Dự án điện gió tại huyện Tuy Phong (Bình Thuận)

Dự án điện gió tại huyện Tuy Phong (Bình Thuận)

Bình Thuận “kích hoạt” các dự án công nghệ cao

Xác định Bình Thuận có tiềm năng để phát triển dự án công nghệ cao, nhất là trong các lĩnh vực điện mặt trời, điện gió, nông nghiệp…, lãnh đạo Bình Thuận tỏ rõ sự quyết liệt trong thu hút các dự án công nghệ cao để phát triển kinh tế - xã hội.     

Thủ phủ của năng lượng sạch

Với khí hậu hanh khô và thời tiết ít mưa, nhiều nắng, Bình Thuận là địa phương có nhiều điều kiện phát triển các dự án điện mặt trời. Theo khảo sát, có đến 8/10 huyện, thành phố ở Bình Thuận đủ điều kiện làm dự án điện mặt trời. Trong khi đó, 192 km bờ biển cũng là điều kiện rất tốt để làm các dự án điện gió.

Điều đó lý giải vì sao nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu để đầu tư các dự án điện mặt trời, điện gió tại Bình Thuận. Theo thông tin từ Sở Công thương Bình Thuận, đến nay đã có 3 dự án điện mặt trời được cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đáng chú ý là dự án của Công ty TNHH Doo Sung Vina (Hàn Quốc) tại huyện Tuy Phong. Dự án này có công suất thiết kế 30 MW, tổng vốn đầu tư 66 triệu USD.

Ông Đỗ Minh Kính, Giám đốc Sở Công thương Bình Thuận cho biết, tỉnh đã lập bổ sung Quy hoạch Phát triển điện lực tỉnh trình Bộ Công thương với 5 dự án điện mặt trời, trong đó có 1 dự án quy mô lớn thuộc thẩm quyền của Chính phủ. 21 nhà đầu tư đã được UBND tỉnh có văn bản chấp thuận chủ trương khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án điện mặt trời.

“Gần đây, hầu như ngày nào chúng tôi cũng có lịch tiếp các nhà đầu tư đến tìm hiểu, nộp các thủ tục xin làm các dự án điện mặt trời”, ông Kính nói và cho biết, Sở đang xem xét để tới đây trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án điện mặt trời cho gần 20 nhà đầu tư.

Không làm cái gì mà dễ cả, nhưng nếu không làm thì khó mong chờ sự bứt phá cho nền nông nghiệp đang chậm phát triển như hiện nay

- Ông Nguyễn Ngọc Hai,

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận

Trong khi đó, với các dự án điện gió, tại Bình Thuận đã có 19 dự án đăng ký đầu tư với tổng công suất đăng ký khoảng  1.200 MW, trong đó có 3 dự án đi vào hoạt động với tổng công suất 60 MW. Theo Quy hoạch Phát triển điện gió tỉnh Bình Thuận đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện gió đạt 2.500 MW.

Theo ông Kính, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang khẩn trương đầu tư, xây dựng các dự án hạ tầng hệ thống truyền tải điện. Do đó, khi đầu tư các dự án điện mặt trời, điện gió tại Bình Thuận, việc đấu nối vào hệ thống truyền tải điện rất thuận lợi, giảm chi phí đầu tư cho doanh nghiệp.

Bứt phá từ nông nghiệp công nghệ cao

Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận xác định, thiên nhiên không dành tặng những điều kiện lý tưởng nhất để Bình Thuận phát triển nông nghiệp theo cách truyền thống. Do đó, làm nông nghiệp công nghệ cao chính là con đường ngắn nhất, phù hợp và hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, nếu không có sự bứt phá từ công nghệ cao, thì nền nông nghiệp của tỉnh sẽ mãi giậm chân tại chỗ. Sản xuất lúa nằm trong quỹ an ninh lương thực ổn định, nhưng đột phá từ cây lúa không hiệu quả. Còn sản xuất thanh long đã giảm bởi nhiều yếu tố, trong đó có dịch bệnh và thị trường tiêu thụ.

“Chỉ có thể phát triển nông nghiệp theo xu thế dựa vào khoa học công nghệ hiện đại mới có giá trị cao cho nông nghiệp. Tôi đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp và sớm ban hành chính sách phát triển đồng cỏ, chăn nuôi bò và phát triển đàn bò sữa”, ông Hai nói.

Hiện thực hóa quyết tâm này, Bình Thuận đã xây dựng Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, đề xuất với Chính phủ thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lê Hồng Phong tại huyện Bắc Bình, với quy mô diện tích 2.000 ha. Ngoài ra, Bình Thuận đã hình thành vùng sản xuất thanh long an toàn, tập trung, với quy mô 10.000 ha tại 2 huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc, để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào vùng sản xuất thanh long theo hướng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.

Gần đây, các nhà đầu tư cũng khẩn trương triển khai các dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Bình Thuận. Trong đó, đáng chú ý là Khu phức hợp nông nghiệp công nghệ cao chăn nuôi bò và chế biến các sản phẩm từ sữa của Công ty Thông Thuận, với tổng mức đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn I là 1.500 tỷ đồng có thời gian đầu tư từ 2017 - 2019.

“Khi dự án đi vào hoạt động, sẽ tạo việc làm cho khoảng 1.000 lao động, đóng góp cho ngân sách hàng năm trên 500 tỷ đồng”, đại diện nhà đầu tư nói và cho biết, dự án sẽ được khởi công xây dựng vào dịp Bình Thuận tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư năm nay.

Tin bài liên quan