Điện mặt trời ở Việt Nam đang như đứa con bị... bỏ rơi!

Điện mặt trời ở Việt Nam đang như đứa con bị... bỏ rơi!

Với số giờ nắng nhiều, tổng lượng bức xạ trung bình cao, nhưng tại Việt Nam, điện mặt trời vẫn là lĩnh vực tiềm năng chưa được nhiều doanh nghiệp đầu tư khai thác. Lý do chính là chưa có cơ chế tài chính, chính sách cụ thể hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo hiện đại này.     

Số liệu thống kê mới nhất của các cơ quan chức năng cho thấy, tính đến hết 2015, tổng công suất nguồn phát điện của Việt Nam khoảng 38.800 MW, tăng 1,8 lần so với năm 2010 và đứng thứ 2 Đông Nam Á chỉ sau Indonesia. Song tổng công suất của các dự án nhỏ lẻ do các doanh nghiệp và cá nhân đầu tư vào điện mặt trời chỉ vào khoảng 5MW, chiếm khoảng 1,94% tổng công suất nguồn phát. Một con số quá nhỏ.

Thành lập từ 2009, Công ty TNHH MTV Vũ Phong chuyên sản xuất, xây dựng và đầu tư trong lĩnh vực năng lượng mặt trời. Doanh thu năm 2015 của Vũ Phong đạt khoảng 50 tỷ đồng, chiếm 25% thị phần thị trường thiết bị điện năng lượng mặt trời.

Ông Phạm Nam Phong, Giám đốc Công ty Vũ Phong cho biết, doanh nghiệp này hiện có 3 nhà xưởng với 4 dòng sản phẩm chính gồm thiết bị điện mặt trời hòa lưới, điện mặt trời độc lập, bơm điện năng lượng mặt trời và chiếu sáng năng lượng mặt trời.

“Các đơn hàng ban đầu của Vũ Phong cũng rất đơn giản như hệ thống phát điện trong khu vực kiểm lâm. Hay loại bán chạy nhất là máy phát điện 1 triệu đồng, giúp nông dân có điện sử dụng lúc ở rẫy cho 2 bóng đèn và sạc pin điện thoại. Hiện nay, 75% sản phẩm tiêu thụ là cho cá nhân, còn lại là cho doanh nghiệp”, ông Phong nói.

Đến nay, Vũ Phong có 100 nhân viên. Danh sách các dự án do Vũ Phong thực hiện có cả doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước như Đường Biên Hòa, Công ty Giấy An Bình, RMIT…

“Tháng 5/2016, chúng tôi đã hoàn thành việc lắp đặt các trạm sạc năng lượng mặt trời đầu tiên ở Việt Nam với công suất 600W/trạm cho RMIT Việt Nam. Sinh viên, cán bộ nhân viên trong trường có thể sạc điện thoại, máy tính… vào mọi thời điểm trong ngày”, ông Phong chia sẻ.

Mỗi tháng, Vũ Phong thi công từ 4 đến 8 dự án (tùy lớn nhỏ) với khoảng 300 lượt yêu cầu tư vấn. Dựa vào Big Data, qua phân tích, đánh giá, Công ty cho rằng, thị trường này rất giàu tiềm năng, rất nhiều khách hàng, khu dân cư, doanh nghiệp có nhu cầu và có thể mở rộng việc sử dụng năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư dự án năng lượng đã gặp không ít khó khăn về chính sách.

Điện mặt trời ở Việt Nam đang như đứa con bị... bỏ rơi! ảnh 1

Việt Nam hiện mới ban hành chính sách cho điện gió và sinh khối, còn chính sách phát triển điện mặt trời vẫn đang trong quá trình xây dựng dự thảo.

“Điện mặt trời như đứa con bị bỏ rơi, vì không có chính sách hỗ trợ thiết thực như bù giá, các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan... Lợi nhuận thu về từ đầu tư điện mặt trời không cao. Ngoài ra, thị trường còn bị cạnh tranh bởi một số doanh nghiệp trong nước nhập các sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc về bán”, ông Phong nhận định.

Điện mặt trời như đứa con bị bỏ rơi, vì không có chính sách hỗ trợ thiết thực như bù giá, các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan...

Do việc ứng dụng năng lượng mặt trời còn tương đối mới, nên các dự án chủ yếu xin nguồn tài trợ từ nước ngoài. Chính vì vậy, phần lớn các dự án phát triển năng lượng mặt trời vừa phải chú trọng phát triển công ty như 1 nhà thầu, vừa phải xây dựng đội ngũ nghiên cứu và phát triển thiết bị. Ngoài ra, điện mặt trời chỉ sản xuất được vào ban ngày do đó phù hợp cho các công ty, nhà máy. Nhưng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dân thì đòi hỏi phải đầu tư bộ tích điện hoặc phát lên lưới điện quốc gia như các quốc gia khác đã làm. Riêng việc phát lên lưới điện quốc gia có thể giúp doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời giảm hao phí truyền tải, nhưng lại không thể thực hiện do chưa có cơ chế, chính sách cụ thể.

“Để có thể triển khai dự án, chúng tôi phải thuyết phục các nhà máy lắp đặt một phần của hệ thống như lợp mái nhà xe để tiết kiệm điện, giảm sự phụ thuộc vào điện lưới. Có lẽ yếu tố chính thuyết phục doanh nghiệp tham gia sử dụng điện mặt trời là điều này sẽ giúp họ xây dựng được hình ảnh tốt với khách hàng, thể hiện sự thân thiện và trách nhiệm với môi trường”, ông Phong nhận xét.

Trong Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030 của Việt Nam, điện mặt trời chiếm 0,5% sản lượng điện. Cơ hội đã nhìn thấy rõ, nhưng hiện tại, các doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời như Vũ Phong vẫn đang phải chờ chính sách cụ thể, từ đó mới có thể hoạch định chiến lược bài bản, gọi thêm vốn đầu tư, qua đó tạo đột phá trong lĩnh vực này.

Tin bài liên quan