Kể từ đầu năm đến nay, lượng tiền rút khỏi các quỹ chứng khoán toàn cầu đã lên đến 90 tỷ USD

Kể từ đầu năm đến nay, lượng tiền rút khỏi các quỹ chứng khoán toàn cầu đã lên đến 90 tỷ USD

Các quỹ chứng khoán toàn cầu đang bị rút vốn nhanh nhất trong 5 năm

Nhiều nhà đầu tư đang “tháo chạy” khỏi các quỹ chứng khoán toàn cầu, với tốc độ rút vốn nhanh nhất kể từ năm 2011.
Tờ Thời báo Tài chính (Financial Times) của Anh cho hay, nhà đầu tư đang rút tiền khỏi các quỹ chứng khoán toàn cầu với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2011 bởi hàng loạt các chỉ số chứng khoán chính trên các thị trường thế giới giảm sâu sau khi lập đỉnh cao vào năm ngoái.

Việc các quỹ đồng loạt rút vốn đầu tư khỏi thị trường chứng khoán phản ánh tâm lý bi quan về triển vọng kinh tế tại nhiều thị trường.

Xói mòn lòng tin của nhà đầu tư

Các chuyên gia quản lý quỹ rất khó dự báo về hướng biến động của thị trường trong bối cảnh chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương thay đổi khó lường.

Dù ở thời điểm hiện tại, các thị trường chứng khoán trên thế giới đã hồi phục phần nào sau đợt bán tháo mạnh vào đầu năm nay, nhưng niềm tin của họ đã suy giảm đáng kể. Chính vì thế, nhiều nhà đầu tư chấp nhận đứng ngoài thị trường. 

Từ đầu tháng 5/2016 đến nay, nhiều thị trường lớn của thế giới bao gồm thị trường chứng khoán Mỹ (S&P 500), châu Âu (Euro Stoxx 600) và Nhật Bản (Nikkei) giảm sâu, khiến dòng vốn rút ra mạnh hơn. Chỉ riêng trong tuần trước, 7,4 tỷ USD đã bị rút khỏi các quỹ chứng khoán toàn cầu, theo số liệu của công ty cung cấp dữ liệu EPFR

Các quỹ chứng khoán toàn cầu đang bị rút vốn nhanh nhất trong 5 năm ảnh 1

Dòng vốn lớn đang chảy ra khỏi các quỹ đầu tư chứng khoán 

Chuyên gia về đầu tư Jim Tierney của AllianceBernstein nhận định, các nhà đầu tư do dự trong các khoản đầu tư ngay cả khi lãi suất bằng 0, thậm chí là âm. Vậy thì trong tương lai làm sao có thể khuyến khích đầu tư trong bối cảnh lãi xuất chưa được cải thiện, Jim Tierney quan ngại.

Việc các quỹ đồng loạt rút đầu tư khỏi thị trường chứng khoán phản ánh tâm lý bi quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế tại Nhật Bản cũng như khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Ngoài ra, nhà đầu tư cũng tỏ ra hoài nghi về triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp Mỹ khi khả năng phục hồi của nền kinh tế là rất mong manh.

Kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp công nghệ Mỹ trong quý I/2016 đã khiến nhà đầu tư thất vọng. Giá trị thị trường của hãng công nghệ Apple giảm hơn 80 tỷ USD từ khi công bố lợi nhuận hồi tháng 4 vừa qua.

Mới đây, dù Bộ Thương mại Mỹ thông báo doanh số bán lẻ tháng 4/2016 tăng, niềm tin người tiêu dùng cải thiện thế nhưng ngay cả thông tin đó cũng không trấn an được nhà đầu tư. Chỉ số S&P 500 vẫn giảm sát về mức thấp của đầu năm 2016.

Nhiều nhà đầu tư lo lắng về sự sa sút của giá dầu trên thị trường thế giới và khả năng hạ cánh cứng của nền kinh tế Trung Quốc và suy thoái kinh tế Mỹ. Nhà chiến lược thị trường toàn cầu Paul Christopher của Viện nghiên cứu Đầu tư Wells Fargo cho rằng, có một số yếu tố chính trị cũng ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế thế giới, trong đó có việc Anh có thể rút khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), bầu cử ở Tây Ban Nha và bầu cử ở Mỹ sắp tới.

Những tia sáng “cuối đường hầm”

Để cứu nền kinh tế, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) đã đồng loạt triển khai các chương trình kích thích kinh tế, trong đó có chính sách lãi suất âm. Tuy nhiên, giới đầu tư cho rằng các biện pháp trên sẽ không phát huy tác dụng tích cực.

Kết quả cuộc khảo sát của Hiệp hội các nhà đầu tư cá nhân tại Mỹ trong tuần qua cho thấy chỉ 20% trong số họ lạc quan về triển vọng kinh tế Mỹ, chỉ bằng một nửa so với mức trung bình suốt nhiều năm qua.

Khi rút tiền ra khỏi các quỹ chứng khoán, nhà đầu tư lại đổ tiền vào quỹ trái phiếu. Chỉ trong 5 ngày kết thúc vào ngày 11/4 vừa qua, các quỹ trái phiếu toàn cầu đã đón nhận lượng vốn lên đến 3,5 tỷ USD. Theo số liệu của EPFR, tiền đã vào các quỹ chứng khoán trong 11/12 tuần gần đây nhất.

Còn theo số liệu của Lipper, chỉ riêng trong tuần qua, các quỹ đầu tư trên thị trường tiền tệ đã thu hút lượng vốn 5,1 tỷ USD. Tiền đã chảy vào mạnh các quỹ này trong suốt 3 tuần liên tiếp.

Ngoài ra, các quỹ trái phiếu toàn cầu cũng đạt được lượng vốn kỷ lục lên đến 59 tỷ USD kể từ đầu năm nay, vượt qua con số khổng lồ 56 tỷ USD của cả năm ngoái.

Tin bài liên quan