Giao thông Hà Nội mới chỉ đạt 10% diện tích đất xây dựng đô thị, kém xa mức tối thiểu 20-26%

Có hai điểm nhấn quan trọng trong Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP. Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030 vừa được đa số đại biểu HĐND Thành phố đồng thuận.

Đầu tiên là giải pháp hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, trong đó đáng chú ý là việc từng bước thực hiện hạn chế hoạt động của xe máy tại một số khu vực, đến năm 2030 dừng hoạt động trên địa bàn các quận nội thành.

Cần phải nói thêm rằng, chủ trương hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, nhất là xe máy tại các đô thị lớn, đông dân như Hà Nội, TP.HCM là đúng đắn và cần thiết, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Đây cũng là giải pháp cưỡng bức mang tính kinh điển để giải quyết ùn tắc giao thông tại hầu hết đô thị lớn trên thế giới trong điều kiện quỹ đất, nguồn lực tài chính không đủ thỏa mãn tốc độ tăng trưởng xe cá nhân.  

Giao thông Hà Nội mới chỉ đạt 10% diện tích đất xây dựng đô thị, kém xa mức tối thiểu 20-26% ảnh 1

 Hà Nội sẽ phát triển hệ thống giao thông công cộng nhằm mục tiêu đến năm 2030, người dân Thủ đô chỉ cần đi bộ 500 m là có xe công cộng

Số liệu thống kê cho thấy, đến cuối năm 2016, trên địa bàn TP. Hà Nội có 5 triệu xe máy, 500.000 ô tô con. Với tốc độ tăng khoảng 10%/năm, đến năm 2025, Hà Nội sẽ có 11 triệu xe máy và ô tô con, trong khi hạ tầng giao thông phát triển lại không tương xứng.

Minh chứng cụ thể nhất là tỷ lệ đất dành cho giao thông ở Hà Nội hiện mới đạt 10% diện tích đất xây dựng đô thị. Đến năm 2020, cố lắm, TP. Hà Nội cũng chỉ đạt tỷ lệ 13% đất đô thị dành cho giao thông, kém xa mức tối thiểu (20 - 26%) để hệ thống giao thông có thể vận hành bình thường.

Trước đây, nhiều người từng lo lắng về tính khả thi của các giải pháp nhằm giảm phương tiện giao thông cá nhân mang tính cưỡng bức.

Cũng không ít lần, Hà Nội đề xuất xe biển số chẵn đi ngày chẵn, xe biển số lẻ đi ngày lẻ, cho thuê xe đạp công cộng, thí điểm tạm ngừng đăng ký xe máy tại bốn quận nội thành.... Nhưng tất cả đề án này đều nhanh chóng bị phá sản, bởi đó không phải là giải pháp căn cơ khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, chưa kể, các đề án đó không phù hợp thói quen của người dân và điều kiện hạ tầng Thành phố…

Lần này, Hà Nội xây dựng lộ trình thực hiện một cách thận trọng hơn, chủ yếu dùng các giải pháp “xây để chống”. Đây cũng là điểm nhấn quan trọng thứ hai của bản Đề án với mục tiêu chính là phát triển hệ thống giao thông công cộng nhằm mục tiêu đến năm 2030, người dân Thủ đô chỉ cần đi bộ 500 m là có xe công cộng.

Được biết, sau khi Đề án được HĐND Thành phố thông qua, các cơ quan liên quan sẽ triển khai ngay, trong đó có tập trung cho công tác phát triển vận tải công cộng, đặc biệt là phát triển các loại hình vận chuyển theo khối lớn để tăng thị phần vận chuyển. Riêng đường sắt đô thị, ngoài hai tuyến sắp đưa vào sử dụng là Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội, từ nay đến năm 2030, Hà Nội sẽ thực hiện thêm 10 tuyến khác với tổng kinh phí 31 tỷ USD.   

Tỷ lệ đất dành cho giao thông ở Hà Nội hiện mới đạt 10% diện tích đất xây dựng đô thị. Đến năm 2020, cố lắm, TP. Hà Nội cũng chỉ đạt tỷ lệ 13% đất đô thị dành cho giao thông, kém xa mức tối thiểu (20 - 26%) để hệ thống giao thông có thể vận hành bình thường.

Song để hiện thực hóa viễn cảnh này, Hà Nội cần phải huy động được hàng trăm ngàn tỷ đồng và đảm bảo tiến độ các dự án hạ tầng lớn không bị lụt. Khi đó, tiến trình phát triển hệ thống giao thông công cộng mới không bị hụt hơi so với lộ trình hạn chế xe cá nhân. Trong thế chân tường, người dân Thủ đô cũng phải chung tay, hợp tác cùng chính quyền để thay đổi quan niệm và các thói quen sinh hoạt.

Rất nhiều khó khăn, phức tạp đang chờ đón, nhưng nếu không quyết tâm, không chấp nhận trả giá thì sẽ không bao giờ thay đổi được diện mạo và giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Đây là những vấn đề bức xúc nhất của đời sống đô thị lớn mà Hà Nội, TP.HCM cũng như nhiều thành phố lớn khác đang phải đối mặt.

Tin bài liên quan