Ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi

Ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi

Chủ tịch Trần Ngọc Căng: Thành công của nhà đầu tư là thành công của Quảng Ngãi

Những năm qua, tỉnh Quảng Ngãi được đánh giá là điểm sáng thu hút đầu tư tại khu vực Duyên hải miền Trung cũng như cả nước. Dẫu vậy, so với những tiềm năng và lợi thế sẵn có, Quảng Ngãi vẫn chưa khai thác hết những lợi thế này. Nhân Hội nghị xúc tiến đầu tư 2016: Quảng Ngãi - Tiềm năng và cơ hội đầu tư, phóng viên Báo Đầu tư đã trao đổi với ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi xung quanh vấn đề này.

Ông có thể khái quát sơ lược tiềm năng mà Quảng Ngãi đang sở hữu?

Tỉnh Quảng Ngãi có vị trí chiến lược trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, về địa lý, có 3 khu vực rõ rệt: miền núi, đồng bằng, ven biển hải đảo, có thể đầu tư phát triển nông nghiệp, công nghiệp và kinh tế biển.

Về giao thông, Quảng Ngãi nằm trên tuyến Quốc lộ 1A thông suốt, có Quốc lộ 24 nối liền các tỉnh Nam Lào, tạo hành lang Đông - Tây đầy triển vọng. Bên cạnh đó, hệ thống đường sắt Bắc - Nam, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Sân bay Chu Lai với các tuyến đi Hà Nội, TP.HCM và đặc biệt là cảng biển nước sâu Dung Quất có thể tiếp nhận tàu đến 100.000 DWT, đã giúp Quảng Ngãi trở thành một cửa ngõ quan trọng cho xuất nhập khẩu hàng hóa trong nước và quốc tế.

Với 130 km bờ biển, Quảng Ngãi còn là nơi có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Các bãi biển Bình Châu, Mỹ Khê, Sa Huỳnh… được nhiều du khách đánh giá là những bãi biển đẹp nhất Việt Nam. Huyện đảo Lý Sơn cùng với Bình Châu có đủ điều kiện để đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là công viên địa chất toàn cầu.

Danh thắng núi Cà Đam, cách TP. Quảng Ngãi 65 km, có độ cao hơn 1.400 m so với mực nước biển, quanh năm khí hậu mát mẻ, nhiệt độ chỉ từ 23 - 25 độ C, hội đủ điều kiện phát triển du lịch sinh thái, đồng thời phát triển mô hình trồng dược liệu quý và các loại nông sản, rau, củ, quả ôn đới.

Tiềm năng dồi dào, nhưng nhà đầu tư thường quan tâm đến những ưu đãi cụ thể. Quảng Ngãi có những động thái thiết thực nào để hỗ trợ nhà đầu tư, thưa ông?

Nhằm phấn đấu sớm đưa Quảng Ngãi trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, ngoài chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ, tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành những cơ chế chính sách mới về ưu đãi, hỗ trợ và thu hút đầu tư hấp dẫn, cụ thể:

Tỉnh áp dụng giá cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư với mức 0,5%, là mức thấp nhất theo khung giá quy định của Chính phủ (từ 0,5 - 3%); hỗ trợ đến 20% chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với những dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư; hỗ trợ 70% đầu tư kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào dự án đối với dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đối với dự án thuộc lĩnh vực xã hội hóa như giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường, Nhà nước hỗ trợ chi phí đầu tư giải phóng mặt bằng từ 50 đến 90% và miễn tiền thuê đất suốt đời cho dự án.

Ngoài ra, Quảng Ngãi còn hỗ trợ chi phí đào tạo lao động, hỗ trợ cho công tác vận động thu hút đầu tư; hỗ trợ xúc tiến thương mại, đầu tư; hỗ trợ công tác truyền thông và hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện thủ tục hành chính nhanh gọn, một đầu mối, có hiệu quả.       

Để đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát huy hiệu quả các dự án khi triển khai tại địa phương, Quảng Ngãi cần tiếp tục làm gì những năm tiếp theo, thưa ông?

Quảng Ngãi xác định chủ đề năm 2016 là “Năm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư”. Do đó, UBND tỉnh tiếp tục chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đồng thời, tỉnh tiếp tục kiện toàn, sắp xếp các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, nhằm nâng cao năng lực điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp.

Đặc biệt, tỉnh Quảng Ngãi luôn xem thành công của nhà đầu tư là thành công của tỉnh. Lãnh đạo tỉnh sẽ luôn luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tham gia định hướng, tạo mọi điều kiện và hỗ trợ tích cực cho nhà đầu tư.

Tin bài liên quan