Kinh tế Việt Nam thiếu động lực vượt qua... vùng trũng suy giảm

Kinh tế Việt Nam thiếu động lực vượt qua... vùng trũng suy giảm

Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá nền kinh tế Việt Nam vẫn trong vùng trũng suy giảm và thâm hụt ngân sách là vấn đề lo ngại nhất.
Theo PGS. TS. Tô Trung Thành (Đại học Kinh tế Quốc dân), năm 2015 tăng trưởng kinh tế lên mức cao nhất trong 5 năm qua, khi đạt 6,68% và được xem là một điểm sáng trong điều hành kinh tế vĩ mô khi đưa nền kinh tế phục hồi. 
Tuy nhiên, “nền kinh tế Việt Nam vẫn trong vùng trũng suy giảm và thiếu nhiều động lực để vượt qua vùng trũng ấy”- ông Thành nhấn mạnh.

Chất lượng tăng trưởng thấp, ngân sách căng thẳng

Chứng minh nhận định này, ông Thành nêu: Mức tăng trưởng năm 2015 dù cao, nhưng thực tế bình quân 5 năm (2011-2015) chỉ đạt 5,8% (thấp hơn mức bình quân 2006-2010) và kém xa mức 7,61% của giai đoạn trước khủng hoảng 2000-2006.

Điều đáng lo ngại là, dù GDP 2015 cao nhất 5 năm, nhưng chất lượng tăng trưởng hiện vẫn thấp, một bằng chứng là năng suất lao động đang tụt hậu khá xa so với các nước trong khu vực. Số liệu cho thấy, giá trị gia tăng công nghiệp trên mỗi lao động (GDP trên một lao động) của Việt Nam chỉ bằng 1/2 so Philippines và 1/4 so Trung Quốc. Sự thiếu bền vững của tăng trưởng của Việt Nam giai đoạn 2011-2015 đã tiếp tục kéo sang quý I/2016.

Trong khi đó, GS. TS Ngô Thắng Lợi (Đại học Kinh tế Quốc dân) đánh giá, điều đáng lo là tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2016 giảm mạnh ở 2 nhóm ngành trụ cột của nền kinh tế là nông nghiệp và công nghiệp.

"Theo PGS.TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, đầu tư công đang rơi vào tình thế “lưỡng nan”. Nhu cầu rất lớn, nhưng vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách lại rất khó khăn do thâm hụt liên tục và có xu hướng năm sau hụt nhiều hơn năm trước."

Cụ thể, ngành nông nghiệp tăng trưởng âm, còn công nghiệp chỉ còn 3/4 so với cùng kỳ năm 2015. Kết quả này đã làm cho đóng góp của 2 ngành này trong cấu trúc tăng trưởng theo ngành giảm sút. Cụ thể, ngành nông nghiệp đã làm giảm số điểm phần trăm tăng trưởng toàn nền kinh tế, còn ngành công nghiệp, thì chỉ đóng góp 2,3 điểm phần trăm tăng trưởng, tương đương 42% (giảm sút không chỉ so với 2015 mà cả những năm khác của thời kỳ 2011-2015).

Đã vậy, trong quý I/2016, tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP cao hơn so với quý I/2015 (32% và 30,5%), trong khi đó tăng trưởng lại chậm hơn so với năm quý I/2015, đã làm cho đóng góp của yếu tố vốn vào tăng trưởng tăng lên và đóng góp của TFP giảm xuống trong cấu trúc tăng trưởng theo đầu vào.

Hiệu quả của sử dụng vốn đầu tư cũng sụt giảm. Quý I/2016, tỷ lệ vốn đầu tư trên GDP chiếm 32,2%, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó, tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,46%. Như vậy, suất đầu tư tăng trưởng 3 tháng đầu năm 2016 lên tới 5,98 (cao nhất trong toàn giai đoạn 2011 đến nay).
Theo PGS.TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, đầu tư công đang rơi vào tình thế “lưỡng nan”. Nhu cầu rất lớn, nhưng vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách lại rất khó khăn do thâm hụt liên tục và có xu hướng năm sau hụt nhiều hơn năm trước (thâm hụt ngân sách năm 2015 đã lên đến mức 6,1% GDP, từ mức dưới 5% giai đoạn 2005-2010 và dưới 6% giai đoạn 2011-2014).
Trong bối cảnh đó, nợ công (61,3% GDP) cũng tăng và đang gần chạm… trần. Tổng dư nợ công, dư nợ nước ngoài của nước ta vẫn trong giới hạn an toàn, song dư nợ Chính phủ đã lên 50,3% GDP vượt so với mức trần là 50%.
Cần thay đổi cách đặt mục tiêu
Trước thực trạng gần đây liên tục xuất hiện những chỉ số kinh tế, mục tiêu đặt ra rồi kết quả không kỳ vọng và những bình luận, sửa đổi, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ bình: “Sao cứ phải loay hoay với mấy con số? Sao cứ phải đưa ra những con số không khả thi bắt quốc hội và cả Trung ương thông qua. Rồi sau đó là phải thay đổi, điều chỉnh?”.
Theo ông Lưu Bích Hồ, cần phải thay đổi cách tiếp cận về mục tiêu, bởi việc đặt ra những chỉ tiêu kiểu như vậy, thì mãi cứ loay hoay không giải quyết được vấn đề.

Ông Lưu Bích Hồ cho rằng, không thể hy vọng vào khả năng tạo đột biến trong năm 2016. Bởi, sau 3 tháng đầu năm theo thông lệ là “quý ăn chơi”, đến 3 tháng tiếp theo là thời gian chuyển giao công việc giữa các thành viên cũ  - mới trong Chính phủ và các ban Đảng; 3 tháng tiếp theo là dành cho việc bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp.

Vì thế, ông Lưu Bích Hồ khuyến nghị: Bầu cử xong, Quốc hội nên tập trung vào việc: Xử lý những vướng mắc trong ngân sách, tập trung vào thực hiện các khoản thu hợp lý, chứ không nên tận thu, thực hiện nghiêm việc cắt giảm chi ngân sách; đặc biệt là tìm cách giảm con số doanh nghiệp bị phá sản, ngừng hoạt động. Cùng với đó, cần làm tốt việc tinh giản bộ máy quản lý nhà nước cho bớt cồng kềnh, tăng hiệu quả hoạt động…

Ông Trần Kim Chung cũng nhấn mạnh việc Quốc hội phải thực hiện triệt để vai trò giám sát của mình để giảm tỷ lệ bội chi ngân sách. Đồng thời, cần kiểm soát để không phát sinh nợ chính phủ, nợ quốc gia nhằm đầu tư vào những dự án không khả thi phương án trả nợ.

Tin bài liên quan