Khi hoàn thành nâng cấp, mở rộng, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ đạt công suất chế biến 8,5 triệu tấn dầu thô/năm. Ảnh: Đức Thanh

Khi hoàn thành nâng cấp, mở rộng, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ đạt công suất chế biến 8,5 triệu tấn dầu thô/năm. Ảnh: Đức Thanh

Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất chuẩn bị bàn giao mặt bằng

Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã gần hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và đang chuẩn bị các thủ tục để bàn giao mặt bằng sạch.     

Ông Nguyễn Văn Hội, Phó tổng giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) vừa cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chi trả tiền đền bù cho 1.533/1.631 hồ sơ, đạt 94%.

Xác định bàn giao mặt bằng là bước quan trọng để đảm bảo tiến độ Dự án, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi và lãnh đạo PVN đều rất quan tâm tới tiến độ bàn giao mặt bằng. Trong buổi làm việc với BSR và Ban quản lý Dự án mới đây, ông Phạm Như Sô, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các sở, ban, ngành của tỉnh và Khu kinh tế Dung Quất cần áp dụng mọi biện pháp nhằm khắc phục những bất cập trong việc thẩm tra, phê duyệt, phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng. Đồng thời, chủ đầu tư và chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ trong việc vận động, tuyên truyền nhân dân đã nhận tiền bồi thường tiến hành thu dọn tài sản để bàn giao mặt bằng theo đúng thời gian.

Trong khi đó, ông Lê Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc PVN đề nghị tỉnh Quảng Ngãi tích cực chỉ đạo giải quyết nhanh chóng những vấn đề liên quan đến san dọn, tạo mặt bằng sạch cho dự án.

“Phải giải quyết các trường hợp vướng mắc trong công tác bồi thường, hoàn thành chi trả dứt điểm trong tháng 6/2016. Bên cạnh đó, tích cực hoàn thành đầu tư xây dựng các khu tái định cư, có biện pháp sớm ngăn chặn hiện tượng tái lấn chiếm của một số hộ dân tại địa điểm đã đền bù, giải tỏa”, ông Hùng nhấn mạnh.

Năm 2015, Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được Chính phủ chấp nhận, dự kiến thực hiện trong 78 tháng, hoàn thành vào năm 2021.

Ông Nguyễn Văn Hội cho biết, kể từ thời điểm phát hành hồ sơ mời thầu của Gói thầu Tư vấn lập thiết kế tổng thể đến nay, Dự án đã triển khai được 13/78 tháng. Các hạng mục đang tiến triển tốt, trong đó, Hạng mục khảo sát địa hình, địa chất phục vụ công tác lập thiết kế tổng thể đã hoàn thành 100%.

Theo Chủ tịch Hội đồng Thành viên BSR Nguyễn Hoài Giang, thiết kế tổng thể là hạng mục công việc quan trọng trong giai đoạn chuẩn bị triển khai dự án. Đây là tiền đề để các nhà thầu thiết kế chi tiết, mua sắm, lắp đặt máy móc, thiết bị, xây dựng nhà máy sau này. Chính vì thế, BRS rất chú trọng phối hợp với nhà thầu để bám sát, thúc đẩy tiến độ công việc.

Ngày 13/6/2016, tại Vương quốc Anh, BSR và Ban quản lý Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã cùng nhà thầu Amec Foster Wheeler Energy Limited (Anh) cùng ngồi lại để kiểm điểm tình hình thực hiện Hợp đồng Tư vấn lập thiết kế tổng thể. BRS và nhà thầu Anh quốc đánh giá, sau khoảng 10 tháng kể từ thời điểm ký kết, Hợp đồng Gói thầu Tư vấn lập thiết kế tổng thể đã triển khai được 26% khối lượng công việc.

Cụ thể, đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu cung cấp bản quyền công nghệ cho 7/7 phân xưởng công nghệ mới dự kiến được bổ sung trong giai đoạn nâng cấp, mở rộng Dự án. Toàn bộ công nghệ lựa chọn đều là công nghệ hiện đại nhất từ các nước phát triển như Mỹ, Pháp, Italy, Hà Lan. Nhà thầu thiết kế tổng thể đang chuẩn bị chiến lược lựa chọn nhà thầu EPC cho Dự án, lập tổng dự toán và triển khai thiết kế các hạng mục công nghệ, các công trình phụ trợ và công trình biển...

Được biết, tổng giá trị Hợp đồng thiết kế tổng thể khoảng 25 triệu USD, thời gian thực hiện trong vòng 15 tháng từ tháng 8/2015 đến tháng 11/2016. Nhà thầu Amec Foster Wheller cũng chính là nhà thầu tư vấn lập thiết kế tổng thể cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất trước đây.

Ông Nguyễn Hoài Giang cho biết, BSR đang lựa chọn nhà tư vấn thu xếp tài chính cho Dự án và sẽ công bố trong thời gian tới. Theo cơ cấu vốn đã được phê duyệt, 30% tổng nguồn vốn của Dự án là của nhà đầu tư và 70% là vốn vay (50% là vốn vay từ nguồn quỹ tín dụng xuất khẩu, 50% còn lại là vay thương mại).

Tin bài liên quan