Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất.

Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất.

Không bao cấp và không hỗ trợ cho sự yếu kém

Thông điệp mới đây của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc “không thể cứ tiếp tục ném tiền vào gang thép Thái Nguyên mấy ngàn tỷ nữa” có thể xem là hồi chuông cảnh báo về việc cần xem xét cẩn trọng khi tiếp vốn cho dự án lớn.
Thực tế, điều này đã được cảnh báo từ lâu, nhất là sau bài học Vinashin. Lời cảnh báo càng thêm đắt giá khi danh sách các dự án ngàn tỷ đầu tư bằng vốn nhà nước nằm “đắp chiếu” dường như ngày một dài thêm.
Không phải chỉ một nhà máy xơ sợi 7.000 tỷ đồng ở Hải Phòng đã phải ngừng hoạt động, hay một dự án hơn 8.100 tỷ đồng của Gang thép Thái Nguyên đang hoang tàn, chưa thể hoạt động sau 10 năm triển khai, mà còn là một Nhà máy Đạm Ninh Bình, vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, nhưng qua 4 năm hoạt động, mỗi năm lỗ cả ngàn tỷ đồng. Rồi nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất, vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng cũng đang cùng số phận với xơ sợi Đình Vũ. Đó còn là Nhà máy Bột giấy Phương Nam, vốn đầu tư lên tới 3.000 tỷ đồng nhưng sau 10 năm vẫn chưa thể vận hành vì... nhiều lý do…

Những dự án trên cũng vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội “điểm mặt, chỉ tên”. Chắc chắn, sẽ còn những dự án tương tự đang nằm đâu đó mà chưa “góp mặt” trong danh sách dự án ngàn tỷ hoang phí. Điều đó cho thấy, một lượng không nhỏ vốn đầu tư của Nhà nước đã không được sử dụng hiệu quả.

Câu chuyện còn nằm ở chỗ, Nhà máy Gang thép Thái Nguyên sau “đắp chiếu” vẫn không ngừng đệ đơn xin được cứu, xin được ưu đãi. Cứu nghĩa là Chính phủ sẽ phải tiếp tục dốc vốn vào mà không biết hiệu quả đến đâu.

“Cơ chế hỗ trợ của Nhà nước cũng phải thay đổi theo hướng chấm dứt cơ chế xin - cho, không bao cấp và hỗ trợ cho sự yếu kém. Không thể cứ tiếp tục ném tiền vào những gang thép Thái Nguyên mấy ngàn tỷ” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói vậy. Điều này hẳn nhiên không chỉ áp dụng cho riêng Gang thép Thái Nguyên, mà tất cả dự án ngàn tỷ đang “đắp chiếu” khác.

Cứu hay không là phải tính toán kỹ, nếu đầu tư tiếp thì hiệu quả đến đâu, còn dừng lại thì thiệt hại thế nào. Cân nhắc lợi ích chung của đất nước là điều quan trọng, không thể cứ nhắm mắt dốc tiền, bởi tiền đó là tiền nhà nước. Quan trọng là nhìn vào các dự án ngàn tỷ đắp chiếu để thấy, đã đến lúc phải nhìn lại việc đã sử dụng vốn đầu tư nhà nước thế nào, hiệu quả ra sao trong thời gian qua. Một dự án ngàn tỷ “án binh bất động” là vốn vay, là lãi mẹ đẻ lãi con, là thất thoát, lãng phí, thiệt hại lớn. Với trường hợp đó, đầu tư sẽ chẳng khác nào ném tiền qua cửa sổ!

Cần phải nhắc lại rằng, lâu nay, dư luận đã rất bức xúc trước tình trạng nhiều dự án đầu tư công kém hiệu quả. Ngân sách đang cạn kiệt, càng không thể chấp nhận thêm các dự án ngàn tỷ đầu tư rồi để đấy. Không thể chấp nhận tình trạng tỉnh nào cũng xin làm bến cảng, hay xây chợ, mà không có người họp, xây ký túc mà không có sinh viên đến ở…

Để sử dụng hiệu quả vốn đầu tư nhà nước, trước hết cần phải quy trách nhiệm cá nhân cho những người ra quyết định đầu tư sai; phải xử lý kịp thời trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp nếu chậm đầu tư, gây thất thoát, lãng phí, làm thiệt hại tài sản của nhà nước.

Thực tế chỉ ra rằng, nhiều khi, thất thoát, lãng phí, thậm chí là tham nhũng lớn nhất lại xuất phát ngay từ khâu phê duyệt chủ trương đầu tư. Một chủ trương đầu tư sai là “đi cả ngàn dặm”, là cả ngàn tỷ đồng bỏ sông, bỏ bể.

Chính phủ đang hối thúc đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều này là vô cùng cấp bách trong bối cảnh hiện nay, song cũng rất cấp bách là phải thận trong hơn khi ra các quyết định đầu tư dự án lớn. Nâng cao hiệu quả đầu tư chính là một trong những cách để Việt Nam có được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn.

Tin bài liên quan