“Dấu chấm lửng kích cỡ hơn 6 ha” tiếp tục án ngữ ngay Trung tâm TP. Đà Nẵng. Ảnh: Hà Minh

“Dấu chấm lửng kích cỡ hơn 6 ha” tiếp tục án ngữ ngay Trung tâm TP. Đà Nẵng. Ảnh: Hà Minh

Dự án Sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng): “Đứa con rơi” giữa lòng Thành phố

Cơn mưa dông bất chợt trong buổi chiều tiết chuyển mùa chỉ kéo dài non 2 tiếng đồng hồ, mà đến tận sáng hôm sau, mặt sân vận động Chi Lăng (TP. Đà Nẵng) vẫn lõng bõng những nước. Trên khán đài, tường gạch nham nhở, những hàng ghế lồi lõm, chồi sụt chỗ còn, chỗ mất…     

Dấu chấm lửng… 6 héc-ta!

Vụ đại án Phạm Công Danh rồi cũng sẽ kết thúc bằng bản án đúng người, đúng tội, nhưng ở Đà Nẵng, Dự án Sân vận động Chi Lăng do Phạm Công Danh, khi còn là Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh mua của Thành phố thì chưa biết khi nào mới có hồi kết. Người dân nới đây coi đó là “dấu chấm lửng kích cỡ hơn 6 ha” tiếp tục án ngữ ngay Trung tâm TP. Đà Nẵng.

Khả năng khắc phục hậu quả do sai phạm trong quản lý kinh tế của Tập đoàn Thiên Thanh đối với dự án SVĐ Chi Lăng là rất mơ hồ, bởi số vốn đầu tư bị chiếm đoạt khá lớn, gần 6.000 tỷ đồng (bao gồm 1.500 tỷ đồng chuyển quyền sử dụng đất và 4.000 tỷ đồng thế chấp vay vốn ở các ngân hàng). Việc thay thế nhà đầu tư mới càng khó khả thi, bởi tất cả các công đoạn xử lý nguồn vốn bị chiếm dụng, chi trả tiền thuế sử dụng đất và đầu tư phát triển dự án… đều mới chỉ là những lời hứa.

Bất chấp đất ở tái định cư đã được Thành phố bàn giao cho các tổ chức, cá nhân trong phạm vi giải tỏa dự án, nhưng khi việc thu hồi mặt bằng chưa hoàn thành, nhiều tổ chức, cá nhân vẫn tiếp tục tranh thủ sử dụng mặt bằng cũ để kinh doanh. Theo đó, trong số 107 lô đất chuyển giao phục vụ giải tỏa, thì Khu tái định cư khu vực đường Hải Phòng - Lê Lợi - Nguyễn Chí Thanh được 22 lô; Khu dân cư số 2 Nguyễn Tri Phương và đường 30 tháng 4 được 30 lô; Khu vực Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng và Sở Kế hoạch và Đầu tư được 18 lô; Khu nhà làm việc Ban Nghĩa trang thành phố và Khu dân cư mới đường Nguyễn Thiện Thuật được 9 lô. 

Nhiều hộ giải tỏa nhận đất tái định cư, xây dựng nhà ở mới khang trang, nhưng tại nơi ở cũ vẫn tiếp tục được sử dụng, trực tiếp kinh doanh hoặc cho thuê, gây thất thoát nguồn thu ngân sách hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Không chỉ có vậy, trong quá trình thực hiện Dự án, Thành phố đã giải ngân nguồn kinh phí giải tỏa, bồi thường thiệt hại và hỗ trợ giải tỏa hơn 194 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này chưa kể giá trị đền bù giải tỏa, tái định cư, xây dựng hạ tầng để có mới hàng trăm lô đất tái định cư trong nội thành, có giá trị sinh lời cao về đất ở...

Thực hiện cam kết bàn giao đất sạch cho Dự án SVĐ Chi Lăng, UBND TP. Đà Nẵng đã xúc tiến việc giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư. Năm 2011, UBND thành phố đã triển khai việc chọn địa điểm, đầu tư xây dựng trụ sở mới để di chuyển địa điểm hoạt động của nhiều cơ quan, đơn vị để tạo quỹ đất tái định cư trong đó có CLB Bóng đá SHB Đà Nẵng với việc đầu tư mới SVĐ Hòa Xuân sức chứa 20.000 chỗ ngồi để thay SVĐ Chi Lăng và trong thời gian chờ sân vận động mới đành quay lại… thuê SVĐ Chi Lăng để sử dụng tạm. Theo thống kế, cho tới thời điểm này, Dự án SVĐ Chi Lăng chỉ có 39/101 hồ sơ bàn giao mặt bằng, trong khi đó có tới 80 trường hợp đã nhận đất tái định cư, điều này cho thấy, có tới 41 cá nhân, tổ chức đang có hành vi chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.

Chấp nhận bồi hoàn

Với dự án này, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, UBND Thành phố đã nhiều lần làm việc với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, với đề nghị được hoàn trả 1.500 tỷ đồng cho Ngân hàng Nhà nước để “chuộc lại” SVĐ Chi Lăng.

Nếu được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, đây sẽ là cơ hội để Thành phố điều chỉnh quy hoạch, đầu tư nâng cấp khu vực SVĐ Chi Lăng. Hiện nay, Thành phố có nhu cầu đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật công cộng như Nhà hát lớn, Khu hội nghị quốc tế…

Ông Thơ cho biết thêm, khi được các cấp thẩm quyền đồng ý chủ trương cho thu hồi dự án, việc tính toán hỗ trợ, bồi thường cho các bên có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan như chủ đầu tư và Ngân hàng Nhà nước sẽ được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật hiện hành. Tất nhiên, chính quyền Đà Nẵng cũng phải tính toán, tự thu xếp nguồn kinh phí để thu hồi được dự án này.

Về nguyên tắc, dự án không triển khai thì phải thu hồi theo luật và do vậy, việc bồi thường hay hỗ trợ không nhất thiết phải theo ý chủ quan của nhà đầu tư, bởi Thành phố không sai trong việc thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đầu tư Dự án, mà nguyên nhân của ách tắc chính là do nhà đầu tư vi phạm pháp luật.

“UBND TP. Đà Nẵng sẽ tính toán, thương thảo lại, có thể sẽ chấp nhận mức bồi hoàn giá trị đầu tư xấp xỉ 1.400 tỷ đồng mà chủ đầu tư đã đầu tư. Nếu được như vậy, Đà Nẵng sẽ thu xếp tài chính trong nhiều năm để xử lý việc bồi hoàn”, ông Thơ nhấn mạnh và cho biết thêm về định hướng tương lai của Dự án: “Thành phố tiếp tục thực hiện chủ trương giải tỏa hết phần diện tích tiếp giáp 4 trục đường xung quanh sân vận động và khi hoàn thành, Thành phố không có chủ trương chuyển dự án lại cho nhà đầu tư khác, mà để mở rộng, nâng cấp, chỉnh trang SVĐ Chi Lăng trở thành một công trình xứng tầm với sự phát triển của đô thị Đà Nẵng trong tương lai”.

Luật sư Đỗ Pháp (Văn phòng Luật sư Đỗ Pháp - Đà Nẵng) cho rằng, thu hồi dự án và chuộc lại sân vận động Chi Lăng là đúng luật. Vấn đề còn lại, những quan hệ pháp lý, phát sinh quyền sử dụng tới đâu, thì các bên sẽ tiến hành thương thảo.

Tin bài liên quan