Bước tiến mới trong hợp tác doanh nghiệp Việt - Hàn

Bước tiến mới trong hợp tác doanh nghiệp Việt - Hàn

(ĐTCK) Trung tuần tháng 3/2018, nhiều đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc đã đáp chuyến bay tới Việt Nam để tìm kiếm các cơ hội hợp tác, xúc tiến giao thương. Một cuộc đổ bộ mới của doanh nghiệp xứ sở kim chi vào Việt Nam bắt đầu.

Tìm kiếm cơ hội, mở rộng đầu tư

“Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh trong khu vực, tầng lớp trung lưu tăng nhanh. Cùng với đó, thu nhập của người dân ngày càng tăng, đây được đánh giá là thị trường nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng”, ông Yun Won- Sok, Phó Chủ tịch Phòng thương mại, Đại sứ Hàn Quốc Kotra nhận xét.

Đặc biệt, ông Yun Won-Sok cho rằng, Việt Nam là một thị trường bán lẻ tiềm năng và thực sự là cơ hội vàng đối với nhiều doanh nghiệp nếu biết cách khai thác.

Hàn Quốc hiện đang là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Tính đến hết năm 2017, tổng số vốn đầu tư đăng ký của Hàn Quốc tại Việt Nam đạt 57,5 tỷ USD tại 6.477 dự án. Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc đang trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ nhất từ trước tới nay. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã tăng hơn 100 lần kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, đạt mốc 64 tỷ USD năm 2017. Việt Nam đang là đối tác thương mại số 1 của Hàn Quốc trong số các nước Đông Nam Á.

Số vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam có thể sẽ được cải thiện nhiều trong năm 2018 khi  doanh nghiệp Hàn Quốc đã có cuộc đổ bộ vào Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư ngay trong những ngày đầu năm.

Khán phòng Hội nghị của khách sạn Deawoo Hà Nội ngày 22/3 chật kín, buổi giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc do Kotra tổ chức đã thu hút gần 300 doanh nghiệp tham gia, trong đó có 60 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động trong nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, điện tử, công nghệ y tế sinh học, hàng tiêu dùng, xây dựng cơ bản, trang thiết bị…

Trong khi đó, tại khách sạn Grand Plaza ngày 23/3, số lượng doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc đến tham dự cuộc gỡ do Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc phối hợp với cơ quan Doanh nghiệp khởi nghiệp Hàn Quốc tổ chức đã vượt gấp đôi so với số lượng đăng ký 200 người. Các doanh nghiệp Hàn Quốc mang theo cả sản phẩm để tranh thủ tiếp thị, chào hàng với đối tác.

Một trong những động lực để giao thương Việt - Hàn diễn ra mạnh mẽ hơn trong thời gian gần đây chính là các hiệp định thương mại song phương và đa phương. Theo bà Eunsil Park, chuyên gia của Trung tâm hỗ trợ FTA Hàn - Việt, hiện Việt Nam đã ký 10 hiệp định thương mại tự do, trong đó với Hàn Quốc có 2 hiệp định là FTA Việt - Hàn và FTA Hàn Quốc - ASEAN. So với FTA Hàn Quốc - ASEAN thì FTA Việt- Hàn mang lại lợi ích lớn hơn cho doanh nghiệp cả hai bên, đặc biệt là biểu thuế cắt giảm ở nhiều mặt hàng.

Cụ thể, tỷ lệ trong biểu thuế của FTA Việt - Hàn thường thấp hơn so với FTA Hàn Quốc - ASEAN. Ngoài ra, với việc miễn nộp giấy chứng nhận xuất xứ, FTA Việt - Hàn cũng cho phép hàng hóa không quá 600 USD được miễn nộp giấy chứng nhận xuất xứ, thay vì hàng có giá trị 200 USD như trong FTA Hàn Quốc – ASEAN.

Phát triển thời cách mạng 4.0

Một trong những dấu ấn của doanh nghiệp Hàn Quốc trong chuyến đổ bộ lần này là họ mang cả kinh nghiệm ứng dụng công nghệ trong phát triển nhà máy để chia sẻ với doanh nghiệp Việt Nam.

Giới thiệu về mô hình nhà máy thông minh, TS. Song Jun Byeong cho biết, đây là chìa khóa để các doanh nghiệp nâng cao năng suất và nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhà máy thông minh có sự kết hợp của 5 công nghệ cốt lõi, gồm hệ thống ứng dụng thông minh, kiểm soát thông minh, các biện pháp đo lường và thể hiện dựa trên IoT, phát triển ứng dụng dựa trên IoT và thiết kế quản lý sản phẩm khoa học.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc cho rằng, tự động hóa là đích đến của các doanh nghiệp, tuy nhiên tự động hóa không có nghĩa là giảm nhân sự. Doanh nghiệp Việt cần áp dụng nhiều công nghệ, tận dụng tự động hóa để nâng cao sức mạnh và lợi thế cạnh tranh.

Khẳng định doanh nghiệp Việt không đứng ngoài cuộc mà tận dụng các ứng dụng công nghệ để phát triển đặc biệt thúc đẩy xuất khẩu, ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam cho rằng, việc doanh nghiệp Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ ứng dụng sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có thêm động lực để thúc đẩy đưa công nghệ 4.0 vào trong sản xuất.

Theo lãnh đạo VCCI, doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc đang có nhiều thuận lợi và sự hợp tác chặt chẽ sẽ góp phần thúc đẩy doanh nghiệp hai nước lên tầm cao mới. Hiện doanh nghiệp Hàn Quốc đang có nhiều đóng góp vào ngành công nghiệp Việt Nam, đặc biệt tập trung ở năng lượng, điện tử, logistic, bán buôn bán lẻ…                

Tin bài liên quan