Các nhà đầu tư hoàn toàn an tâm khi đến làm ăn tại Quảng Ngãi

Quảng Ngãi đang đón nhận nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước. Điều này cho thấy hiệu quả từ những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, đầu tư hạ tầng đồng bộ, chuẩn bị mặt bằng sạch và thực hiện những cam kết mạnh mẽ với nhà đầu tư... Đây chính là những chia sẻ của ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhân dịp Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Quảng Ngãi năm 2017.

Quảng Ngãi có những điều kiện gì để mời gọi các nhà đầu tư, thưa ông?

Quảng Ngãi có vị trí chiến lược trong vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, với diện tích hơn 5.000 km2, dân số gần 1,3 triệu người, 14 huyện, thành phố (bao gồm huyện đảo Lý Sơn); có điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng, vừa có miền núi, đồng bằng, trung du, đô thị và ven biển hải đảo, có thể đầu tư phát triển nông nghiệp, công nghiệp, du lịch dịch vụ và kinh tế biển đảo.

Các nhà đầu tư hoàn toàn an tâm khi đến làm ăn tại Quảng Ngãi ảnh 1

 Ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi

Quảng Ngãi kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ, thông suốt với quốc lộ 1A; đường sắt Bắc Nam; đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Quốc lộ 24A nối liền các tỉnh Tây nguyên với Nam Lào.

Quảng Ngãi cách cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng 130 km, cách sân bay Chu Lai khoảng 40 km về phía Bắc; có cảng biển nước sâu Dung Quất có thể tiếp nhận tàu đến 100.000 tấn và nhiều cảng chuyên dụng phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa.

Quảng Ngãi có Khu kinh tế Dung Quất với diện tích hơn 45.300 ha. Khu kinh tế Dung Quất là một trong 8 khu kinh tế ven biển được Chính phủ ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giai đoạn 2016-2020. Tại đây, đã có các dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất; Nhà máy Công nghiệp nặng Doosan; Khu công nghiệp - đô thị Dung Quất; Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát - Dung Quất.

Trong đó, nổi trội là Khu công nghiệp Dịch vụ - Đô thị VSIP. Đây là dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thành công và triển vọng.

Ngoài ra, Quảng Ngãi còn có 4 khu công nghiệp tập trung và 15 cụm công nghiệp, làng nghề được đầu tư kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu đầu tư, kinh doanh.

Với lợi thế đó, Quảng Ngãi hiện đã thu hút 45 FDI dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 1,4 tỷ USD và 392 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký hơn 218.000 tỷ đồng.

Để giữ vững ổn định, tăng hiệu quả thu hút đầu tư, Quảng Ngãi đã đưa ra định hướng và lĩnh vực thu hút đầu tư, thưa ông?

UBND tỉnh Quảng Ngãi xác định, năm 2017 là năm “đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp”.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đã ban hành Quyết định Chương trình Xúc tiến đầu tư chiến lược dài hạn giai đoạn 2017-2020, phấn đấu thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước từ 2,5 - 3,5 tỷ USD (trong Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp) và 15.000 tỷ đồng địa bàn khác.

Những ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên thu hút gồm: công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến; logistics; hạ tầng đô thị; đầu tư kinh doanh cảng biển và dịch vụ hàng hải; đầu tư kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp, khu đô thị; du lịch - dịch vụ; nông nghiệp công nghệ cao...

Trong năm 2017, chúng tôi cũng xác định tập trung gọi vốn đầu tư vào công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến, du lịch - dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao; chú trọng đẩy nhanh tiến độ thực hiện và xúc tiến các dự án lớn như Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát - Dung Quất; nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất...

Phối hợp với Tập đoàn Sembcorp nghiên cứu đầu tư Dự án Nhà máy điện khí; Tập đoàn PVN lập quy hoạch và phát triển hệ thống phân phối khí (từ mỏ khí Cá Voi Xanh) cung cấp cho các doanh nghiệp trong Khu kinh tế và các khu công nghiệp...

Thưa ông, Quảng Ngãi sẽ làm gì để luôn là điểm đến tốt nhất cho các nhà đầu tư?

Quảng Ngãi cam kết với các nhà đầu tư luôn xem thành công của nhà đầu tư là thành công của tỉnh Quảng Ngãi; luôn đồng hành cùng nhà đầu tư, tạo mọi điều kiện và hỗ trợ tích cực cho nhà đầu tư khi đến đầu tư tại tỉnh Quảng Ngãi.

Để thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, trong thời gian đến, Quảng Ngãi sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tiếp tục chỉ đạo các ngành, các cấp đồng hành, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, lành mạnh.

Tin bài liên quan