Vốn là một trong những vướng mắc lớn nhất của DN nhỏ và vừa

Vốn là một trong những vướng mắc lớn nhất của DN nhỏ và vừa

Gỡ bài toán vốn cho doanh nghiệp nhỏ

(ĐTCK) Tại Dự thảo Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ tiếp cận tín dụng được đánh giá là một trong những nội dung trọng điểm, nhằm giải quyết triệt để nút thắt về vốn và tiếp cận tín dụng.

Tạo điều kiện cho DN nhỏ tiếp cận vốn rẻ

Đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan soạn thảo Luật Doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết, dự thảo lần 2 của Luật quy định cụ thể một số mức hỗ trợ, ưu đãi đối với các DN nhỏ và vừa trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm.

Theo đó, các NHTM bảo đảm tỷ lệ dư nợ cho vay DN nhỏ và vừa tối thiểu 30% tổng dư nợ, lãi suất không vượt quá 85% lãi suất cho vay thương mại tại từng thời điểm và kiện toàn, đổi mới mô hình Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa tại địa phương hoặc sáp nhập vào Quỹ đầu tư phát triển địa phương để bảo lãnh cho DN nhỏ và vừa.

Đối với đề xuất nâng tỷ lệ dư nợ cho vay tín dụng tối thiểu 30% tổng dư nợ tại các NHTM đối với đối tượng này, ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp cho biết, mặc dù thời gian qua, NHNN đã từng bước điều chỉnh chính sách tiền tệ để hướng dòng chảy vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có khu vực DN nhỏ và vừa, thông qua điều chỉnh lãi suất theo hướng giảm dần mức lãi suất cho vay thấp hơn 1 - 2%/năm so với các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh thông thường. Tuy nhiên, kết quả thực hiện vẫn còn khá khiêm tốn, tỷ lệ dư nợ cho vay đối với khu vực này tính đến cuối năm 2015 mới đạt khoảng 1.052.000 tỷ đồng, chiếm gần 23% tổng dư nợ cho vay toàn bộ nền kinh tế.

Theo ông Hùng, để khắc phục hạn chế này, dự thảo Luật hướng tới quy định điều chỉnh cả hai phía, từ bản thân DN vừa và nhỏ và từ các NHTM. Trong đó, các cơ quan liên quan sẽ thực hiện hỗ trợ tư vấn cho DN lập hồ sơ vay vốn, xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất - kinh doanh khả thi để có thể đáp ứng điều kiện cho vay của NHTM.

Còn từ phía NHTM, NHNN cần đôn đốc giám sát NHTM thực hiện cho vay với DN nhỏ và vừa và nghiêm chỉnh thực hiện các biện pháp tỷ lệ dự trữ bắt buộc, chiết khấu, tái cấp vốn, khoanh nợ và xử lý rủi ro, trích lập khen thưởng… Đồng thời, các NHTM cần tập trung vào đối tượng DN nhỏ và vừa, cung cấp các sản phẩm tín dụng và dịch vụ phù hợp với quy mô, đặc điểm của khối doanh nghiệp này. 

Về đề xuất quy định lãi suất cho vay đối với DN khu vực này không quá 85% mức lãi suất cho vay thương mại tại từng thời điểm, theo Ban soạn thảo, đây là mức lãi suất phù hợp với diễn biễn lãi suất cho vay thời gian qua, đặc biệt là đối chiếu so sánh với lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên khác bao gồm nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và công nghệ cao.

Mặt khác, với việc quy định tương tự với cách xác định lãi suất trong cho vay của Quỹ phát triển DN nhỏ và vừa, căn cứ trên tình hình thị trường tín dụng, NHNN sẽ quy định mức lãi suất cho đối tượng này các NHTM nhưng không vượt quá 90% mức lãi suất cho vay thương mại được xác định trên cơ sở mức lãi suất cho vay bình quân của 5 NHTM nhà nước tại Hà Nội. 

Còn đó những băn khoăn

“Tuy nhiên, vẫn còn quan điểm khác nhau về đề xuất này, cần có ý kiến thống nhất từ Ban soạn thảo cũng như các cơ quan hữu quan là có nên ấn định việc quy định lãi suất cho vay DN nhỏ và vừa không vượt qua mức trần 85% lãi suất cho vay thương mại và nếu quy định như vậy thì NHNN cần có những tác động nào đề khuyến khích NHTM cho vay”, ông Hùng nêu vấn đề.

Liên quan đề xuất quy định trong Luật về Quỹ bảo lãnh địa phương, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, có 2 phương án dự kiến được đưa ra, đó là kiện toàn hệ thống Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương trên cơ sở các địa phương chủ động huy động các nguồn lực xã hội góp vốn để hình thành Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa theo nguyên tắc ngân sách nhà nước tại địa phương đóng góp 50%, tổ chức tín dụng trên địa bàn đóng góp 30% và tổ chức cá nhân, DN đóng góp 20% vốn điều lệ quỹ.

Phương án 2 là cơ cấu lại hệ thống quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương theo hướng gộp quỹ này vào Quỹ đầu tư phát triển địa phương. Ở phương án này, Chính phủ sẽ bổ sung thêm chức năng bảo lãnh cho DN nhỏ và vừa đối với Quỹ Đầu tư phát triển địa phương.

Tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI, việc ấn định tỷ lệ dư nợ cho vay tối thiểu 30% đối với DN nhỏ và vừa cho các NHTM là biện pháp mang nặng tính hành chính áp đặt và phi thị trường.

“Các NHTM xét về bản chất cũng là DN, nên nếu ấn định như vậy thì rất phản thị trường và khó khả thi. Do đó, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu thêm về đề xuất quy định này theo hướng tôn trọng thị trường. Có như vậy mới khả thi và khuyến khích NHTM cho vay đối với DN nhỏ và vừa”, ông Tuấn phân tích.

Tin bài liên quan