Đổ thêm hơn 300 triệu USD vào Đồng Nai, đại gia Thái Lan Amata không giấu tham vọng "bành trướng"

Đổ thêm hơn 300 triệu USD vào Đồng Nai, đại gia Thái Lan Amata không giấu tham vọng "bành trướng"

Có một thông tin không được nhiều người chú ý, thậm chí “nằm” khá lặng lẽ trong báo cáo về tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cũng như của tỉnh Đồng Nai, đó là Tập đoàn Amata (Thái Lan) - thông qua Công ty cổ phần TNHH Amata Việt Nam - đã nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Thành phố Amata Long Thành, với tổng vốn đăng ký 309 triệu USD, được xây dựng trên diện tích 753,1 ha, trong tháng 7/2016.
Như vậy, Amata đã chính thức hoàn thành kế hoạch đầu tư 3 dự án tại Đồng Nai, như họ đã công bố cách đây gần 2 năm. Trong đó, Khu công nghiệp công nghệ cao Amata Long Thành có quy mô 410 ha, vốn đầu tư 282 triệu USD đã được cấp chứng nhận đầu tư từ giữa năm ngoái. Dự án thứ hai - Khu đô thị dịch vụ Amata Long Thành 1, diện tích hơn 5,5 ha, vốn đầu tư 23 triệu USD, đã được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư từ hồi tháng 3/2016.

Cộng với Dự án Thành phố Amata Long Thành mới đây, cho tới nay, Amata đã đăng ký đầu tư 614 triệu USD, cao hơn cả mức cam kết 530 triệu USD được đưa ra trước đó. Tập đoàn phát triển khu công nghiệp hàng đầu Thái Lan này có vẻ đang không hề giấu giếm tham vọng “bành trướng” trên thị trường bất động sản công nghiệp, dịch vụ Việt Nam.

Thực tế, dù đã đăng ký đầu tư hơn 600 triệu USD tại Đồng Nai, song tham vọng của Amata dường như được đặt nhiều hơn ở Dự án Amata City Hạ Long. Với vốn đầu tư đã từng được công bố lên tới 1,6 tỷ USD.

Dự án đã được Amata theo đuổi nhiều năm nay, song phải tới tháng 6/2016, HĐQT Tập đoàn Amata mới thông qua quyết định thành lập liên doanh với Tập đoàn Tuần Châu (Việt Nam) để đầu tư Dự án. Nhiều khả năng, tháng 9/2016, liên doanh Amata City Hạ Long sẽ được thành lập, trong đó, Amata sẽ nắm giữ 70% cổ phần, Tuần Châu nắm 30% còn lại.

Theo kế hoạch, Amata City Hạ Long có quy mô 5.000 ha, trong đó phần lớn diện tích sẽ được dành để xây dựng khu công nghiệp, phần còn lại là đất xây dựng khu đô thị, trung tâm thương mại, giáo dục và nghiên cứu khoa học, trung tâm logistics và triển lãm.

Như vậy, chỉ tính riêng quy mô đất đã gấp nhiều lần quy mô dự án mà Amata đang triển khai ở Đồng Nai. Tham vọng của Amata ở dự án này cũng lớn vô cùng, đó là sau khi hoàn thành, sẽ thu hút 1.000 doanh nghiệp đầu tư vào đây, tạo ra 300.000 việc làm và 5 tỷ USD doanh thu hàng năm.

Tham vọng lớn, nên Amata đã không ngừng đeo đuổi dự án, cho dù đã có thời điểm, Chính phủ Việt Nam thẳng thắn, Amata nên đầu tư vào các dự án hiện có, thay vì đề xuất một dự án mới ở một địa điểm mới. Amata cũng đã hơn một lần đề xuất lên Chính phủ các cơ chế ưu đãi đối với dự án này giống như một khu kinh tế, thay vì chỉ là một khu công nghiệp.

Theo lý giải của bà Somhatai Panichewa, Giám đốc điều hành của Amata Việt Nam, nếu chỉ được hưởng ưu đãi đầu tư như một khu công nghiệp, thì Amata City Hạ Long sẽ khó bề cạnh tranh với hàng loạt dự án của các nhà đầu tư VSIP, Rent-A-Port… - đều thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải ở Hải Phòng.

Tuy nhiên, đề xuất này khó có thể được chấp thuận, bởi theo quy định của pháp luật Việt Nam, chỉ đầu tư ở khu kinh tế mới được hưởng ưu đãi đầu tư ở mức cao nhất. Trong khi đó, Amata City Hạ Long chỉ nằm gần chứ không thuộc Khu kinh tế Vân Đồn, đã được thành lập tại Quảng Ninh. Khả năng thành lập một khu kinh tế mới cũng khó có thể xảy ra, bởi Chính phủ Việt Nam chủ trương không phát triển thêm các khu kinh tế, ít nhất cho tới thời điểm này.

Động thái tiếp theo của Atama tại dự án này ra sao sẽ còn phải chờ đợi. Thêm nữa, dư luận cũng đang đặt câu hỏi xung quanh dự án mà Amata đã từng dự định triển khai tại tỉnh Bình Định, nhằm đón đầu cơ hội do Tổ hợp Lọc hóa dầu Nhơn Hội, vốn đầu tư 22 tỷ USD, mang lại. Nhưng nay Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) không triển khai dự án này nữa, thì có lẽ, Amata cũng sẽ dừng bước ở Bình Định.

Tin bài liên quan