Doanh nghiệp đã đóng cửa và ngừng động gần 5 năm, nhưng vẫn chưa được khai tử do thiếu các quy định cụ thể 	ảnh: hồng sơn

Doanh nghiệp đã đóng cửa và ngừng động gần 5 năm, nhưng vẫn chưa được khai tử do thiếu các quy định cụ thể ảnh: hồng sơn

Giật mình với dự án FDI ngưng hoạt động tại Đồng Nai

Số liệu thống kê về các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn Đồng Nai đã ngưng hoạt động với điệp khúc “chủ ra đi, nợ còn ở lại” sẽ khiến nhiều người không khỏi giật mình.

Theo số liệu tổng hợp mới nhất của Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (Diza), tính đến tháng 8/2016 vẫn còn 26 dự án FDI ngưng hoạt động (trước đây vẫn thường gọi là dự án FDI vắng chủ, bỏ trốn - PV). Trong số này, đứng đầu là Hàn Quốc với 9 dự án, tiếp sau là Đài Loan với 6 dự án. Số còn lại phần nhiều là dự án của các doanh nghiệp đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á.

Cũng theo tổng hợp này, số vốn đầu tư đăng ký của các dự án FDI đã ngưng hoạt động tại Đồng Nai lên tới hơn 133 triệu USD (trong đó, 7 dự án có số vốn đầu tư trên 10 triệu USD, với 1 dự án có vốn đăng ký lên tới 30 triệu USD của Hàn Quốc tại KCN Nhơn Trạch 1). Con số này có thể tương đương số vốn FDI thu hút được của không ít các địa phương trong cả một năm.

Điều đáng nói là, trong danh sách này chỉ có 2 dự án chưa giải ngân vốn, còn lại 24 dự án đã giải ngân được hơn 79 triệu USD, trong đó có 6 dự án đã hoàn thành giải ngân hoặc đã giải ngân gần xong số vốn đầu tư đăng ký. Đáng kể nhất là một dự án của Hàn Quốc tại KCN Long Thành đã giải ngân 100% số vốn đầu tư đăng ký (16 triệu USD)…

Những con số vừa nêu cho thấy một điều khá rõ ràng là, những dự án FDI trong danh sách này chủ yếu thuộc dạng “chủ ra đi, nợ còn ở lại”. Bởi trước đó, Đồng Nai đã khá mạnh tay đối với các dự án FDI thuộc diện vắng chủ và chưa thực hiện giải ngân. Đơn cử, trong năm 2013, Đồng Nai đã “trảm” 17 dự án FDI thuộc diện vắng chủ, là các dự án không còn nhà xưởng, tài sản. Tuy vậy, sau thời điểm đó vẫn còn 30 dự án FDI vắng chủ chưa giải quyết được mà vướng mắc lớn nhất là do các văn bản pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể để giải quyết.

Sau khi Luật Đầu tư 2014 ra đời, cơ sở pháp lý cho việc xử lý các dự án FDI vắng chủ đã có, tỉnh Đồng Nai đã thực hiện nhiều lần rà soát các dự án dạng này, nếu đủ cơ sở thì tiến hành thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, chấm dứt dự án. Đáng chú ý là dịp cuối năm 2015, tỉnh Đồng Nai đã tiến hành thu hồi 37 dự án FDI, trong đó có 22 dự án bị thu hồi do vắng chủ.

Điểm lại như thế để thấy rằng, phần lớn là các dự án đã ngưng hoạt động trên 5 năm, với những tồn tại chưa thể giải quyết được như chủ đầu tư bỏ về nước không liên lạc được, tài sản chưa xử lý xong, nợ tiền lương người lao động, nợ tiền thuế, bảo hiểm xã hội… Đơn cử, doanh nghiệp của Đài Loan tại KCN Biên Hòa 2 có vốn đầu tư 10 triệu USD, chuyên sản xuất các loại xích truyền động dùng trong công nghiệp, xích xe máy, xe đạp; hoặc một doanh nghiệp của HongKong cũng ở KCN Biên Hòa 2, chuyên sản xuất keo dựng vải, keo dựng giấy, gia công hoàn tất vải thành phẩm từ vải thô…

Cũng với những “người cũ” này, trong một bài viết đăng hồi tháng 6/2015, Báo Đầu tư đã chỉ ra những số nợ cụ thể của nhiều doanh nghiệp. Đó là, Công ty TNHH Sản xuất xích chuyên dùng Việt Nam nợ bảo hiểm xã hội hơn 227 triệu đồng, nợ thuế 6 triệu đồng; Công ty TNHH C&H Việt Nam nợ bảo hiểm xã hội hơn 812 triệu đồng, nợ thuế 3 triệu đồng; Công ty TNHH Kỹ nghệ J&V nợ bảo hiểm hơn 688 triệu đồng...

Số liệu được Diza tổng hợp mới đây cho thấy, về cơ bản các doanh nghiệp đã ngưng hoạt động từ rất nhiều năm và tồn tại nhiều vướng mắc chưa thể giải quyết trong một sớm, một chiều. Vậy, thực sự có bao nhiêu doanh nghiệp FDI đã ngưng hoạt động và Đồng Nai sẽ xử lý thế nào?

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện của Diza cho biết, Ban đang phối hợp với các công ty hạ tầng để tiếp tục rà soát và sẽ công bố ngay khi có số liệu cụ thể.

“Theo quy định của Luật Đầu tư 2014, dự án ngưng hoạt động trên 12 tháng và không liên lạc được với người đại diện pháp luật của doanh nghiệp thì sẽ đưa vào danh sách các doanh nghiệp ngừng hoạt động”, vị đại diện Diza nói và cho biết, thời gian qua, bằng nhiều cách khác nhau (kể cả thông qua đường ngoại giao), nhưng Ban vẫn không thể liên hệ được với nhiều chủ doanh nghiệp. Do đó, tới đây, Diza sẽ tổng hợp danh sách các dự án FDI đã ngưng hoạt động và công bố công khai trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia. Sau đó, sẽ thực hiện các bước xử lý theo quy định hiện hành.

Ông Mai Văn Nhơn, Phó trưởng ban Diaz cho rằng, phần lớn là các dự án trong danh sách này không có đóng góp nhiều cho kinh tế - xã hội, thậm chí, nhiều doanh nghiệp khi ngưng hoạt động còn để lại khá nhiều các khoản nợ thuế, bảo hiểm xã hội và lương của người lao động. Theo ông Nhơn, chủ trương của Đồng Nai là xử lý kiên quyết, đúng quy định của pháp luật với các dự án dạng này để góp phần làm trong sạch môi trường đầu tư và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có năng lực tốt hơn đến đầu tư.

Tin bài liên quan