"Không thúc đẩy cải cách lớn, Việt Nam khó bắt kịp các nước Đông Nam Á"

"Không thúc đẩy cải cách lớn, Việt Nam khó bắt kịp các nước Đông Nam Á"

(ĐTCK) Đó là đánh giá của bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế, Việt Nam là một điển hình về phát triển thành công. Từ một nước trong nhóm nghèo nhất thế giới khi bắt đầu đổi mới, chỉ trong vòng 1 thế hệ, Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước thu nhập trung bình và đạt được nhiều thành tựu về xã hội tương đương với các quốc gia có thu nhập cao hơn.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ đầu những năm 1990 thuộc hàng cao nhất trên thế giới và tốc độ giảm nghèo cũng nhanh chưa từng có.

“Tuy nhiên, những gì đạt được chưa đáp ứng đầy đủ nguyện vọng của nhân dân; người dân vẫn nhìn nhận rằng còn nhiều thách thức lớn cần giải quyết”, Báo cáo Việt Nam 2035 nhận định.

Trong buổi nói chuyện với sinh viên trường Đại học Kinh tế quốc dân cuối tuần trước tại Hà Nội, bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay dự báo vẫn ở mức ổn định khoảng 6,3%. Tuy nhiên, mức tăng trưởng từ năm 2008 đến nay đã chậm hơn so với hai thập kỉ trước. Điều này có nghĩa là Việt Nam không thể bắt kịp mức tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người mà các quốc gia thành công nhất ở Đông Á đã đạt được ở giai đoạn phát triển tương tự. Nếu không thúc đẩy cải cách lớn, Việt Nam sẽ rất khó khăn để bắt kịp.

“Tại sao? Bởi vì Việt Nam đang trên đà trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ già hóa nhanh nhất trên thế giới, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động đã bắt đầu suy giảm. Sự thay đổi về nhân khẩu học này có thể trở thành một lực kéo của tăng trưởng”, bà Christine Lagarde nói.

Thực tế đã chứng minh, chặng đường cải cách 30 năm qua đã thu được nhiều thành công và khát vọng phát triển đất nước trong 20 năm tới rất lớn lao nhưng thách thức phải vượt qua cũng vô cùng lớn. Vấn đề đặt ra làm thế nào để hiện thực hóa khát vọng đó?

Báo cáo Việt Nam 2035 cho rằng, có rất nhiều việc phải làm, trong đó sáu đột phá cần phải thực hiện: Xây dựng thể chế hiện đại; Hiện đại hóa nền kinh tế và phát triển khu vực tư nhân trong nước có năng lực cạnh tranh cao; Phát triển năng lực đổi mới sáng tạo; Thúc đẩy hòa nhập xã hội; Tăng trưởng có khả năng chống chịu với khí hậu; Chuyển dịch không gian phát triển.

"Sáu đột phá trên là cơ sở cho hiện thực hóa khát vọng, đồng thời cũng chính là những mục tiêu cần đạt tới vào năm 2035, bao gồm trong 3 trụ cột là thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường; công bằng và hòa nhập xã hội; năng lực và trách nhiệm giải trình của nhà nước”, Báo cáo 2035 nhấn mạnh.

Đề cập đến “công thức” phát triển của Việt Nam khi chuyển đổi trước những thách thức, Tổng giám đốc điều hành IMF đã ví “quản lý một nền kinh tế giống như chuẩn bị nấu một bát phở hoàn hảo, cả hai đều yêu cầu sự kết hợp cân bằng của các thành phần”.

Cụ thể hơn, bà Christine Lagarde đã đưa ra 4 thành phần mới vào công thức phát triển của Việt Nam khi chuyển đổi kinh tế:

Thứ nhất, bảo vệ ổn định kinh tế vĩ mô. Ví dụ, sử dụng chính sách tỷ giá hối đoái linh hoạt để làm nhẹ hơn các tác động bên ngoài và giúp xây dựng dự trữ ngoại hối.

Thứ hai, tăng lương cho những người làm việc tại các cơ quan Nhà nước.

Thứ ba, đẩy mạnh cải cách ngân hàng bằng cách giải quyết các khoản vay không hiệu quả. Cải cách toàn diện về mặt pháp lý hơn là điều cần thiết để giải quyết các khoản nợ xấu, kết hợp với việc tăng cường vốn trong các ngân hàng khả thi.

Bằng cách củng cố bảng cân đối tài chính, các nhà hoạch định chính sách có thể giúp hỗ trợ tăng trưởng tín dụng cao và có chất lượng hơn dẫn đến tăng trưởng kinh tế an toàn và bền vững hơn trong trung hạn.

Thứ tư, thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn và ổn định hơn hay nói cách khác, hãy tăng kích cỡ của cái bát để chứa được nhiều phở hơn, để mọi người cùng chia sẻ lợi ích.

Một cách để thực hiện điều này là đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu DN nhà nước thông qua việc cải cách quản trị, thoái vốn khỏi những hoạt động không cốt lõi và tăng quyền sở hữu của tư nhân. Về tổng thể, điều này sẽ giúp tăng năng suất lao động và tiềm năng tăng trưởng.

Tin bài liên quan