hành tích vượt tiến độ 3 tháng so với hợp đồng đã ký kết không đủ để át được hàng loạt khuyết tật lớn tại Dự án BOT Quốc lộ 1 đoạn qua Khánh Hòa. Ảnh: S.T

hành tích vượt tiến độ 3 tháng so với hợp đồng đã ký kết không đủ để át được hàng loạt khuyết tật lớn tại Dự án BOT Quốc lộ 1 đoạn qua Khánh Hòa. Ảnh: S.T

Dự án BOT Quốc lộ 1 qua Khánh Hòa: Nghi vấn khoản vốn thừa ngàn tỷ

Tổng số vốn dư thừa, không sử dụng trong dự toán tại Dự án BOT Quốc lộ 1 qua Khánh Hòa do Công ty cổ phần 194 là nhà đầu tư lớn tới mức đủ để bớt hơn 9 năm thu phí hoàn vốn.     

Rộng tay “bốc” vốn

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố kết luận thanh tra chuyên đề về công tác quản lý nhà nước và triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT tại Dự án  Đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 qua tỉnh Khánh Hòa (Dự án) sau hơn 6 tháng tiến hành thanh tra.

Việc thanh tra Dự án nằm trong kế hoạch thanh tra 17 dự án BOT Quốc lộ 1 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt vào cuối năm 2014. 

Dự án được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) chỉ định Công ty cổ phần 194 (trụ sở tại TP.HCM) làm nhà đầu tư. Công ty cổ phần 194 sau đó đã thành lập Công ty TNHH 194 BOT Quốc lộ 1 - Cam Ranh có số vốn điều lệ 345 tỷ đồng để thực hiện Dự án.

Theo quyết định phê duyệt Dự án của Bộ GTVT, nhà đầu tư sẽ bỏ vốn chủ sở hữu và vốn vay thương mại để mở rộng, nâng cấp 36,1 km Quốc lộ 1 (lý trình Km 1488 - Km1525 thuộc địa phận Khánh Hòa) đạt tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, quy mô 4 làn xe cơ giới, vận tốc thiết kế 60 - 80 km/h. Trong tổng mức đầu tư ban đầu của Dự án lên tới 2.699 tỷ đồng này, đáng lưu ý nhất là chi phí xây dựng chiếm 1.300 tỷ đồng; lãi vay trong quá trình xây dựng chiếm 343,2 tỷ đồng và dự phòng phí là 652,5 tỷ đồng.

Cần phải nói thêm rằng, công trình đã được thông xe từ cuối tháng 9/2015 và bắt đầu thu phí hoàn vốn từ ngày 20/1/2016, vượt tiến độ 3 tháng so với hợp đồng đã ký kết. Tuy nhiên, thành tích này là không đủ để át được hàng loạt khuyết tật lớn tại Dự án bị Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra.

Hạn chế đầu tiên là tổng mức đầu tư Dự án được tư vấn lập quá “xông xênh” so với thực tế triển khai. Theo đó, tính đến ngày 27/10/2015 - thời điểm hoàn thành công trình, tổng vốn được chi ra trên thực tế chỉ là 1.417 tỷ đồng, giảm hơn 1.282 tỷ đồng so với con số được chốt trong phương án tài chính của Dự án. Đây là lượng vốn dư lớn trong số 15 dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ và 5 dự án BOT mở rộng Quốc lộ 14 qua Tây Nguyên.

Theo Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tất cả các hạng mục trong dự toán tại đều không chi hết. Cụ thể, so với tổng vốn đầu tư được phê duyệt, chi phí xây dựng tại Dự án còn thừa 18,5 tỷ đồng; giải phóng mặt bằng thừa 201,8 tỷ đồng; dự phòng thừa 652,5 tỷ đồng; lãi vay trong quá trình xây dựng thừa 280,9 tỷ đồng…

Được biết, theo hợp đồng số 13222/HĐ.BOT - BGTVT ngày 6/12/2013 ký giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư, thời gian hoàn vốn Dự án là 22 năm 7 tháng. Tuy nhiên, do các thông số đầu vào của Dự án trong phương án tài chính có nhiều thay đổi, nên thời gian hoàn vốn sẽ phải điều chỉnh lại. Tính toán sơ bộ cho thấy, với mức thu phí đang áp dụng tại trạm Cam Thịnh, thời gian hoàn vốn tại công trình BOT này chỉ còn khoảng 13 năm 7 tháng.

“Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền - Bộ GTVT và nhà đầu tư phải xác định lại thời gian hoàn vốn cho phù hợp”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung đề nghị.

Tiểu xảo… “ăn gian”?

Mặc dù khó có thể kết luận sự chênh lệch rất lớn giữa dự toán và chi phí thực tế sẽ dẫn tới thất thoát, bởi giá trị công trình chỉ được chốt sau khi các bên tiến hành quyết toán công trình qua kết quả của kiểm toán độc lập, nhưng việc “phóng tay” ấn định mức vốn như vậy cần được rút kinh nghiệm, đặc biệt là lập và thẩm định dự toán công trình.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, nhà đầu tư và các nhà thầu đã tính chi phí nhân công chưa phù hợp với quy định của pháp luật đã làm tăng chi phí thêm là 13,47 tỷ đồng. Đối với vấn đề này, Bộ GTVT lý giải, Bộ Xây dựng đã có ý kiến thống nhất tại văn bản số 2609/BXD-KTXD ngày 5/11/2015 việc tính phụ cấp không ổn định sản xuất trong đơn giá nhân công khi lập, thẩm định và phê duyệt dự toán chi phí đầu tư xây dựng công trình đối với toàn bộ các dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ.

“Vì vậy, việc có tính phụ cấp không ổn định sản xuất trong đơn giá nhân công khi lập, thẩm định và phê duyệt dự toán bước thiết kế bản vẽ thi công là phù hợp với hướng dẫn của Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Khánh Hòa”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.

Ngoài việc tính chi phí nhân công, tại Dự án này, Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phát hiện thêm ít nhất 3 trường hợp chủ dự án áp dụng chưa đúng đơn giá, định mức, trong đó, nổi cộm là việc áp chưa phù hợp đơn giá vật liệu nhựa đường. Cụ thể, giá nhựa đường trong sản xuất bê tông nhựa thường được tính theo thông báo giá của Petrolimex tại các kho chứa, cộng thêm cước vận chuyển đến vị trí trạm trộn.

Ghi nhận của Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, Dự án nằm tại đoạn cuối của tỉnh Khánh Hòa nên nhựa đường có thể lấy tại Quy Nhơn (Bình Định) hoặc tại Nhà Bè (TP.HCM). So sánh giá đến chân công trình, thì giá nhựa đường lấy tại kho Nhà Bè sẽ thấp hơn. Tuy nhiên, trong dự án, giá nhựa đường lại được tính lấy tại kho Quy Nhơn nên đã làm tăng chi phí xây lắp lên thêm 20,07 tỷ đồng.

Tương tự như vậy, giá vật liệu thép tại Dự án được tính theo thông báo giá trên website của Công ty cổ phần Kinh doanh thép hình tại Hà Nội, thay vì theo thông báo giá tại tỉnh Khánh Hòa đã làm tăng chi phí xây dựng lên 3,76 tỷ đồng.

Thừa nhận sai sót này, ông Trần Nam Trung, Giám đốc Công ty cổ phần 194 cho biết, sẽ chỉ đạo tư vấn thiết kế căn chỉnh lại giá vật tư, vật liệu theo thông báo giá của địa phương để lập dự toán, đồng thời rà soát, chỉnh sửa đúng theo định mức, đơn giá, đảm bảo không làm tăng tổng mức đầu tư.

Cần phải nói thêm rằng, việc áp dụng các đơn giá, định mức cao hơn so với thực tế là “tiểu xảo” khá phổ biến, nếu không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời sẽ mang lại lợi nhuận bất chính cho nhà đầu tư và nhà thầu.

Tin bài liên quan