Tiến độ các dự án đầu tư công sẽ đảm bảo nếu vốn đầu tư được giải ngân kịp thời. Trong ảnh: Dự án Đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Ảnh: Đ.T

Tiến độ các dự án đầu tư công sẽ đảm bảo nếu vốn đầu tư được giải ngân kịp thời. Trong ảnh: Dự án Đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Ảnh: Đ.T

Đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư công

Sau khi rà soát các vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức đề xuất việc sửa đổi luật này trong chương trình pháp luật năm 2018 hoặc 2019.

Một dự luật mang tính đột phá, nhưng còn vướng mắc

Báo cáo Chính phủ cách đây ít hôm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, từ khi triển khai Luật Đầu tư công, việc bố trí vốn đầu tư được tập trung hơn trước, góp phần đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa công trình, dự án vào sử dụng phát huy hiệu quả. Cùng với đó, đã dành số vốn đáng kể để thanh toán vốn ứng trước và xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản trong giai đoạn 2016 - 2020. Đặc biệt, đã đổi mới công tác lập kế hoạch đầu tư, chuyển từ việc lập kế hoạch ngắn hạn, hằng năm sang kế hoạch trung hạn 5 năm, tạo sự chủ động, hiệu quả trong phân bổ vốn.

Tuy nhiên, những vướng mắc trong quá trình triển khai Luật đã bắt đầu xuất hiện. Nhiều địa phương đã lên tiếng về việc gặp khó khăn trong quá trình thực thi Luật Đầu tư công.

Báo cáo Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã “điểm mặt” những vướng mắc trong quá trình triển khai Luật, liên quan đến 3 nhóm vấn đề, bao gồm: đối tượng dự án; trình tự, thủ tục; những vấn đề còn chưa thống nhất giữa các luật liên quan đến đầu tư công.

Trong 3 nhóm vấn đề này, phản hồi từ các bộ, ngành, địa phương cho biết, nhóm liên quan đến trình tự, thủ tục gặp nhiều vướng mắc nhất. Chẳng hạn, trình tự, thủ tục phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, trong đó, khâu thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn chưa được quy định rõ ràng, trong một số trường hợp đã tạo ra “vòng luẩn quẩn” trong lập kế hoạch đầu tư công trung hạn. Luật quy định dự án phải có quyết định chủ trương đầu tư mới được bố trí vốn, trong khi việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn lại là điều kiện bắt buộc để ra quyết định chủ trương đầu tư.

“Vốn có trước hay dự án có trước là một vấn đề còn đang vướng mắc và chưa rõ ràng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận.

Trình tự, thủ tục đối với trường hợp chủ đầu tư đề xuất tăng hoặc giảm quy mô dự án; tăng, giảm tổng mức đầu tư của chương trình, dự án, dù đã được quy định tại Điều 46, Luật Đầu tư công và Nghị định 136/2015/NĐ-CP, nhưng lại chưa quy định cụ thể đối với việc tăng tổng mức đầu tư từ phân loại dự án nhóm C lên nhóm B, nhóm B lên nhóm A và ngược lại... Điều này, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có thể dẫn tới tình trạng lách luật, né tránh các thủ tục của dự án nhóm trên, ảnh hưởng đến việc thẩm định, giám sát, có thể gây lãng phí, thất thoát nguồn vốn.

Tương tự, vướng mắc càng ngày càng trở nên rõ ràng hơn trong bối cảnh giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA nơi nhanh, chỗ quá chậm như hiện nay. Các bộ, ngành, địa phương muốn điều chuyển kế hoạch giữa các dự án, nhưng theo quy định, muốn điều chỉnh vốn từ dự án chậm tiến độ sang dự án giải ngân tốt, đặc biệt là dự án ODA, phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Việc này vừa mất thời gian, vừa làm giảm tính chủ động của các bộ, ngành và địa phương…

Nhiều vướng mắc khác trong quá trình thực thi Luật Đầu tư công cũng đã được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề cập. Từ quy trình, thủ tục xin kéo dài dự án, đến thủ tục đầu tư các dự án mới, rồi cả thủ tục đầu tư các dự án PPP còn có sự chồng chéo giữa Nghị định 15/2015/NĐ-CP và Nghị định 136/2015/NĐ-CP…

“Trong thực tế, có nhiều dự án PPP có tổng mức đầu tư thuộc phân loại dự án nhóm A theo Luật Đầu tư công, nhưng phần vốn tham gia của Nhà nước chiếm tỷ lệ rất thấp. Trong trường hợp này, thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư công là Thủ tướng Chính phủ và phải thực hiện quy trình phê duyệt chủ trương đầu tư như một dự án sử dụng 100% vốn ngân sách nhà nước, dẫn tới không khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công

Sau khi rà soát và điểm mặt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Đầu tư công, dù khẳng định, đây là một dự luật mang tính đột phá, song Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, một số nội dung cần phải được hoàn thiện, nhất là trong bối cảnh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế nói chung và cơ cấu lại đầu tư nói riêng, trong đó trọng tâm là cơ cấu lại đầu tư công, đang diễn ra mạnh mẽ.

Những vướng mắc trong quá trình triển khai Luật đã bắt đầu xuất hiện. Nhiều địa phương đã lên tiếng về việc gặp khó khăn trong quá trình thực thi Luật Đầu tư công.   

Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Chính phủ xem xét, quyết định việc báo cáo Quốc hội bổ sung Luật Đầu tư công vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 hoặc năm 2019, theo hướng triển khai đánh giá toàn diện Luật Đầu tư công, triển khai sửa đổi, bổ sung Luật một cách tổng thể, bài bản gắn liền với Kế hoạch Cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025, phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan liên quan đến đầu tư công gắn với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tổng hợp ở Trung ương, hướng tới mục tiêu ổn định, lâu dài.

Tuy nhiên, trong khi chưa thể sửa đổi Luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất, trước mắt, cho phép triển khai sửa đổi, bổ sung Nghị định số 136/2015/NĐ-CP, Nghị định số 77/2015/NĐ-CP, Nghị định số 161/2016/NĐ-CP theo quy trình rút gọn ngay trong năm 2017 đối với những nội dung cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, nhằm tạo thuận lợi cho công tác triển khai thực hiện đầu tư công năm 2018 và các năm tiếp theo.

Chẳng hạn, sửa đổi các quy định để áp dụng thống nhất về trình tự, thủ tục, quyết định chủ trương dự án nhóm A đầu tư theo hình thức PPP. Hay sửa đổi quy định về điều chuyển vốn để tạo chủ động cho các bộ, ngành và địa phương trong điều kiện kế hoạch vốn được giao. Tương tự, hoàn thiện lại quy trình phê duyệt chủ trương đầu tư, khắc phục tình trạng vốn có trước hay dự án có trước…

“Tất nhiên, những sửa đổi này phải không trái với Luật Đầu tư công và phù hợp với những giải pháp tháo gỡ khó khăn đã được nêu tại Nghị quyết 70/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Tin bài liên quan