Dự án Giao thông thủy xuyên Á cần lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, ông Nguyễn Xuân Tự, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Dự án Giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện mới chỉ là đề xuất ban đầu, cần tiếp tục nghiên cứu, thẩm định kỹ và lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân.     
Ông Nguyễn Xuân Tự, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Ông Nguyễn Xuân Tự, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Thưa ông, dư luận gần đây xôn xao về Dự án Giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - vận hành) mà Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình đề xuất. Dư luận cho rằng, dự án này khi được triển khai sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quy hoạch, cảnh quan, môi trường cũng như sự an toàn dòng chảy sông Hồng…, vậy mà vẫn được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ thông qua?

Trước hết phải khẳng định rằng, dự án này mới dừng ở những ý tưởng đề xuất ban đầu, ở bước rất sơ khai. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản, nhưng cũng mới dừng ở việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép chủ đầu tư tiếp tục nghiên cứu Dự án. Muốn đầu tư Dự án, còn phải qua ít nhất 2 bước nữa. Đầu tiên, nhà đầu tư phải hoàn thiện đề xuất để các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, sau đó mới lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt, thì mới được phép đầu tư Dự án. 

Tôi muốn nhấn mạnh thêm, dù mới chỉ là ý tưởng ban đầu, song chúng tôi cũng đã nhận thấy, đây là dự án đa mục tiêu, có phạm vi ảnh hưởng rộng, lĩnh vực đầu tư liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực như giao thông thủy, cấp thoát nước, nông nghiệp, thủy sản, thủy điện, môi trường, an ninh, quốc phòng…, nên trong quá trình xem xét cũng đã gửi văn bản xin ý kiến của các bộ, ngành chức năng và các địa phương vùng bị ảnh hưởng.

Về cơ bản, các bộ, ngành và địa phương đều đồng thuận về chủ trương nghiên cứu tiếp Dự án và cũng đã có nhiều yêu cầu làm rõ Dự án. Chẳng hạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu làm rõ các tác động của Dự án đến ngập lụt thượng lưu, khả năng thoát lũ, bồi lắng trước công trình, xói lở sau công trình, an toàn hệ thống đê điều, tác động đến mất đất nông nghiệp, đất rừng, di dân tái định cư…

Tóm lại, chúng tôi đã tính đến, lường trước những vấn đề mà dư luận đặt ra, nhưng cụ thể là ảnh hưởng thế nào, vấn đề thủy văn, thủy lợi, xói lở hai bờ sông ra sao, xây dựng đập dâng ở vị trí nào, hay mua bán điện thế nào…, thì sẽ được giải quyết ở giai đoạn sau, khi chủ đầu tư tiếp tục nghiên cứu sâu hơn và khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức lập báo cáo khả thi Dự án.

Dù vậy, vẫn có ý kiến cho rằng, việc thẩm định dự án này đang diễn ra khá nhanh?

Như tôi đã nói, đây mới chỉ là xem xét ý tưởng đầu tư ban đầu. Còn nếu là thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi thì sẽ không thể trong vòng 4 - 6 tháng như vừa qua được, mà phải được các bộ, ngành chức năng xem xét cẩn trọng, đồng thời phải có cả phản biện xã hội, lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, của các chuyên gia... Điều này là cần thiết, bởi đây là dự án có quy mô lớn, nhiều hợp phần phức tạp, lại kéo dài suốt dọc sông Hồng, ảnh hưởng khá nhiều đến Đồng bằng sông Hồng.

Thưa ông, một vấn đề đặt ra là, với quy mô Dự án quá lớn, với vốn đầu tư dự kiến 24.510 tỷ đồng, khả năng hoàn vốn sẽ ra sao? Hơn nữa, Xuân Thiện Ninh Bình hiện chỉ có vốn điều lệ 1.200 tỷ đồng thì liệu có năng lực tài chính để triển khai Dự án hay không?

Với cơ cấu vốn chủ sở hữu/vốn vay thương mại như dự kiến của chủ đầu tư là 30/70, thì với tổng vốn đầu tư khoảng 24.510 tỷ đồng, nhà đầu tư phải có 7.353 tỷ đồng vốn chủ sở hữu mới có thể triển khai Dự án. Đây là một con số không nhỏ.

Nhưng với chủ trương xã hội hóa đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, dù chúng ta rất khuyến khích nhà đầu tư đề xuất dự án, song không có nghĩa là nhà đầu tư đó sẽ được thực hiện dự án. Theo quy định, sau khi đề xuất dự án được phê duyệt, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và thẩm định, phê duyệt.

Trên cơ sở báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt, sẽ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, theo như quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định số 15/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Việc này là để đảm bảo tính cạnh tranh trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, đảm bảo khả năng tài chính thực hiện dự án, cũng như đảm bảo hiệu quả của quá trình thực hiện dự án.

Còn về các phương án tài chính cụ thể của Dự án, bao gồm cả quy mô, phương án huy động vốn, giá phí dịch vụ, các hình thức ưu đãi, đảm bảo đầu tư… sẽ được nghiên cứu kỹ và xem xét cẩn trọng khi báo cáo nghiên cứu khả thi được lập. Như tôi đã nói ở trên, trong báo cáo khả thi, các vấn đề về kỹ thuật trong xây dựng đập dâng thủy điện, âu tàu…, hay các vấn đề liên quan đến đảm bảo môi trường, thủy văn, thủy lợi… cũng sẽ được đề cập cụ thể.

Dù việc nghiên cứu, khai thác có hiệu quả tiềm năng của sông Hồng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trong khu vực là cần thiết và dù những mục tiêu dự kiến của nhà đầu tư đều được các bộ, ngành thống nhất về chủ trương để tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là Dự án khả thi và đã được thông qua, cũng không có nghĩa rằng, tất cả các mục tiêu dự kiến đó sẽ được đầu tư. Cần phải tiếp tục phân tích, làm rõ, cân nhắc từng mục tiêu trong các giai đoạn nghiên cứu tiếp theo của Dự án.

Hơn nữa, do trong Dự án có hợp phần nạo vét, chỉnh trị, cải tạo luồng…, nên chúng tôi cũng cho rằng, phải làm rõ phạm vi quản lý của nhà đầu tư đối với luồng, lạch, diện tích mặt nước cũng như quyền tự do đi lại, nuôi trồng thủy, hải sản… của nhân dân khu vực Dự án trong quá trình nhà đầu tư và vận hành Dự án.

Nhiều ý kiến lo ngại rằng, một số hợp phần của dự án này, đặc biệt là thủy điện, không nằm trong quy hoạch?

Xây dựng 6 đập dâng nước và âu tàu, hay xây dựng 6 nhà máy thủy điện nhỏ, rồi 7 cảng dọc tuyến… cũng mới chỉ là đề xuất ban đầu của nhà đầu tư. Trong giai đoạn nghiên cứu tiếp theo, trên cơ sở rà soát các quy hoạch liên quan, như quy hoạch cảng thủy nội địa, quy hoạch thủy điện, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch thủy lợi…, nhà đầu tư sau khi khảo sát địa chất, địa hình, thủy văn… cần xác định cụ thể vị trí, quy mô từng hạng mục cũng như đánh giá tác động môi trường, xã hội của Dự án cho phù hợp với quy hoạch.

Trong trường hợp cần thiết, các bộ, ngành chức năng cũng cần rà soát lại các quy hoạch này, nếu thấy Dự án là cần thiết và khả thi thì có thể bổ sung quy hoạch.

Tin bài liên quan