Sân bay ở Attapeu (Lào) đã được Hoàng Anh Gia Lai đưa vào hoạt động năm ngoái.

Sân bay ở Attapeu (Lào) đã được Hoàng Anh Gia Lai đưa vào hoạt động năm ngoái.

Khơi dòng vốn mới sang Lào

Khoảng 5 tỷ USD đã được các doanh nghiệp Việt Nam đăng ký đầu tư sang Lào, song nhiều dự án vẫn chưa được đưa vào hoạt động. Bởi vậy, kỳ vọng đặt ra trong thời gian tới không chỉ là khơi dòng vốn đầu tư mới từ Việt Nam sang Lào, mà còn là đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hiện có.      

Đầu tháng 4 vừa qua, đích thân Phó bí thư, Phó tỉnh trưởng tỉnh Xaysomboun (Lào) đã tới TP.HCM để mở một hội nghị nhằm xúc tiến đầu tư vào Xaysomboun. Những lĩnh vực chủ lực mà Xaysomboun muốn các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào là năng lượng và mỏ; công nghiệp chế biến; du lịch; nông - lâm nghiệp. Không chỉ Xaysomboun, nhiều địa phương khác của Lào cũng đang muốn kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp Việt Nam.

Trước đó, cuối tháng 3/2016, Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt - Lào đã được tổ chức tại Đà Nẵng, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (lúc ấy vẫn là Phó thủ tướng) và Phó thủ tướng Lào Somsavat Lengsavat. 

“Đây chính là thời điểm thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa hai nước, đặc biệt là cơ hội để các doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam tiếp cận các dự án đầu tư mới đầu tư tại Lào, tăng cường kết nối và thúc đẩy các hoạt động hợp tác đầu tư, thương mại trong thời gian tới”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định.

Cũng theo ông Hoàng, các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư 258 dự án tại Lào, với tổng vốn đăng ký khoảng 5 tỷ USD. Lào hiện là thị trường đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam.

Số liệu thống kê cho thấy, luồng vốn đầu tư từ Việt Nam sang Lào đã liên tục tăng trong giai đoạn 2011 - 2015, cả về số lượng dự án và tổng vốn đăng ký. Nhiều dự án mà các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào đã và đang hoạt động hiệu quả, như các dự án của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn Viettel, hay các dự án xây dựng hệ thống phân phối xăng dầu của Tổng công ty Dầu Việt Nam và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; Dự án Tổ hợp sân golf và khách sạn, nhà ở với tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD của Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh golf Long Thành…

Năm ngoái, Hoàng Anh Gia Lai đã đưa sân bay ở Attapeu vào hoạt động. Cũng trong năm 2015, doanh thu của Hoàng Anh Gia Lai tại Lào đạt 2.314 tỷ đồng. Trong khi đó, mạng Unitel do Viettel liên doanh với Lao Asia Telecom triển khai đã trở thành mạng viễn thông chiếm thị phần lớn nhất tại Lào, với trên 53%. Đây cũng là một trong những điển hình thành công trong đầu tư sang Lào của doanh nghiệp Việt Nam.

Chưa kể, theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà đầu tư sang Lào (AVIL), các dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực thủy điện, nông - lâm nghiệp, tài chính - ngân hàng, khai khoáng… cũng đã được đánh giá cao.

“Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đã góp phần chuyển giao các công nghệ mới, trình độ tiên tiến đưa vào Lào, đào tạo đội ngũ cán bộ nhân viên lao động Lào có tay nghề, tiếp thu kỹ năng lao động và quản trị mới, tạo công ăn việc làm cho gần 40.000 lao động của địa phương Lào. Các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào cũng đã góp phần tăng thu cho ngân sách Lào trên 250 triệu USD; đặc biệt cũng hỗ trợ trên 70 triệu USD cho an sinh xã hội Lào”, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch AVIL cho biết.

Nhiều dự án hoạt động hiệu quả và đã chuyển lợi nhuận về nước. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại không đáng có trong hợp tác đầu tư Việt - Lào. Một trong những tồn tại là dù vốn đăng ký đạt khoảng 5 tỷ USD, nhưng mới chỉ có 2,2 tỷ USD vốn đầu tư được đưa vào thực hiện. Việc triển khai nhiều dự án còn chậm, thậm chí có tình trạng chuyển nhượng dự án trái phép, hay các cơ quan chức năng Lào gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam trong thực hiện các thủ tục đầu tư cũng đã được nhắc tới.

“Thực sự thì thủ tục cấp phép đầu tư, qua lại biên giới của hai bên vẫn còn rườm rà, một số dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam còn chậm triển khai, nhất là trong lĩnh vực năng lượng, khai khoáng. Chưa kể, việc chậm triển khai các dự án kết nối giao thông giữa hai nước chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của hai bên; rồi việc Chính phủ hai nước vẫn chưa có chính sách hỗ trợ đồng bộ, tích cực, kịp thời đối với các doanh nghiệp khiến một số dự án của doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai nhưng chưa được hỗ trợ giải quyết kịp thời... cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động đầu tư tại Lào của các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Trần Bắc Hà bày tỏ quan điểm.

Bởi vậy, dễ hiểu rằng, nếu muốn tạo làn sóng đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam sang Lào, các vướng mắc, tồn tại nói trên cần sớm được gỡ bỏ, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ ưu đãi đầu tư, cũng như thủ tục cấp phép... Điều đáng mừng là, Chính phủ hai nước Việt - Lào cũng đã nhận rõ những điểm yếu này để quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy hoạt động hợp tác đầu tư Việt - Lào.

Tại Hội nghị Hợp tác đầu tư Việt - Lào, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (lúc ấy là Phó thủ tướng) đã khẳng định, các doanh nghiệp cần coi việc đầu tư vào Lào như là đầu tư tại Việt Nam, vì thế định hướng phát triển phải lâu dài, những dự án đầu tư mới phải mang tầm chiến lược.

“Cần tập trung triển khai Hiệp định song phương Việt Nam - Lào giai đoạn 2016 - 2020; đồng thời, đẩy nhanh việc kết nối giao thông giữa hai nước, đẩy mạnh việc cải cách một cửa. Hai nước cũng cần nghiên cứu cơ chế, chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp vào đầu tư. Các doanh nghiệp cần đẩy nhanh tiến độ các dự án đã được cấp phép và phải tuân thủ và chấp hành tuyệt đối pháp luật của địa phương khi triển khai các dự án đầu tư...”, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Tin bài liên quan