa đổi các điều kiện kinh doanh này, chúng tôi cũng đã đề nghị các bộ, ngành rà soát, đánh giá lại tác động, hiệu quả các điều kiện kinh doanh hiện có, trên cơ sở đó quyết định bãi bỏ, bổ sung hay đưa vào nghị định để đảm bảo tính pháp lý của các điều kiện kinh doanh.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chúng tôi chưa có được thông tin chính xác về việc có bao nhiều điều kiện kinh doanh đã được rà soát và trong số đó bao nhiêu điều kiện được bãi bỏ (tức là không đưa lên Nghị định), bao nhiêu được sửa đổi đơn giản hóa. Thậm chí, cũng không biết trong số các dự thảo nghị định đã trình Chính phủ, có bao nhiều điều kiện kinh doanh mới được đề xuất.

Trong những cuộc hội thảo gần đây về điều kiện kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã nghi vấn về khả năng “cài cắm” những điều kiện kinh doanh mới. Có vẻ như các doanh nghiệp lại ngại thời điểm 1/7/2016?

Nếu các bộ, ngành không công khai, minh bạch về việc có bao nhiều điều kiện kinh doanh đã được rà soát, trong số đó bao nhiêu điều kiện được bãi bỏ (tức là không đưa lên Nghị định), bao nhiêu được sửa đổi đơn giản hóa, bao nhiều điều kiện kinh doanh mới được bổ sung, thì xã hội và cộng đồng doanh nghiệp có quyền nghi vấn. Vấn đề ở đây chính là trách nhiệm giải trình và công khai hóa thông tin của các bộ, ngành liên quan.

Hơn thế, việc công khai các nội dung trên cũng là cơ sở để Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ có thông tin đầy đủ để quyết định ban hành nghị định về điều kiện kinh doanh đã được các bộ, ngành trình lên. Điều quan trọng là, đối với các điều kiện kinh doanh mới thêm vào, thì các bộ, ngành phải có giải trình đầy đủ về sự cần thiết, tính hợp lý theo đúng tinh thần, quy định của Luật Đầu tư về điều kiện kinh doanh.

Vì vậy, theo quan điểm của tôi, các bộ, ngành phải công khai các thông tin này một cách đầy đủ và càng sớm càng tốt để doanh nghiệp kịp thời có ý kiến.

Tin bài liên quan