Như vậy, mức phí áp dụng đối với xe loại 5 trên đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng nếu thu đúng, thu đủ có thể lên tới 10.660 đồng/km.

Như vậy, mức phí áp dụng đối với xe loại 5 trên đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng nếu thu đúng, thu đủ có thể lên tới 10.660 đồng/km.

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng giảm 35% phí cho xe tải trên 18 tấn, xe container 40f

Mức giảm đề xuất được chủ công trình đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đưa ra đối với xe loại 5: xe tải 18 tấn trở lên, xe container 40f là 35% so với mức phí cơ sở.

Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam – Vidifi vừa có tờ trình gửi Bộ Giao thông vận tải báo cáo về việc tăng mức phí cơ bản đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng từ 1.500 đồng/km/PCU lên 2.000 đồng/km/PCU dự kiến áp dụng từ ngày 1/4 theo phương án tài chính đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Điểm nhấn đáng chú ý nhất trong tờ trình này là việc Vidifi đề nghị Bộ GTVT chấp thuận tạm thời giảm 35% mức phí đối với xe loại 5 trong năm 2016. Sau năm 2016, căn cứ lưu lượng xe lưu thông, Vidifi sẽ báo cáo Bộ Giao thông điều chỉnh mức phí cho phù hợp.

“Việc giảm phí này nhằm thu hút các phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến, đặc biệt là xe loại 5, giảm tải cho Quốc lộ 5 cũng như khai thác hiệu quả cao tốc Hà Nội – Hải Phòng”, ông Phạm Văn Bổn, Phó Tổng giám đốc Vidifi giải thích.

Vidifi cũng cho biết là hệ số quy đổi các loại phương tiện theo PCU tại tuyến cao tốc này được nội suy theo cận dưới khung mức phí quy định tại Thông tư số 159/TT- BTC ngày 14/11/2013 của Bộ Tài chính.

Trong đó, xe loại 1 (dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; xe buýt vận tải khách công cộng) có hệ số quy đổi là 1; xe loại 5 (xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàn bằng container 40f) có hệ số quy đổi là 5,33 lần. Như vậy, mức phí áp dụng đối với xe loại 5 trên đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng nếu thu đúng, thu đủ có thể lên tới 10.660 đồng/km.

Theo thống kê của Vidifi, kể từ khi đưa toàn tuyến vào khai thác đến nay, lưu lượng xe loại 5 lưu thông trên đường cao tốc khá thấp, chỉ đạt 102.000 lượt xe trong tổng số 1,3 triệu lượt xe (tương đương 7,65%) và bằng 15% so với lượng xe loại này lưu thông trên Quốc lộ 5.

Lý do dẫn đến tình trạng này, theo chủ công trình, là do hầu hết các KCN, nhà máy lớn đều nằm hai bên Quốc lộ 5; việc kiểm soát tải trọng xe trên đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng thực hiện chặt chẽ hơn Quốc lộ 5; mức phí đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đối với xe loại 5 cao gấp 2,62 lần phí lưu thông Quốc lộ 5…

Trước đó, vào giữa tuần trước, Vidifi cho biết là từ 0h ngày 01/04/2016, sẽ điều chỉnh mức thu phí sử dụng đường bộ đối với đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Quốc lộ 5.

Đây là lần điều chỉnh mức thu phí theo lộ trình tăng phí sử dụng đường bộ trên Quốc lộ 5 do Bộ Tài chính quy định để duy tu, sửa chữa đảm bảo an toàn giao thông quốc lộ 5 và phần còn lại để hoàn vốn theo phương án tài chính của Dự ánđường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT.

Theo Chủ tịch HĐQT Vidifi Đào Văn Chiến, bắt đầu từ tháng 12/2015 (sau 7 năm triển khai xây dựng), đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đã được đưa vào khai thác và sử dụng toàn tuyến. Công trình được thiết kế phù hợp và dự án đã được thanh tra Bộ Xây dựng, kiểm toán nhà nước kiểm toán, hội đồng nghiệm thu nhà nước tổ chức nghiệm thu, cho đến nay được đánh giá cơ bản tốt. Hiện nay mỗi ngày có gần 20.000 lượt xe lưu thông trên tuyến cao tốc này; bước đầu đã giảm tải cho quốc lộ 5 và khẳng định vai trò là một trong những tuyến đường động lực phát triển chính cho khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Là công trình có hiệu quả kinh tế xã hội rất lớn, nhưng việc thu hồi vốn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù Dự án đã được Nhà nước hỗ trợ 39% tổng mức đầu tư, trong đó chủ đầu tư phải rất cố gắng để đầu tư các khu công nghiệp, khu đô thị được giao để thu được 16% từ tiền sử dụng đất; được thu phí quốc lộ 5 theo Thông tư 159/2013/TT-BTC và thu phí đường cao tốc với mức tương đương với đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành – Dầu Giây để hoàn vốn nhưng VIDIFI vẫn phải mất đến 30 năm mới thu hồi được vốn đầu tư. Nếu không tăng phí theo phương án tài chính đã được các bộ ngành phê duyệt thì phương án tài chính không đảm bảo và sẽ không đủ trả lãi ngân hàng.

Ông Chiến khẳng định, Ngân hàng phát triển Việt Nam và VIDIFI đầu tư đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng không vì mục tiêu lợi nhuận và đã cố gắng hết sức để xin hỗ trợ từ Nhà nước, tăng các nguồn thu khác như đầu tư khu đô thị, khu công nghiệp được giao để thu hồi một phần vốn và để có thể thu phí ở mức hợp lý. Tuy nhiên, để thu hồi vốn đầu tư đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và sửa chữa, bảo dưỡng cải tạo Quốc lộ 5 và trong điều kiện ngân sách nhà nước có hạn không thể hỗ trợ thêm cho Dự án nên việc tăng phí đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và quốc lộ 5 là không thể không thực hiện.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tăng phí theo phương án tài chính đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận còn nhằm thực hiện đúng phương án tài chính để tạo điều kiện có thể chuyển nhượng một phần hợp đồng BOT Dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng cho các đối tác.

Hiện VIDIFI đang phối hợp với Cục Quản lý đường bộ I tiếp nhận bàn giao hồ sơ tài liệu và hiện trạng hệ thống đường, cầu và các công trình trên tuyến từ km11+135 đến km92+460; và phối hợp với Sở GTVT Hải Phòng tiếp nhận bàn giao hồ sơ tài liệu và hiện trạng hệ thống đường, cầu và các công trình trên tuyến từ km92+460 đến km113+252 (cuối tuyến).

Tin bài liên quan