Đầu tư sang Lào, chuyện bây giờ mới kể

Đầu tư sang Lào, chuyện bây giờ mới kể

Với quỹ đất dồi dào và nhiều chính sách ưu đãi, Lào đang trở thành thị trường đầu tư nước ngoài hấp dẫn cho doanh nghiệp Việt Nam.

Hiện có hơn 250 dự án được doanh nghiệp trong nước đầu tư tại Lào với tổng vốn đầu tư gần 5 tỷ USD. Chính phủ hai nước cũng đưa ra nhiều ưu đãi để khuyến khích các nhà đầu tư. Thế nhưng vẫn còn nhiều rào cản khiến các doanh nghiệp không khỏi băn khoăn.

Những rủi ro tiềm ẩn

Cách đây vài năm, chị Lê Thị Tú Anh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Nông nghiệp Gap đã sang Lào tìm hiểu thị trường với dự định đầu tư trồng lúa và rau hữu cơ. Thế nhưng, những vướng mắc trong việc thuê đất làm dự án cùng nhiều bất cập trong khâu vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm khiến dự định này bị gác lại. Hiện nay, khi chính phủ Lào có nhiều chính sách ưu đãi rõ ràng hơn cho nhà đầu tư, chị đang nhen nhóm khả năng tiếp tục dự án nhưng vì chưa có đủ thông tin về thị trường nên đầu ra cho sản phẩm vẫn là điều chị cần giải quyết.    

Chính phủ Lào quy định lao động Việt Nam tại dự án, nhà máy không được quá 10% tổng số lao động, thời gian lưu trú ngắn (mỗi 3 tháng người lao động phải đổi visa một lần), chi phí làm thủ tục cư trú còn cao (300 USD/lao động/năm).

Đây cũng là điều quan tâm của nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư sang Lào. Mặc dù hiện nay, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đang hoạt động, đầu tư tại Lào, thế nhưng, hầu hết các nhà đầu tư đều gặp tình trạng thiếu thông tin thị trường và cơ chế chính sách của chính phủ Lào.

Bên cạnh đó, dù đã công bố nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài tuy nhiên, hầu hết các ưu đãi tốt nhất của Lào là dành cho những khu vực ít phát triển và chỉ áp dụng cho một số ngành phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, nông nghiệp sạch, công nghiệp, trường học, bệnh viện… nên cũng gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp vì đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thu lợi nhuận chậm và nhiều rủi ro nếu doanh nghiệp không vững về tài chính.

Khả năng tiếp cận vốn vay ưu đãi để thực hiện dự án tại nước bạn cũng là điều mà nhiều doanh nghiệp quan tâm. Trên thực tế, Việt Nam đã có một vài doanh nghiệp khi đầu tư tại Lào đã gặp vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện dự án, cũng như hiệu quả đầu tư.

Mặc dù được đánh giá là có cơ chế thông thoáng hơn Việt Nam nhưng kinh doanh tại Lào vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong hội nghị tổng kết về tình hình đầu tư giữa hai nước diễn ra tháng 3 vừa qua, đại diện một số doanh nghiệp cho biết vẫn gặp những vướng mắc về thủ tục hành chính, thuế, vốn vay và nguồn nhân lực khi triển khai dự án tại Lào.

Đặc biệt, việc sử dụng lao động Việt Nam sang làm việc tại Lào còn đang bị hạn chế. Hiện nay chính phủ Lào quy định lao động Việt Nam tại dự án, nhà máy không được quá 10% tổng số lao động, thời gian lưu trú ngắn (mỗi 3 tháng người lao động phải đổi visa một lần), chi phí làm thủ tục cư trú còn cao (300 USD/lao động/năm). Đây là một khó khăn lớn vì hầu hết các dự án được khuyến khích đầu tư tại Lào thường xa khu dân cư, nguồn nhân lực tại chỗ thường không đáp ứng được.

Chưa hết, việc thu hút lao động tay nghề cao từ Việt Nam sang Lào cũng là một vấn đề vì nhiều vướng mắc về chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đăng ký lưu trú…

Để những ưu đãi thật sự biến thành lợi ích cho doanh nghiệp

Nhìn về tổng thể, chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư của Lào hiện nay khá hấp dẫn. Chính phủ 2 nước cũng đưa ra một số quy định rõ ràng hơn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai dự án tại Lào. Phía Việt Nam đã bổ sung một số quy định nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư tại Lào như cho phép chuyển tiền trước khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, mở rộng diện đăng ký, rút ngắn thời gian xem xét…    

Doanh nghiệp được miễn thuế lợi tức lên đến 10 năm và được miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu, thiết bị, máy móc, phương tiện vận chuyển phục vụ cho việc sản xuất trực tiếp tại một tỉnh miền núi Lào Xaysomboun.

Về phía Lào, việc cấp phép các dự án cũng được quy định xử lý trong 10 ngày đối với dự án kinh doanh phổ biến và tối đa 25 ngày đối với dự án thuê tài sản nhà nước. Các chính sách ưu đãi dành cho các nhà đầu tư được quy định tại Luật Xúc tiến đầu tư số 02/Quốc hội Lào đưa ra ngày 8/7/2009 và Nghị quyết thực thi Luật xúc tiến đầu tư số 119/Thủ tướng ngày 20/4/2011. Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề là làm thế nào để sự đầu tư của doanh nghiệp Việt tại Lào thật sự hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế cho nước bạn mà chính doanh nghiệp cũng được hưởng lợi.

Để thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư đi đường dài và cùng đồng hành với chính phủ Lào trong mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy kinh tế bền vững và mang lại phúc lợi cho người dân, chính phủ Lào cũng cần tạo ra những cơ chế thông thoáng cho nhà đầu tư, từ việc cần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thuế, thủ tục hải quan, hỗ trợ vay vốn, thủ tục cấp phép lao động đơn giản, ít tốn kém hơn…

Để doanh nghiệp có thể chủ động về thông tin thị trường, cần xây dựng một kênh thông tin cập nhật liên tục về nhu cầu thị trường, cập nhật các quy định, chính sách mới và các đầu mối liên hệ để hỗ trợ nhà đầu tư khi cần thiết. Đặc biệt, cần tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp Lào và các nhà đầu tư nước ngoài để xây dựng một thị trường tiêu thụ ổn định.

Tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh Xaysomboun (một tỉnh miền núi của Lào) và các doanh nghiệp Việt Nam vừa diễn ra đầu tháng 4, nhiều doanh nghiệp đánh giá cao tiềm năng đầu tư vào tỉnh này khi chế độ ưu đãi về thuế lợi tức có thể được hưởng mức cao nhất của chính phủ Lào. Trong đó, đáng chú ý là doanh nghiệp được miễn thuế lợi tức lên đến 10 năm và được miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu, thiết bị, máy móc, phương tiện vận chuyển phục vụ cho việc sản xuất trực tiếp. Tỉnh này cũng miễn thuế xuất khẩu đối với sản phẩm xuất khẩu thông dụng.

Đặc biệt, các dự án đầu tư xây bệnh viện, trường mầm non, trường học, trung tâm nghiên cứu, một số hoạt động công cộng thì sẽ được miễn tiền thuê đất 15 năm và được miễn thuế lợi nhuận thêm 5 năm. Nhiều doanh nghiệp có ý định đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại đây, vì theo họ, đây là lĩnh vực không đòi hỏi quá nhiều nhân lực, có thể giải quyết những bất cập về nguồn cung lao động và rất phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai.

Tuy nhiên, lo lắng lớn nhất của doanh nghiệp là việc tiếp cận vốn ưu đãi và giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM và đại diện tỉnh Xaysomboun, hiện chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ ưu đãi vay vốn cho doanh nghiệp đầu tư sang Lào và hoạt động vay vốn vẫn theo quy định hiện hành của 2 nước.

Không thể phủ nhận những nỗ lực của chính phủ Lào để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, tuy nhiên, vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa để mang lại cơ chế thông thoáng, tháo gỡ những vướng mắc thực tế của doanh nghiệp, đem lại hiệu quả thực sự cho từng dự án. Khi mà môi trường kinh doanh vẫn tiềm ẩn những rủi ro và bài toán đầu ra cho sản phẩm vẫn chưa được giải quyết, hiển nhiên doanh nghiệp khó lòng mạnh dạn đầu tư.

Tin bài liên quan