Khó khăn về nguồn vốn được xem là nút thắt chính trong quá trình triển khai đầu tư theo mô hình PPP

Khó khăn về nguồn vốn được xem là nút thắt chính trong quá trình triển khai đầu tư theo mô hình PPP

Gỡ khó cho đầu tư công - tư

(ĐTCK) Nhiều bất cập trong thực tế triển khai các hoạt động đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), đặc biệt là các dự án BOT, BT thời gian qua đã cho thấy tính cấp thiết trong xây dựng và ban hành Luật Đầu tư PPP để tạo hành lang pháp lý chính thức, cũng như gỡ bỏ các rào cản, khuyến khích khu vực tư nhân tăng cường tham gia đầu tư theo hình thức này.

Ông Phan Thanh Dương, Phó tổng giám đốc Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vĩnh Tân 3 khá bức xúc vì những vướng mắc trong triển khai dự án vốn đã đắp chiếu gần cả chục năm nay.

“Việc giải phóng mặt bằng quá chậm dẫn đến dự án không thể triển khai trong hơn 9 năm qua. Đã vậy, trong quá trình thực hiện, cách ứng xử của cơ quan chức năng cũng thiếu chuyên nghiệp, không coi doanh nghiệp là đối tác”, ông Dương nói.

Theo ông Dương, cần sớm có Luật Đầu tư PPP để cả cơ quan chức năng và doanh nghiệp có thể khắc phục những rào cản, vướng mắc về đất đai, giải phóng mặt bằng, từ đó thuận lợi triển khai dự án.

Tương tự, đại diện CTCP Đầu tư Đèo Cả, một doanh nghiệp đang có dự án bị chậm trễ, cũng đề nghị sớm ban hành Luật Đầu tư PPP để đảm bảo các bên công tư cùng hành xử theo đúng quy định pháp luật.

“Hiện nay, mặc dù doanh nghiệp là một đối tác trong hợp đồng PPP, nhưng không nhận được sự coi trọng từ cơ quan chức năng. Điều này khiến doanh nghiệp trở nên bị động và và gặp khó khăn trong triển khai dự án. Vì vậy, rất mong Dự thảo Luật Đầu tư PPP quy định rõ những việc doanh nghiệp và cơ quan chức năng được làm, những việc cả 2 bên cùng đàm phán trong hợp đồng PPP”, đại diện Công ty Đèo Cả kiến nghị.

Lý giải nguyên nhân chậm trễ trong đảm bảo đất đai, chuẩn bị mặt bằng sạch để bàn giao xây dựng khiến các nhà đầu tư quan ngại khi thực hiện đầu tư dự án PPP, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nội dung quy định về đất đai tại Luật Đầu tư PPP chịu sự điều chỉnh của Luật Đất đai, Luật Xây dựng, trong khi những luật này chưa quy định cụ thể để thực hiện dự án PPP, nên quá trình triển khai còn những khó khăn, bất cập, dẫn tới chậm trễ.

"Mặt khác, tình trạng cùng một nội dung, nhưng chịu sự điều chỉnh của nhiều luật như việc quản lý, giải ngân vốn góp của Nhà nước vào dự án PPP, huy động vốn góp của nhà đầu tư vào doanh nghiệp dự án, trình tự thủ tục triển khai các dự án PPP có vốn góp của Nhà nước, lựa chọn nhà thầu đối với dự án PPP... cũng làm tăng tính phức tạp, rủi ro trong quá trình triển khai, từ đó làm giảm tính hấp dẫn khi đầu tư theo mô hình này", vị đại diện này cho biết thêm.

Một bất cập khác trong thực tiễn triển khai các dự án PPP tại Việt Nam hiện nay là việc xây dựng hợp đồng PPP chưa căn cứ trên cơ sở phân tích các rủi ro có thể phát sinh trong quá trình triển khai dự án, để từ đó hình thành trách nhiệm của các bên đối với việc giảm thiểu các rủi ro này. Do đó, khi phát sinh rủi ro thường xảy ra tranh chấp.

Vì vậy, theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để nâng cao tính pháp lý trong hợp đồng PPP cũng như phân tách rạch ròi trách nhiệm của từng bên, Dự thảo Luật Đầu tư PPP sẽ quy định định rõ trách nhiệm của các bên, đồng thời cụ thể hoá các rủi ro trong việc thực hiện dự án PPP trên nguyên tắc rủi ro sẽ được phân chia cho bên có khả năng tốt nhất để quản lý rủi ro đó.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, đã trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Đầu tư PPP cùng các báo cáo đánh giá tình hình thực tiễn cũng như cơ sở để xây dựng Luật. Đây sẽ là cơ sở pháp lý để quản lý thống nhất các hoạt động PPP, trường hợp các pháp luật khác có quy định khác thì thực hiện theo quy định của PPP.

Trình tự, thủ tục đầu tư được quy định chặt chẽ, phù hợp với với tính chất dự án PPP, các loại hợp đồng, quy mô và cấp quản lý khác nhau, chú trọng việc cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh việc phân cấp, từ đó nhằm nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư của các dự án PPP, phù hợp với tính chất dự án PPP và thông lệ quốc tế. Đồng thời, quy định rõ hơn các cơ chế, biện pháp thu hút, bảo đảm đầu tư thông qua công cụ hỗ trợ, bảo đảm, bảo lãnh của Chính phủ… 

Báo cáo thanh tra, kiểm toán đối với các dự án BOT, BT cho thấy, hầu hết các dự án BOT, BT được thực hiện kiểm toán đều áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà đầu tư, dẫn đến làm giảm sự cạnh tranh, minh bạch trong công tác lựa chọn nhà đầu tư, tiềm ẩn rủi ro, lãng phí, thất thoát và chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án. Công tác công bố dự án, danh mục dự án chưa được thực hiện nghiêm túc, công khai. Việc giám sát trong quá trình thực hiện hợp đồng còn lỏng lẻo, dẫn đến không đảm bảo chất lượng, thường sụt lún, xuống cấp nhưng không được khắc phục kịp thời. 

Khó khăn về nguồn vốn để chuẩn bị và tham gia đầu tư theo các dự án PPP được xem là nút thắt chính trong quá trình triển khai đầu tư theo mô hình này. Đối với dự án BOT giao thông, xuất hiện các bất cập về mức phí, vị trí đặt trạm thu phí chưa phù hợp, chưa đảm bảo khoảng cách 70 km như quy định, thời gian thu phí chưa phù hợp...

Tin bài liên quan