Ông Nguyễn Đăng Trương

Ông Nguyễn Đăng Trương

Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu: Chủ đầu tư vẫn còn tư duy ban phát

Hiện tượng chủ đầu tư nêu rõ nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa khi mời thầu (một cách gián tiếp để loại những nhà thầu không “ăn dơ”) vẫn còn xảy ra phổ biến trong đấu thầu. Theo ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đó là vì chủ đầu tư vẫn muốn được ban phát gói thầu để ăn chia.

Báo Đầu tư đã từng phản ánh về nhiều trường hợp chủ đầu tư cố tình chào thầu theo hướng có lợi cho những đơn vị cung cấp bằng cách “cài cắm” những nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể vào các gói thầu. Xin ông cho biết, pháp luật đấu thầu quy định thế nào về những trường hợp hồ sơ mời thầu nêu nhãn hiệu, catalogue của một sản phẩm cụ thể?

Khoản 7, Điều 12, Nghị định 63/2014/NĐ - CP quy định, trong trường hợp không thể mô tả chi tiết đặc tính kỹ thuật, tính năng, cấu hình của thiết bị kỹ thuật thì được phép nêu một nhãn hiệu catalogue, một sản phẩm cụ thể để tham khảo, minh họa cho yêu cầu về kỹ thuật hàng hóa, nhưng phải ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương” sau nhãn hiệu, catalogue.

Đồng thời, phải quy định rõ nội hàm tương đương với hàng hóa đó về đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng, tiêu chuẩn công nghệ và các nội dung khác để tạo thuận lợi cho nhà thầu trong quá trình chuẩn bị hồ sơ dự thầu. Kể cả tương đương về xuất xứ cũng không được ghi. Tương đương chỉ là tương đương về chất lượng, thời gian sử dụng và tính năng về thiết bị công nghệ thôi. Nhưng đấy là trong trường hợp khi nào không mô tả được.

Thực tế, có nhiều trường hợp hoàn toàn có thể mô tả cấu hình, nhưng nhà thầu vẫn ghi tên sản phẩm của một hãng nào đó hoặc là định hướng. Điều đó là sai.

Dù đã quy định rõ như vậy, nhưng vẫn có nhiều trường hợp chủ đầu tư cố tình mời thầu theo hướng có lợi cho những đơn vị cung cấp, như nêu nhãn hiệu hàng hóa cụ thể, thậm chí là đề xuất chỉ định thầu, vì sao có hiện tượng vậy, thưa ông?

Chắc chắn là vấn đề lợi ích. Ông nào cũng lấy lý do muốn chỉ định thầu để làm cho nhanh, nhưng thực tế không bao giờ nhanh. Trong khi Đảng, Nhà nước luôn yêu cầu phải tạo ra môi trường đấu thầu minh bạch, cạnh tranh, tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường, nhưng các chủ đầu tư chỉ muốn có thẩm quyền để chỉ định thầu hoặc cài cắm để nhà thầu ruột trúng thầu, chứ không thực sự tạo ra một thị trường cạnh tranh, minh bạch.

Nhiều chủ đầu tư viện dẫn rằng, những quy định của Luật Đấu thầu là một trong những nguyên nhân khiến dự án bị chậm tiến độ. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Như tôi đã nói, khi chủ đầu tư muốn “cài cắm” điều kiện cho nhà thầu “ruột” không được, thì có những hành vi gây cản trở làm dự án chậm trễ chứ không phải bản chất của Luật gây chậm trễ. Luật của ta khá minh bạch rồi, hoàn toàn tiệm cận với quy định của thế giới, về thời gian còn rút ngắn hơn so với các quy định của tổ chức quốc tế nhiều.

Trong luật có quy định nào để điều chỉnh hành vi này?

Tại Điều 89, Luật Đấu thầu có nêu đầy đủ các hành vi bị cấm trong đấu thầu như: cấm can thiệp bất hợp pháp, cấm chỉ đạo trái pháp luật, cấm hành vi gian lận, cấm thông thầu, cấm cản trở chủ thầu... Không chỉ Luật Đấu thầu, mà ở Điều 222, Bộ luật Hình sự cũng quy định, các hành vi vi phạm pháp luật đấu thầu có thể bị xử lý từ hành chính đến hình sự. Hệ thống pháp luật như vậy là khá đầy đủ.

Tuy nhiên, theo quy định của đấu thầu là phân cấp thì người có thẩm quyền phải tự xử lý, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn để cho các cuộc đấu thầu nghiêm túc, nhưng nhiều khi chính những người có thẩm quyền, những người trong cuộc lại vi phạm quy định. Cái khó là cơ chế kiểm soát, khi mà người có thẩm quyền không thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật thì phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm để làm gương. Tôi nghĩ, vai trò của cơ quan báo chí truyền thông là rất quan trọng trong việc giám sát về đấu thầu, để những cuộc đấu thầu nghiêm túc, công bằng, minh bạch hơn.

Tin bài liên quan