Đau đáu chuyện giải ngân vốn đầu tư

9 tháng đã trôi qua nhưng có một thực tế cần tiếp tục được cảnh báo, có giải pháp quyết liệt và triệt để hơn. Đó là giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản vẫn chậm.

Từ đầu năm tới nay, dù Chính phủ đã liên tục hối thúc các bộ ngành, địa phương đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư, bao gồm cả vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA và cả vốn đầu tư nước ngoài (FDI), song tình hình chuyển biến khá chậm.

Đau đáu chuyện giải ngân vốn đầu tư ảnh 1

Chín tháng, ngoại trừ giải ngân vốn FDI là tích cực, đạt 12,5 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước, thì giải ngân các khoản vốn đầu tư còn lại đều thấp so với kỳ vọng.

Một ví dụ cụ thể, tính đến ngày 15/9/2017, chi đầu tư phát triển từ vốn ngân sách nhà nước chỉ đạt 42,8% dự toán, trong khi cùng kỳ đạt 51,1%.

Lũy kế 9 tháng, giải ngân vốn đầu tư phát triển chỉ đạt khoảng 53,1% so với kế hoạch Quốc hội thông qua, bằng 53,8% kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Vốn ODA (cả ký kết và giải ngân) đều thấp hơn so với cùng kỳ năm 2016.

Những con số trên chắc chắn khiến Thủ tướng Chính phủ tiếp tục sốt ruột, nhất là khi trong nhiều tháng qua, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư luôn là điều khiến Thủ tướng và Chính phủ “đau đáu”.

Giải ngân chậm không chỉ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế trong năm nay, mà còn gây lãng phí nguồn lực khi chúng ta có tiền mà không tiêu được, tiền đã vay và vẫn phải trả lãi, nhưng lại không đưa được vào nền kinh tế để đầu tư phát triển, tạo nền tảng cho tăng trưởng và phát triển giai đoạn sau.

Nhiều nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư chậm đã được phân tích, mổ xẻ. Chính phủ cũng đã  ban hành Nghị quyết 70/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công từ đầu tháng 8/2017 nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư.

Vậy vì sao giải ngân vốn đầu tư vẫn chậm? Đâu là nguyên nhân cốt lõi? Trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương ra sao? Và đâu là giải pháp hiệu quả cần thực thi trong thời gian tới?... Đó là những câu hỏi cần đặt ra và có câu hỏi thỏa đáng.

Một tín hiệu đáng mừng, đó là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau một thời gian rà soát, đã chính thức đề xuất và xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công. Động thái này vừa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tạo thuận lợi về thủ tục đầu tư, vừa quản chặt hơn chuyện kéo dài thời gian giải ngân vốn đầu tư, cũng như chuyện các dự án “vô tư” xin điều chỉnh tổng mức đầu tư…, nhằm đảm bảo vốn đầu tư công được giải ngân nhanh hơn và sử dụng hiệu quả hơn.

Sửa đổi chính sách là quan trọng và cần thiết, nhưng nếu các, bộ ngành, địa phương không nỗ lực và nâng cao trách nhiệm của mình trong việc ra quyết định đầu tư, phân bổ vốn nhanh và đúng chỗ, cũng như tích cực tháo gỡ khó khăn vướng mắc, ví như giải phóng mặt bằng…, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, thì tình trạng “giải ngân đạt thấp so với kỳ vọng” như trong các bản báo cáo hiện nay sẽ là “chuyện dài kỳ”. Nếu vậy, hệ lụy tới nền kinh tế là rất lớn.

Một ví dụ. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa nhắc tới khoản chi lên tới 1 tỷ USD để “giải cứu” Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa của cả nước - trước tình trạng biến đổi khí hậu được cho là sẽ diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng lớn tới kinh tế - xã hội. Đây là vấn đề cấp bách và nghiêm trọng, nếu đồng tiền không được sử dụng đúng lúc và hiệu quả, thì Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phát triển ra sao trong tương lai?

Có thể mọi so sánh đều là khập khiễng, nhưng nhìn vào ví dụ ở Đồng bằng sông Cửu Long để thấy rằng, mọi nguồn vốn đầu tư, dù là cho dự án lớn hay nhỏ, nhất là vốn đầu tư công - trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, nợ công đã chạm ngưỡng - cần sớm được đưa và sử dụng và sử dụng hiệu quả. Đây chính là đòi hỏi sống còn của nền kinh tế.

Tin bài liên quan