Dự án Thành phố thông minh Nhật Tân - Nội Bài được trao quyết định chủ trương đầu tư

Dự án Thành phố thông minh Nhật Tân - Nội Bài được trao quyết định chủ trương đầu tư

“Hà Nội không vội được đâu” cần được đổi thành “Hà Nội không vội không xong"

(ĐTCK) Tại Hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển” diễn ra sáng 17/6, Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án đầu tư với tổng số vốn là 397.335 tỷ đồng, tương đương 17 tỷ USD.

Trong đó, 11 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 130.061 tỷ đồng (tương đương 5,428 tỷ USD); 60 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đầu tư là 267.274 tỷ đồng.

Dịp này, Dự án Thành phố thông minh Nhật Tân - Nội Bài do liên doanh BRG - Sumitomo làm chủ đầu tư có tổng vốn 4 tỷ USD được trao quyết định chủ trương đầu tư.

Với kết quả này, Hà Nội trở thành địa phương đứng thứ hai cả nước về thu hút vốn FDI trong 30 năm qua. Còn 6 tháng đầu năm 2018, với tổng số vốn FDI thu hút là 5,915 tỷ USD, Hà Nội đã tạm vượt lên đứng thứ nhất cả nước.

Cũng tại Hội nghị, Hà Nội công bố danh mục 553 dự án kêu gọi đầu tư gồm: 161 dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật; 36 dự án phát triển hạ tầng xã hội; 91 dự án phát triển hạ tầng thương mại dịch vụ, du lịch; 75 dự án nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 90 dự án kinh doanh bất động sản...

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng, người thủ đô rất hay nói một cách dân dã rằng “Hà Nội không vội được đâu” để phản ánh về những thủ tục hành chính, sự chậm trễ đổi mới trong quản lý... Thủ tướng chỉ đạo, lãnh đạo Thành phố cần làm sao để câu nói này được đổi thành “Hà Nội không vội không xong”.

Thủ tướng cũng lưu ý Hà Nội còn nhiều vấn đề về quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, ùn tắc giao thông, quá tải hạ tầng, ô nhiễm môi trường...; nhiều dự án trọng điểm triển khai chậm, đội vốn lớn, nhiều vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, tỷ lệ xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp còn chậm, mới đạt khoảng 56%, tỷ lệ cấp nước sạch mới đạt 50%...

Thủ tướng chỉ đạo, lãnh đạo Thành phố cần làm sao để câu nói “Hà Nội không vội được đâu” được đổi thành “Hà Nội không vội không xong”.

Đặc biệt, công tác quản lý, điều hành của bộ máy hành chính ở một số nơi còn hiệu quả thấp. Cụ thể, Thủ tướng cho biết, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Hà Nội ở mức thấp và nhiều chỉ số phụ liên tục tụt hạng.

Ví dụ, chỉ số công khai minh bạch năm 2017 đứng thứ 53 trên 63 tỉnh, thành, bị tụt hạng so với vị trí số 41 của năm 2015. Bên cạnh đó, chỉ số Trách nhiệm giải trình với người dân năm 2017 cũng ở vị trí 52, tụt mạnh so với vị trí 31 của năm 2015. Chỉ số thủ tục hành chính công năm 2017 cũng ở vị trí số 49, trong khi năm 2016 xếp thứ 32...

Về những yêu cầu này, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung tiếp thu, TP. Hà Nội cam kết tiếp tục cải cách hành chính mạnh mẽ, kiên định với mục tiêu “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”; sẵn sàng lắng nghe và tiếp thu các đề nghị và đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo.

Ông Chung lấy một ví dụ về sự nỗ lực của Hà Nội trong việc cải cách thủ tục hành chính là từ ngày 1/8 tới, Thành phố sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí và các dịch vụ tiện ích trong quy trình thủ tục thành lập doanh nghiệp.

“Khi thành lập doanh nghiệp chỉ cần thực hiện kê khai hồ sơ qua mạng. Toàn bộ thủ tục sẽ được giải quyết và chuyển kết quả qua chuyển phát nhanh về đến tận nhà”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nói.

Thành phố cũng tập trung hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mua bán, chuyển giao công nghệ, đặc biệt là các công nghệ tiết kiệm, tái tạo năng lượng, bảo vệ môi trường, các giải pháp phòng chống biến đổi khí hậu...

Tin bài liên quan